Trồng hoa cúc vàng vụ Tết – một số vấn đề cần lưu ý

Hoa cúc vàng là một trong những loài hoa khá phổ biến được nhiều người biết đến và được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên Đán. Hiện nay, có nhiều giống cúc mới nhập nội, năng suất cao, chất lượng hoa tốt. Vì thế việc trồng hoa  không chỉ là thú vui mà còn là nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng hoa. Mặc dù hoa cúc vàng rất dễ trồng song để cho hoa nở to, màu sắc đẹp rực rỡ mang lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng hoa cần lưu ý một số vấn đề trong kỹ thuật trồng.

 

 
 

Bingbong.

 

Đại đóa.

 

Tua Xanh.

 

Cây cúc có bộ rễ chùm ăn ngang chủ yếu tầng đất nông nên đất thích hợp cho hoa cúc phải có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, dễ thoát nước. Hoa cúc có thể trồng vào chậu từ khi cây con, thế nhưng cần lưu ý giá thể trồng cúc cần phải tơi xốp, có độ thông thoáng cao, thoát nước, nhiều mùn, bố trí trồng sao cho cây phân bố đều trong chậu để tán cây được đều mới đẹp, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Do đặc điểm cây cúc chịu hạn hơn chịu úng, nên việc tưới nước chỉ cần vừa phải, giữ ẩm cho cây, không tưới quá nhiều sẽ làm cho cây phát triển cành lá, hoa nhỏ và xấu. Tưới nước cho cây vào buổi sáng, không tưới quá trễ vào buổi chiều cây dễ bị bệnh. Tuỳ điều kiện thời tiết có thể 2-3 ngày tưới nước một lần, vì giá thể xơ dừa tưới nhiều dễ bị ẩm độ cao.  Mỗi tháng cần định kỳ ngắt bỏ lá già, lá vàng, lá bị sâu bệnh để cây được thông thoáng, ánh sáng đầy đủ, việc phun thuốc sâu bệnh cho cây được dễ dàng, giúp cây giảm được sâu bệnh. Bấm ngọn là một trong những kỹ thuật quan trọng trong trồng và chăm sóc hoa cúc, việc bấm ngọn và tỉa những cành nhánh không cần thiết hay còn gọi là cành phụ nhằm tập trung dinh dưỡng để phát triển cành chính giúp hoa to đều và đẹp, tuy nhiên với từng loại hoa cúc có cách bấm tỉa ngọn khác nhau. Với hoa cúc giống bông lớn (đường kính hoa từ 6-8cm) như cúc đại đóa, cúc vàng Đà Lạt sau khi trồng từ 15 - 20 ngày là đã có thể bấm ngọn chỉ để lại từ 3 - 5 cành và trên mỗi cành chỉ để lại một bông. Với hoa cúc giống bông nhỏ (đường kính hoa 1,5 -4cm) việc bấm ngọn cũng được thực hiện 15 - 20 ngày sau trồng, thực hiện 2 - 3 lần bấm ngọn để tạo nhiều nhánh nhỏ. Khi cây đã cho nụ, việc bấm nụ cũng cần được làm thường xuyên, tỉa bớt những nụ xung quanh nụ chính. Còn các loại như cúc chỉ, cúc họa mi có thể bấm hoặc không bấm ngọn, tỉa cành tỉa nụ để cho cây sinh trưởng phát triển tự nhiên nhằm giảm bớt chi phí công lao động.

 

Việc bón phân cho cúc bao gồm bón lót và bón thúc vì là cây phàm ăn nên việc bón lót rất cần thiết. Phân hữu cơ được bón lót trước trồng và trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây nên bón thúc NPK có tác dụng quyết định tăng năng suất và phẩm chất hoa. Đối với những giống cúc hoa to, thân mập, chủ yếu bón lót, không nên bón phân thúc nhiều lần (bón thúc khoảng 2 lần, lần 1 khi cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa và lần 2 vào thời kỳ cây làm nụ) và cũng không bón nhiều phân đạm vì sẽ làm cho cây phát triển cành lá, thân thấp, ít ra hoa, hoa nhỏ và xấu. Đối với những giống hoa cúc nhỏ, khả năng phân cành mạnh nên bón thúc 3 lần (lần 1 khi cây chuẩn bị phân cành; lần 2 khi  cành nhánh hình thành tối đa và chuẩn bị lên nụ, lần 3 vào thời kỳ cây làm nụ). Lượng phân bón trung bình cho 1.000m2 khoảng 300-500kg phân hữu cơ hoai mục; 20-30 kg phân NPK (20-20-15 hoặc 16-16-8). Ngoài ra, giai đoạn cây ra nụ cần phun thêm các loại phân bón lá như: Multi-K (13 - 0 - 46), Nitrat canxi (11-0-0 - 20 CaO) để làm phát hoa cứng cáp, màu sắc hoa đậm, lâu tàn. Đối với giống hoa to thường dùng bao hoa để hạn chế độ nở và nở đồng đều.

 


Giai đoạn cây cần được bấm ngọn.

 

Bao hoa.

 

Quản lý sâu bệnh trên hoa cúc cũng cần được quan tâm. Một số dịch hại phổ biến như bệnh thối gốc, bệnh rỉ sắt và ruồi đục lá.

 

Bệnh thối gốc do nấm Fusarium sp gây ra. Triệu chứng nhận biết đầu tiên, lá cây bị héo, xuất hiện ở lá non sau chuyển lên lá già. Nấm bệnh xâm nhiễm vào mô mạch làm mạch dẫn trong thân chuyển màu vàng nâu, gốc cổ rễ bị thối, vỏ bong ra, nhổ cây lên rễ bị thối có màu đen. Bệnh nặng cả cây hoa bị chết. Bệnh thường phát triển mạnh khi trời lạnh và thời kỳ cây ra nụ bệnh phát sinh mạnh và lây lan nhanh. Đối với bệnh thối gốc nên phòng bệnh là chủ yếu, trước khi trồng sử dụng chế phẩm Trichoderma kết hợp phân hữu cơ. Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh, phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng (Norshield, COC 85,..).

 

Bệnh thối gốc hoa cúc.

Bệnh rỉ sắt trên lá hoa cúc.

 

Bên cạnh, bệnh rỉ sắt thường gặp trong suốt thời kỳ sinh trưởng của hoa cúc. Có hai loại nấm gây bệnh rỉ sắt trên hoa cúc: nấm Puccinia chrysanthemi  và nấm Puccinia horiana. Bệnh thường gây hại trên những lá già. Vết bệnh dạng ổ nổi màu trắng hoặc màu vàng nhạt, hình thái bất định, thường xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm cháy lá, lá vàng rụng sớm. Bệnh hại cả cuống lá, cành non, thân cây. Bệnh nặng, lá trở nên vàng úa và rụng sớm, hoa nhỏ, màu sắc hoa kém tươi, cây xơ xác, thưa bông. Nếu thời tiết thuận lợi bệnh phát triển nhanh và mạnh, trên lá dày đặc vết bệnh, cây có thể chết. Nấm bệnh tồn tại chủ yếu trên tàn dư vụ trước và phát tán lan truyền trong không khí nhờ gió. Vì thế nếu vùng đất mà vụ trước đã bệnh hoặc những luống hoa chung quanh bị bệnh thì nông dân nên phun thuốc phòng bệnh cho vườn hoa của mình. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao. Để quản lý bệnh ngay từ đầu vụ nên thu gom, tiêu hủy triệt để các tàn dư cây bệnh; Bón phân cân đối để tạo cây khỏe có sức đề kháng; Tránh bón thừa đạm sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển; Khi cây bị bệnh hạn chế phun phân bón lá chứa đạm; Không tưới nước thẳng trên hoa hoặc tưới lúc chiều tối vì nước đọng lại làm bệnh phát triển mạnh; Phun một trong những nhóm thuốc có hoạt chất Hexaconazol (Anvil 5SC) hoặc Tebuconazole + Propiconazole (Tepro Super 300EC). Phun ướt đều lên lá và thân cây.

 

Ruồi đục lá gây hại hoa cúc.

 

Ruồi đục lá là côn trùng  gây hại phổ biến  trên hoa cúc. Trưởng thành là loài ruồi, đẻ trứng vào dưới biểu bì của lá. Sâu nở ra là dạng dòi. Ấu trùng ruồi đục lá gây hại tạo những đường đục ngoằn ngoèo màu trắng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Mật số dòi cao, sẽ làm cháy lá, giảm khả năng quang hợp, cây còi cọc, nếu giai đoạn ra hoa bị ruồi đục lá gây hại, cây sẽ cho ít bông, bông nhỏ. Để hạn chế ruồi đục lá nên vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa, thu gom và tiêu hủy những lá già, lá bánh tẻ bị ruồi gây hại. Dùng bẫy màu vàng để dẫn dụ và tiêu diệt trưởng thành. Khi có sự xuất hiện và gây hại ruồi đục lá có thể sử dụng một số thuốc có hoạt chất như Cyromazine (Trigard 100SL, Roninda 100SL), Spinetoram (Radiant 60SC), Abamectin (Brightin 4.0EC).


Để có những chậu hoa cúc vàng đẹp rực rỡ phục vụ thị trường Tết đòi hỏi người trồng hoa phải đầu tư, chăm sóc rất tỉ mĩ từ khâu chọn giống, kỹ thuật trồng đến quản lý dịch hại và đặc biệt là hoa nở đều đúng vào những ngày đầu năm mới.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi