Phòng trừ một số sâu bệnh trên nhóm rau ăn trái trong mùa nắng nóng

Trong mùa nắng, những vùng chủ động được nguồn nước tưới nông dân thường mở rộng diện tích trồng rau vì trong điều kiện đầy đủ lượng ánh sáng, rau dễ đạt năng suất cao hơn trong mùa mưa. Trong đó, các loại rau ăn trái như bầu, bí, mướp, đậu,… được trồng nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nông dân nên chú ý quản lý một số sâu bệnh gây hại như bệnh phấn trắng, bệnh đốm nâu, ruồi đục trái,… vì những dịch hại này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng trái.

 

Triệu chứng bệnh phấn trắng trên bí đao.

 

Phát triển mạnh trên nhóm rau ăn trái phải quan tâm đến bệnh phấn trắng. Bệnh phấn trắng do nấm Erysiphe  cichoracearum. Bệnh hại chủ yếu trên lá, đôi khi trên cuống lá và thân. Trên lá, vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ màu trắng xám, dần dần bị bao phủ bởi lớp nấm trắng xám dày đặc như bột phấn trên cả gân và phiến lá. Lá bị bệnh sớm vàng, khô và rụng. Nấm phát triển cả 2 bề mặt lá (phổ biến mặt trên), ở nhánh, ở thân. Bệnh nặng, phấn trắng có thể bao phủ trên cả cành, thân, hoa. Cây rau sinh trưởng yếu, năng suất giảm rỏ rệt. Vết bệnh thường phát triển lá già, những lá ở phía bên trong tán lá và ở tầng dưới. Nấm hình thành các phân sinh bào tử và nang bào tử. Nấm tồn tại trong cây bệnh dưới dạng túi bào tử sang năm sau tạo thành các bào tử lan truyền. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao. Bệnh phát sinh giữa đến cuối thời kỳ sinh trưởng của cây. Nấm là loài ký sinh bắt buộc, tồn tại trên các cây dại. Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến xuất hiện vết bệnh đầu tiên từ 3-7 ngày. Bệnh phấn trắng gây hại trên nhiều loại rau: bầu, bí, dưa, đậu,…..Để phòng trừ bệnh phấn trắng nên vệ sinh ruộng rau cho thông thoáng. Khi bệnh mới chớm sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5SC), Sulfur (Kumulus 80DF) hoặc Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG).


Bên cạnh, bệnh đốm nâu cũng thường gây hại trên cây rau họ đậu. Bệnh do nấm Cercospora cruenta  gây ra. Bệnh hại chủ yếu trên lá, vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ ở hai mặt lá, màu nâu tím, về sau vết bệnh lớn dần hình tròn, đường kính 2-3mm, bề mặt có lớp bụi phấn màu xanh xám hoặc nâu đen, đó là các phân sinh bào tử, vết bệnh không có vòng đồng tâm và không thủng lổ. Bệnh nặng, lá sẽ vàng và rụng sớm làm giảm quang hợp, cây sinh trưởng kém. Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh, phát triển trong điều kiện nóng và ẩm. Phòng trừ bệnh đốm nâu nông dân có thể sử dụng nhóm thuốc gốc đồng hoặc nhóm thuốc có hoạt chất Hexaconazole, phun khi bệnh mới chớm.

 

Triệu chứng bệnh đốm nâu trên đậu bún.

 

Ngoài ra, ruồi đục trái là loài sâu hại phổ biến trên các loại rau ăn trái. Ruồi có hình dạng và kích thước rất giống ruồi đục trái trên cây ăn trái nhưng loài này chỉ gây hại trên rau, phổ biến trên các cây rau họ Bầu bí. Trưởng thành dài khoảng 7-9mm, cánh trong suốt. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, thường là sáng sớm hoặc chiều mát. Trưởng thành đục và đẻ trứng vào trong trái, nơi vết đục có nhựa vàng ứa ra, chúng thường gây hại từ khi trái non đến gần thu hoạch. Ấu trùng là dạng dòi có màu trắng ngà, chúng sống và ăn phá bên trong trái, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn tấn công làm trái thối vàng, rụng sớm, chẻ bên trong trái sẽ thấy dòi rất nhiều. Vùng bị nhiễm nặng sẽ làm rụng trái hàng loạt gây thất thu năng suất nghiêm trọng. Dòi làm nhộng trong đất. Nên thu gom tiêu diệt trái rụng xuống đất, cày phơi đất sau vụ hoặc cho nước ngập ruộng vài ngày để diệt nhộng. Đặt bẩy màu vàng trong ruộng rau hoặc dùng bẫy dẫn dụ Methyl Eugenol (Vizubon-D) hoặc sử dụng Protein thuỷ phân (chỉ cần phun một vài điểm trên ruộng rau không cần phun cả ruộng).

 

Ruồi đục trái gây hại trên bí đao, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công làm thối trái.

 

Ruồi đục trái gây hại trên trái khổ qua.

 

Các loại rau ăn trái thường được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, ưu tiên nhóm thuốc sinh học và nhất là phải bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hiệu quả bước đầu từ việc xây dựng mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Vật liệu mới và sản xuất tiên tiến xu hướng trong tương lai
• Công nghệ xanh và bền vững
• Hệ thống sản xuất thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0
• Bến Tre từng bước phát triển lại vùng nguyên liệu ca cao
• Đồng bộ hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT)
• Nguyễn Hồ Vĩnh Phúc-Gương mặt trẻ thành đạt
• Sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao
• Kết quả nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát (glossogobius aureus) trong ao tại tỉnh Bến Tre
• Hiệu quả mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ
• Lữ Trường An với niềm đam mê nghiên cứu khoa học
• Ba Tri đẩy mạnh phát triển phong trào nuôi tôm công nghệ cao gắn với vùng sản xuất tập trung
• Kết quả Mô hình “Chuyển đất lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học và giảm phát thải” tại Ba Tri
• Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu bước đầu làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành
• Huyện Mỏ Cày Bắc thả trên 24 triệu ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen