Hội thảo khoa học “Giới thiệu công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến sản phẩm từ quả nhãn”

Ngày 08/5/2025. Sở Khoa học và Công nghệ kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giới thiệu công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến sản phẩm từ quả nhãn”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến sản phẩm từ quả nhãn” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, GS.TS. Nguyễn Văn Mười làm chủ nhiệm đề tài.

 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu từ các viện, trường đại học trong và ngoài tỉnh. PGS. TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì buổi hội thảo.

 

PGS. TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
phát biểu tại hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS. TS. Lâm Văn Tân nhấn mạnh vai trò quan trọng của cây nhãn, một trong 12 loại cây ăn trái chủ lực của Việt Nam và là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng xuất khẩu nhãn. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng nhãn đạt hơn 30.000 ha, trong đó riêng tỉnh Bến Tre có trên 800 ha tập trung tại huyện Bình Đại, đặc biệt là vùng cồn Tam Hiệp và Long Hòa, nơi đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “nhãn Tam Hiệp, Long Hòa”.

 

Tuy nhiên, ngành hàng nhãn hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như: sản lượng tập trung theo mùa, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều và thiếu đa dạng trong sản phẩm chế biến. Thêm vào đó, các nghiên cứu trong nước về công nghệ sau thu hoạch và chế biến quả nhãn hiện còn tương đối hạn chế.

 

Quang cảnh buổi hội thảo.

 

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, đề tài nghiên cứu do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đã tập trung ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và gia tăng giá trị thương mại cho quả nhãn. Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày các kết quả nổi bật như: Đặc tính hình thái, hóa lý và giá trị dinh dưỡng của một số giống nhãn tại tỉnh Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long; Kỹ thuật chế biến và bảo quản nhãn Idor (Euphoria Longan Lam) sấy khô nguyên vỏ; Biện pháp giảm tỷ lệ nứt vỏ trong lạnh đông và trữ đông quả nhãn Idor (Euphoria Longan Lam)...

 

Đặc biệt, hội thảo cũng giới thiệu 05 sản phẩm chế biến từ quả nhãn như nhãn tươi nguyên quả bảo quản lạnh, nhãn tươi nguyên quả lạnh đông, nhãn tươi nguyên quả lạnh đông, nhãn sấy khô nguyên vỏ, thịt cơm nhãn sấy thăng hoa. Các sản phẩm này được đánh giá cao về chất lượng cảm quan, khả năng bảo quản và tiềm năng thương mại hóa.

 

Phát biểu thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực về việc nâng cao năng lực chế biến tại địa phương, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ nhãn, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, cũng như tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng các công nghệ mới.

 

Hội thảo khoa học đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua các báo cáo chuyên đề, kết quả nghiên cứu thực tiễn và phần thảo luận sôi nổi, hội thảo không chỉ góp phần lan tỏa các giải pháp công nghệ tiên tiến đến với địa phương, mà còn mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa giới nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đây là bước khởi đầu quan trọng để từng bước đưa các sản phẩm chế biến từ quả nhãn của tỉnh Bến Tre nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, hướng đến phát triển bền vững ngành hàng nhãn trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số hiện nay.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hội thảo khoa học “Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2026-2030”
• Nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài: “Xây dựng hệ thống thu thập số liệu tự động và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
• Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 họp phiên thứ 2
• Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tài nguyên nước tỉnh Bến Tre trong điều kiện biến đổi khí hậu”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu giải pháp cứng hóa bùn nạo vét phục vụ xây dựng nền các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu bình tuyển cây đầu dòng và phân tích nguồn gen cây sầu riêng tỉnh Bến Tre”
• Thực trạng và giải pháp gia tăng giải pháp sáng chế
• Nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh vào chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững”
• Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt cổng thông tin nq57.mst.gov.vn: Đòn bẩy chiến lược thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
• Tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cho ngành dừa Bến Tre
• Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
• Triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ, đột phá để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao
• Nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển sản phẩm chế biến đạt chứng nhận OCOP tỉnh Bến Tre”
EMC Đã kết nối EMC