Thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm tỉnh Bến Tre

Để đưa nhanh Nghị quyết số 09-/NQ-ĐH ngày 16/10/2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XI của tỉnh Bến Tre, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, từng bước khẳng định vị thế, tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà, nhất là trong nuôi tôm biển. Do đó, việc nắm vững, hiểu rõ tình hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm tỉnh Bến Tre thời gian qua là một trong các nhân tố quyết định kết quả đạt được các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới.

 

Hiện trạng nuôi tôm biển


Bến Tre với hơn 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản, tính đến  năm 2020 đã khai thác được diện tích nuôi thủy sản là 45.747 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,3% giai đoạn 2016-2020; Tổng sản lượng nuôi năm 2020 đạt 295.000 tấn (trong đó các đối tượng chủ lực: tôm biển 70.280  tấn, nhuyễn thể 15.050 tấn, cá tra 191.000 tấn), Trong các đối tượng nuôi thì con tôm biển có sự chuyển biến vượt bậc hơn so với các đối tượng còn lại (tăng gấp 1,6 lần so với năm 2016). Năng suất mô hình nuôi ngày càng được cải thiện và nâng cao (tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 8-10 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 5,5-6 tấn/ha/vụ, nuôi tôm quảng canh, tôm lúa từ 150-200kg/ha/năm, cá tra 350-400 tấn/ha/vụ) đã tạo ra một lượng lớn hàng hoá thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

 

Mô hình nuôi tôm trên bể nổi.

 

Dịch bệnh trên thủy sản nuôi ngày càng được kiểm soát chặt chẽ (Cụ thể năm 2016 chiếm 16-30% trên tôm biển, Đến năm 2020 giảm xuống còn 20%), thông qua việc kiểm soát chủ động và bị động trên thủy sản nuôi, công tác quan trắc môi trường vùng nuôi tôm tập trung dịch bệnh được duy trì, đặc biệt là công tác truyền thông về cảnh báo dịch bệnh ngày càng đa dạng để người nuôi dễ tiếp cận thông tin hơn bằng các chương trình của phát thanh truyền hình, website; ứng dụng trên điện thoại thông minh,.. để người dân chủ động trong công tác chọn giống, quản lý ao nuôi ngày càng tốt hơn.

 

Sản xuất giống thủy sản được đầu tư quy mô hơn, nhiều doanh nghiệp có năng lực đầu tư tại tỉnh với công suất khoảng 3-6 tỷ giống/năm (Công ty TNHH Việt – Úc, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH giống TS Toàn Cầu,…), góp phần chủ động về con giống của tỉnh nhà. Tỉnh Bến Tre có 3 khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận, xã Thừa Đức huyện Bình Đại và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

 

Hiện trạng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao


Hình thức nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghệ cao từng bước phát triển dưới sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã xây dựng nhiều điểm trình diễn trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú được phát triển từ năm 2016 với diện tích ban đầu 250 ha, đến năm 2020 tăng lên với tổng diện tích 1.680 ha (Bình Đại 800 ha, Ba Tri 150 ha, Thạnh Phú 730 ha), năng suất bình quân 60 -70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỉ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là tiện lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

 

Đối với hạ tầng để phát triển cho nuôi tôm công nghệ cao hầu hết được sử dụng từ các công trình giao thông, thủy lợi, điện đã đầu tư cho vùng nuôi tôm thâm canh tập trung, hiện nay chưa có dự án thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm công nghệ cao. Với sự phát triển loại hình công nghệ cao như hiện nay thì hạ tầng thủy lợi cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, trong thời gian tới đối với hạ tầng thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi công nghệ cao thì yêu cầu khối lượng nước cần cung cấp gấp hàng chục lần so với sản xuất thủy sản theo loại hình thâm canh truyền thống như hiện nay.

 

Nhiệm vụ, giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển công nghệ cao trong nuôi tôm


Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn cho nuôi tôm xuất khẩu. Áp dụng công nghệ biofloc hoặc semi - biofloc, hệ thống nuôi thủy sản Raceway, công nghệ nano trong nuôi tôm,... Ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học (chế phẩm sinh học, men vi sinh) trong nuôi tôm nước lợ.

 

Phối hợp với Viện, trường nghiên cứu các biện pháp phòng và điều trị hiệu quả một số bệnh thường gặp trên tôm; phát triển các kỹ thuật chuẩn đoán, điều trị và kiểm soát dịch bệnh trên tôm; Ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào quản lý và điều hành ngành tôm; trong sản xuất thủy sản; công nghệ cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản; hệ thống điều khiển giám sát môi trường nuôi trồng bao gồm các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ dinh dưỡng… giúp quản lý toàn bộ hoạt động ở trang trại thông qua máy tính, điện thoại và các thiết bị di động…

 

Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt chuẩn GlobalGAP, ASC, VietGAP,… trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ một phần vốn, kỹ thuật, chi phí chứng nhận cho người nuôi và cam kết mua lại sản phẩm với mức giá hợp lý.

 

Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận cho vùng nuôi đạt yêu cầu.

 

Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu chủ động xây dựng lộ trình cụ thể để tổ chức xây dựng các chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh hướng tới đạt chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để tôm Bến Tre đạt yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính.

 

Theo dõi chặt chẽ vấn đề môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tích cực vận động các hộ, cơ sở nuôi tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường, tránh phát triển “nóng” vượt tầm kiểm soát, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm. Kiểm soát và có biện pháp xử lý đối với các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm không đảm bảo yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường.

 

Việc triển khai các giải pháp khoa học và công nghệ tạo điều kiện thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh năm 2020 cho tín hiệu tốt để góp phần đạt một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 09-/NQ-ĐH ngày 16/10/2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI của tỉnh Bến Tre là phát triển 4.000 ha nuôi tôm CNC đến năm 2025.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi