Một số giải pháp nuôi rắn ri voi
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi phát triển mạnh, đem lại hiệu kinh tế khá cao. Rắn ri voi dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cá, ếch nhái, đầu ra ổn định giá bán khá cao từ 500.000 đến 800.000 đồng một kg, tuỳ theo thời điểm, có thể nuôi một lần đầu sau đó rắn sinh sản để nuôi không cần mua giống nữa. Hiện nay rắn ri voi được nuôi nhiều nhất tập trung các tỉnh miền tây như: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Riêng ở Bến Tre, đối tượng này nuôi chưa nhiều. Điều kiện cơ sở nuôi rất đơn giản diện tích không lớn, có thể tận dụng xung quanh nhà, vườn xây bể để nuôi rất phù hợp, ít công chăm sóc rất nhẹ nhàn, phù hợp cho mọi lứa tuổi, thời gian nuôi từ 12 đến 15 tháng là thu hoạch. Để đạt kết quả tốt người nuôi cần chú ý đến một số giải pháp kỹ thuật sau:
Con giống rắn ri voi. |
1. Về nhiệt độ:
Nhiệt độ cho rắn ri voi phát triển tốt nhất từ 23 - 32oC, nếu nhiệt độ nhỏ hơn 23oC thì rắn ngưng ăn và dưới 17oC độ rắn chết, và lớn hơn 32oC thì rắn trầm sâu dưới nước, giảm ăn. Rắn sống ở vùng nước ngọt không thích vùng nước lợ. Rắn ri voi không có nọc độc, nhưng rất nguy hiểm vì bản tính hung dữ và khả năng phản xạ rất nhanh khi gặp con mồi hoặc kẻ thù. Rắn tấn công và ăn cả những con mồi lớn hơn chúng 1,5 lần, do miệng của chúng có thể há rộng rất lớn, vì xương hàm của rắn rộng, miệng cứ giãn ra mãi và con mồi bị nuốt dần vào bụng. Sau khi nuốt xong con mồi, rắn sẽ tìm nơi kín đáo ẩn nấp nằm chờ tiêu hóa con mồi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rắn tiêu hóa con mồi trong môi trường nước nhanh hơn trên cạn.
2. Đặc điểm về thức ăn và sinh trưởng:
- Thức ăn chủ yếu của rắn ri voi là các loại cá da trơn như cá tra, cá chốt, cá trê, lươn, lịch, ếch, nhái. Tuy nhiên rắn cũng có thể ăn cá có vẩy nhưng đây không phải là thức ăn ưa thích. Rắn ri voi là loài háu ăn, rắn thích ăn thức ăn tươi sống hơn thức ăn chết.
- Rắn ri voi là nhóm bò sát, do đó rắn muốn lớn lên thì phải lột xác. Sự lột xác của rắn đều phụ thuộc vào thời tiết, môi trường sống và thức ăn. Nếu nhiệt độ từ 23 - 32oC, thức ăn đầy đủ, đối với rắn nhỏ từ 20 -200 gam chu kỳ lột xác từ 15 - 25 ngày/lần, rắn lớn từ 300-1kg chu kỳ lột xác kéo dài hơn từ 30 - 40 ngày/lần. Trước lúc lột xác, rắn giảm ăn, lầm lì, hung dữ, da của rắn chuyển sang màu trắng đục, mắt mờ dần đi, nhìn kém. Rắn ít hoạt động và tìm chỗ lột xác. Sau khi lột xác xong, khoảng 7 - 9 ngày sau, da của rắn mới trở lại bình thường. Lúc này rắn ăn mạnh trở lại. Nhiệt độ thời tiết, thức ăn rất ảnh hưởng tốc độ sinh trưởng của rắn. Rắn ri voi có thể sống được 10 năm.
3. Đặc điểm sinh sản của rắn ri voi
Trong tự nhiên, rắn ri voi không sống theo đôi hoặc bầy đàn. Rắn sống riêng lẻ, chỉ tới mùa sinh sản, rắn mới tìm tới nhau để bắt cặp. Mùa sinh sản của rắn ri voi đầu mùa mưa từ tháng 5 đến 8 âm lịch. Rắn cái có trọng lượng 1 kg và rắn đực 0,5 kg tham gia sinh sản tốt. Sau khi giao phối, trứng rắn thụ tinh, rắn ri voi đẻ ra con. Trước lúc đẻ rắn thường tìm tới những chỗ thuận lợi để đẻ. Chỗ đó phải kín đáo, rậm rạp, có độ ẩm cao, gần nước ... rắn ri voi mỗi năm đẻ một lứa. Tùy theo kích cỡ và trọng lượng mà rắn đẻ với số lượng khác nhau, mỗi lứa 10 - 30 con. Từ lúc thụ tinh đến đẻ khoảng 9 tháng.
II. Kỹ thuật nuôi rắn ri voi
Nuôi rắn ri voi hiện nay đòi hỏi người nuôi đáp ứng được ba vấn đề lớn: Con giống; Thức ăn cho rắn; Nguồn nước sạch. Hiện nay có nhiều cách để nuôi rắn ri voi như: nuôi trong bể xi măng, trong lu, khạp, xô, thao nhựa, thùng xốp…
1. Nuôi trong bể xi măng
Khi nuôi rắn trong bể xi măng người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Xây bể lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, trung bình 2x3m, độ cao từ 1,2 - 1,4 m, và đáy bể phải tô cho lán, hoặc ở đáy bể lót gạch men, nhằm để cho rắn không bị xây xát. Bể mới xây cần ngâm rửa nhiều lần để làm sạch mùi xi măng. Dùng phèn chua ngâm trước sau đó dùng chuối cây cắt nhỏ ngâm 5-7 ngày, sau đó chùi rửa sạch sẽ mới nuôi rắn.
- Cho nước vào bể nuôi khoảng 5-10 cm, đối với rắn nhỏ, từ 10- 15cm đối với rắn lớn, thả lục bình, chừa trống 1/3 diện tích còn lại là chỗ rải mồi cho rắn ăn. Tuy nhiên, hiện nay có nơi người ta chỉ cho giá thể bằng dây nylon để rắn trú.
* Chú ý: Bể nuôi rắn phải được chuẩn bị trước khoảng 01 tháng, để môi trường trong bể nuôi ổn định và lục bình phát triển tốt, khi đó mới bắt rắn về thả nuôi.
2. Nguồn nước cấp vào bể nuôi:
- Môi trường nước sạch là yếu tố quyết định của việc nuôi rắn ri voi. Nguồn nước lấy vào bể nuôi không bị nhiễm thuốc trừ sâu, không chứa chất độc hại... Nếu dùng nước giếng, thì ta cũng cần phải xử lý. Trong nước giếng, hàm lượng một số chất sắt, nhôm, kẽm cao, nước này dùng để nuôi rắn thì rắn dễ bị bệnh. Ta nên xử lý nước trước khi đưa vào bể nuôi, có thể dùng ADTA để xử lý, liều lượng 1gam/1m3 nước (tuỳ theo hàm lượng kim loại nếu nhiều ta tăng hàm lượng ADTA lên).
* Chú ý: Nếu dùng nước máy để thay nước cho bể rắn thì bơm ra bể chứa để qua 24 giờ cho Chlorine bóc hơi hết rồi mới sử dụng, còn nước ngoài sông rạch dùng thay nước cho bể rắn thì xử dụng Chlorin 20 gam cho 1m3 nước, để khoản 7 ngày kiểm tra kỹ hết Chlorin sau đó thay cho bể rắn.
3. Chọn con giống:
Con giống rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành công của người nuôi, nên khi chọn giống người nuôi cần lưu ý:
- Khi mua rắn giống phải biết rõ nguồn gốc giống, tránh mua của người thu gom, họ có thể đánh bắt bằng điện, bằng bả, câu và cắt bỏ lưỡi câu trong cơ thể rắn... làm cho rắn bị yếu và rất dễ chết, hoặc rắn đẹt bắt ra từ các trại nuôi. Nên chọn rắn cở 20-30 gam/con để nuôi, không mua những con rắn nhỏ từ các trang trại loại ra.
- Chọn rắn phải đồng cỡ, khoẻ mạnh, không có sẹo vết. Chọn loại con giống nhỏ, ở các trại nuôi rắn có uy tín, cỡ 40 con/kg, thường có vào thời điểm đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 đến tháng 6 âm lịch.
4. Mật độ thả nuôi
Tuỳ theo điều kiện thực tế của người nuôi, có kinh nghiệm, có tay nghề. Đối với rắn nhỏ 20-30 gam/con, mật độ thả nuôi từ 60-80 con/m2; Rắn lớn từ 300-500 gam/con, mật độ từ 30-40 con/m2
5. Chăm sóc, cho ăn:
- Rắn mới đem về thả vào bể từ 3- 4 ngày là rắn quen với môi trường nuôi mới và tập trung vào việc săn bắt mồi. Ta cần chọn những con mồi có kích cỡ phù hợp với kích cở của rắn, để cho rắn ăn. Vòng thân của con mồi bằng với vòng thân của rắn là vừa. Ở giai đoạn rắn nhỏ thức ăn tốt nhất vẫn là cá trê hoặc ếch con.
- Thức ăn thích hợp của rắn là cá da trơn như: cá trê, cá chốt, ếch nhái, lươn con,... Theo kinh nghiệm của những người nuôi thì bình quân 5- 6 kg thức ăn, thì rắn tăng trọng 1 kg. Cần cho rắn ăn đủ và đều để rắn mau lớn, cho rắn ăn vào chiều tối. Nếu cho ăn thiếu, rắn đói có thể cắn lẫn nhau.
- Có thể chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn bằng cách nuôi thêm, cá sặc, cá trê, nhái... trong bể, làm thức ăn tại chỗ cho rắn. Không lấy nước ở các sông rạch bị ô nhiễm cấp vào bể nuôi dể làm rắn bị bệnh ngoài da. Trung bình 3-5 ngày cho rắn ăn 1 lần, chú ý trước khi cho ăn cần kết hợp thay nước vệ sinh bể (rắn nhỏ thì 3 ngày/lần, rắn lớn thì 5 ngày/lần).
III. Một số bệnh thường gặp khi nuôi rắn ri voi
Trong tự nhiên, rắn ri voi sống rất thưa. Nơi nào không thích hợp là nó bỏ đi nơi khác. Vì vậy, rắn ít bị bệnh. Nhưng khi nuôi, do mật độ dày và không có điều kiện di chuyển chỗ ở nên rắn thường dễ mắc bệnh. Có một số loại bệnh thường xảy ra khi nuôi rắn ri voi, nếu điều trị không kịp thời sẽ lây lan rất nhanh và mức hao hụt sẽ rất lớn. Khi có dấu hiệu như rắn không ăn, chuyển động chậm chạp, hay leo lên lục bình để nằm.. ta cần quan sát kỹ để chuẩn đoán đúng bệnh và điều trị cho rắn kịp thời. Một số bệnh thường gặp như sau:
1. Bệnh ngoài da:
- Đối với động vật thủy sản nói chung, rắn ri voi nói riêng, khi nguồn nước bị nhiễm bẩn sẽ rất dễ làm cho con vật bị nhiễm các bệnh ngoài da. Đặc biệt những con rắn do khi bắt, ta làm trầy xước hoặc do chúng tranh ăn mà cắn nhau, gây các vết thương trên da, khi gặp nguồn nước bẩn sẽ rất dễ bị lở loét ngoài da. Rắn còn có hiện tượng lột da, sau khi lột lớp da non cũng rất dễ bị tác động của môi trường mà sinh bệnh.
- Phòng bệnh: giữ môi trường nước nuôi luôn sạch, thay nước bể và vệ sinh bể nuôi trước khi cho rắn ăn. Nước thay vào bể nuôi phải đảm bảo sạch không bị nhiễm khuẩn.
- Trị bệnh: Khi phát hiện rắn bị bệnh, ta đưa chúng ra môi trường riêng trong các bể, hoặc thau nhỏ để điều trị, ngâm rắn trong dung dịch thuốc tím nồng độ 15 ppm (15 gam/1m3 nước) ta ngâm rắn khoảng 5 phút rồi đưa ra nuôi trong bể nước sạch, ta có thể tắm rắn bằng nước muối 3% (30 gram muối pha với 1 lít nước) trong 5 phút hoặc tắm rắn trong dung dịch thuốc kháng sinh như: oxytetracyline, ampiciline... Nói chung, các phương thuốc trên sẽ giúp rắn loại trừ vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, ta dưỡng chúng một thời gian trong môi trường nước sạch. Khi hết bệnh, cho rắn trở lại bể nuôi.
2. Bệnh đường ruột:
- Bệnh này chủ yếu do nguồn thức ăn thiếu vệ sinh gây ra.
- Phòng bệnh: Tránh cho rắn ăn những thức ăn không được tươi, giữ nguồn nước luôn luôn sạch, phải theo dõi hàng ngày, thức ăn thừa nên vớt bỏ.
- Trị bệnh: Nếu thấy bụng rắn to lên nhanh một cách bất thường, bơi lội khó khăn, rắn kém ăn, thường tìm chỗ nằm nghỉ thì ta phải chủ động điều trị cho rắn ngay. Dùng các loại thuốc chữa đau bụng cho người như: Becberin hoặc sulfaguanidin ... ta nghiền nhỏ hoà với nước bơm trực tiếp cho rắn, 2 ngày là rắn có thể khỏi bệnh.
3. Bệnh đẹn
Bệnh này là bệnh ở vùng quanh miệng, nguyên nhân rắn mắc bệnh là do chúng cắn nhau xây xát hoặc viêm nhiễm những hốc răng. Vi khuẩn và nấm bệnh sẽ xâm nhập qua các vết thương, làm cho miệng rắn bị sưng, ăn rất khó khăn. Trên miệng xuất hiện những mụn mủ, lưỡi rắn ngả sang màu xanh vàng. Ta phải quan sát kỹ để phát hiện sớm rắn bị bệnh. Dùng thuốc mỡ kháng sinh Gentri-sone bôi vào miệng rắn chỗ bị đẹn. Bôi liên tục 2 - 3 lần (đây là loại bệnh rất khó trị) hoặc dùng kháng sinh cho vào thau/xô để ngâm cho rắn 10-15 phút.
4. Bệnh giun sán
Với môi trường nước và thức ăn tươi sống nên rắn dễ bị nhiễm giun sán. Giun sán sẽ ký sinh trong bụng, hút hết chất dinh dưỡng của rắn và làm cho rắn không lớn lên được. Nên trong quá trình nuôi cần phải định kỳ xổ giun sán cho rắn. Có thể dùng Kill-site sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, để xổ giun sán cho rắn.
Nhìn chung nuôi rắn ri voi là một nghề nuôi mới nhưng không khó. Nếu ta nắm vững các đặc tính của rắn và kỹ thuật nuôi thì ai cũng có thể nuôi thành công.
* Một số lưu ý trong nuôi rắn ri voi:
- Trong quá trinh nuôi rắn phát triển không đều, nên chúng ta cần tách những con nhỏ ra bể riêng, nhằm để tránh cạnh tranh thức ăn và cắn lẫn nhau.
- Khi cho rắn ăn đôi lúc hai con cùng ăn chung một con mồi thì chúng ta cần can thiệp, hoặc khi rắn cắn nhau trong lúc tranh thức ăn thì cũng cần can thiệp.
- Đối với bệnh đường ruột, hay bệnh giun thì tốt nhất dùng thuốc bơm trực tiếp cho rắn.