Hiệu quả mô hình “Thâm canh tổng hợp nhãn Ido” tại Long Hòa, huyện Bình Đại

Hiện nay, vùng trồng nhãn bị ảnh hưởng lớn bởi bệnh chổi rồng và giá cả bấp bênh của nhãn tiêu da bò làm giảm thu nhập của nông dân. Nhãn Ido là giống nhãn có sức sinh trưởng mạnh cho năng suất cao và chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt ít bị nhiễm bệnh chổi rồng. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình “Thâm canh tổng hợp nhãn Ido” đạt hiệu quả cao đã khai thác tốt tiềm năng năng suất và chất lượng cây nhãn Ido; góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình thực hiện với qui mô 5 ha trên vườn nhãn trồng sẵn 3 năm tuổi, được bố trí tại xã Long Hòa, huyện Bình Đại. Tham gia mô hình nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác: Phương pháp tỉa cành tạo tán giúp tán cây tròn đều phát triển tốt; xử lý ra hoa, quản lý dinh dưỡng và quản lý bệnh chổi rồng một cách hiệu quả sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 Vườn nhãn Ido của anh Nguyễn Hữu Thanh tham gia mô hình.


Nông dân tham gia mô hình đã nắm vững và áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật đã tập huấn: Phương pháp bón phân cân đối kết hợp sử dụng phân hữu cơ một cách hiệu quả gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Xử lý ra hoa thành công, giảm được lượng Chlorate Kali (KClO3). Quản lý sâu, bệnh bằng biện pháp IPM hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Thanh nông dân mô hình rất phấn khởi cho biết việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mà Trung tâm Khuyến nông đã chuyển giao đã góp phần làm tăng lợi nhuận, giúp tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Cụ thể năng suất nhãn đạt 10 tấn/ha/cây 3 năm tuổi, tăng 3 tấn/ha so với ngoài mô hình. Lợi nhuận đạt 243.780.000 đồng/ha và cao gấp 12,4 lần so với đối chứng nông dân trồng nhãn tiêu da bò lợi nhuận đạt 19.600.000 đồng/ha.

Để đạt được hiệu quả như trên ông Thanh đã áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mà Trung tâm Khuyến nông chuyển giao như sau:

1. Tỉa cành: Cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, ốm yếu, bị che khuất bên trong tán cây nhằm tạo cho tán cây thông thoáng, kích thích cây ra nhiều chồi mới.

- Bón phân kích thích các cơi đọt ra tập trung phát triển tốt: bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái hoặc NPK có hàm lượng đạm cao như: NPK 18-12-8; 20-20-15. Kết hợp bón phân hữu cơ 2 tấn/ha giúp cây cho ra đọt non mập.

- Chú ý phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại khi ra đọt non.

2. Xử lý ra hoa
- Khi cơi đọt thứ ba chuyển sang màu xanh đọt chuối (từ 37 đến 39 ngày tuổi) tiếp tục phun MKP nồng độ 0,5% (40g/8 lít nước) giúp cây cho lá già đồng loạt.

- Sau khi phun MKP được từ 5 đến 7 ngày lúc này lá chuyển từ màu xanh đọt chuối sang màu xanh nhạt. Dọn sạch lá, cỏ xung quanh gốc, tưới nước trước khi xử lý 1-2 ngày để tạo độ ẩm cho gốc. Sau đó, hoà tan 300-400 gram KClO3 vào 35-40 lít nước, tưới đều xung quanh tán cây, tưới nước đảm bảo độ ẩm đất giúp thuốc ngấm đều vào vùng rễ cây.

- Khi cây ra hoa cần phun ngừa một số sâu, bệnh như: sâu ăn bông, bệnh khô cháy hoa. Chú ý chỉ phun thuốc trước khi ra hoa nở 5-7 ngày. Không nên phun thuốc trừ sâu, bệnh khi hoa đang nở sẽ làm rụng hoa.

* Do sau khi xử lý thuốc đầu rễ của cây đã bị chết, nên khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây, nuôi trái kém đi. Để trái được cây nuôi dưỡng tốt cần phải tạo thuận lợi cho ra rễ mới bằng cách tưới vào vùng tán cây đã tưới thuốc chất kích thích ra rễ (super root) cùng với phân Trimix N2 và Bioking-K.

3. Giai đoạn nuôi trái
- Sau khi đậu trái 7 ngày bón 0,2 kg/cây Nitrabor kết hợp NPK 20-20-15.
- Sau khi đậu trái từ 15, 30 và 60: bón phân nuôi trái NPK 15-15-15 hoặc 14-10-17 và bổ sung phân hữu cơ để tăng trọng lượng trái góp phần tăng năng suất; giai đoạn 90 và 120 ngày phun thêm các loại phân bón lá có hàm lượng kali cao để tăng chất lượng trái nhãn.
- Phun thuốc ngừa sâu bệnh: phun Metalaxyl hoặc Ridomil để phòng ngừa bệnh thối trái do nấm Phytopthora.

4. Tỉa trái:
Nhãn Ido thường đậu trái rất sai, nên cần tiến hành tỉa bớt trái ở thời điểm 1 tháng sau đậu trái. Các chùm trái được tỉa bỏ bao gồm các chùm trên các cành nhỏ khuất trong tán, chùm trỗ trước hoặc sau lứa rộ, chùm ở đỉnh ngọn. Số trái chừa lại ở nhãn 3 năm tuổi khoảng 25 kg trái/cây. Ngoài tỉa bỏ các chùm trái ở vị trí xấu, còn tỉa bỏ các trái đèo trên chùm hoặc tỉa bớt trái trên các chùm quá sai để đảm bảo độ lớn và đồng đều của trái đạt tiêu chuẩn thị trường yêu cầu.

Mô hình đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, đơn giản, dễ áp dụng nên được nông dân đồng tình ứng dụng và đạt kết quả nổi bật như: gia tăng năng suất; giảm được lượng KClO3; Giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiểm môi trường.

Nhãn Ido mang lại giá trị kinh tế cao cần tiếp tục tuyên truyền và tổ chức nhân rộng mô hình để bà con trong vùng có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nâng cao được nhận thức của người dân, tăng cường bón phân hữu cơ, bón cân đối phân vô cơ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng giúp vườn cây phát triển ổn định và bền vững tạo niềm tin và sự phấn khởi, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa