Đối tượng nuôi mới cá hồng mỹ phù hợp với điều kiện tự nhiên tỉnh Bến Tre

Cá hồng mỹ thuộc họ cá đù (Sciaenidae) là loài cá có đặc điểm rộng muối, rộng nhiệt phân bố ở vịnh Mêhicô và vùng duyên hải Tây Nam nước Mỹ. Trong những năm gần đây đối tượng này đã được di nhập vào các nước trong khu vực như: Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam... và nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi có giá trị kinh tế khá quan trọng trong khu vực. Cá hồng mỹ mặc dù không phân bố tự nhiên tại Việt Nam, tuy nhiên do giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, sử dụng được thức ăn công nghiệp và có thể nuôi được ở các loại hình mặn lợ và ngọt nên phù hợp nhiều người nuôi. Với giá bán cá thương phẩm trên thị trường 100.000-120.000 đồng/kg và thị hiếu người tiêu dùng hiện nay hướng tới sản phẩm sạch, nuôi trong môi trường ít ô nhiễm, cá hồng mỹ sẽ là thực phẩm thủy sản được nhiều người lựa chọn.

 

Đến nay, đã có một số tỉnh triển khai thành công mô hình nuôi thương phẩm đối tượng này như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hoà... Tuy nhiên, đối tượng này lại chưa được áp dụng nuôi phổ biến tại các tỉnh Nam bộ nguyên nhân là do nguồn cung cấp giống tại địa phương hạn chế, việc nhập giống từ các tỉnh phía Bắc lại chưa phù hợp với mùa vụ thả nuôi tại các tỉnh, khả năng thích ứng với điều kiện môi trường nuôi mới của cá giống kém dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Mặt khác, do là đối tượng nuôi mới nên quy trình kỹ thuật nuôi người dân chưa được tiếp cận, thị trường đầu ra đối với cá hồng mỹ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự e ngại khi đầu tư của người dân.

 

Tỉnh Bến Tre có lợi thế về điều kiện tự nhiên, diện tích mặt nước, khí hậu thời tiết, nhân lực lao động rất phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá biển phát triển. Xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang nuôi biển diễn ra khá mạnh mẽ. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã xác định phát triển kinh tế biển, trong đó nuôi cá biển là một trong những Chương trình phát triển kinh tế xã hội chính của tỉnh Bến Tre.

 

Do vậy, việc nuôi thương phẩm cá hồng mỹ của Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam tại tỉnh Bến Tre cần có sự nghiên cứu thiết lập một quy trình có hệ thống, để chuyển giao cho rộng rãi người dân nhằm phát triển đối tượng nuôi mới, tiến tới mở rộng mô hình sản xuất và phát triển nuôi thương phẩm đối tượng này là hoàn toàn khả thi và có tính cấp thiết, giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả canh tác diện tích nuôi tôm sú công nghiệp không hiệu quả.Từ tháng 10 năm 2020,được sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá Hồng Mỹ thương phẩm tại tỉnh Bến Tre”. Mục tiêu chính của đề tài là: Phát triển nuôi cá biển trong ao, tận dụng được ao nuôi tôm không hiệu quả để nuôi đối tượng mới, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi cá biển đến nông ngư dân, đẩy mạnh phong trào nuôi biển trong ao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông hộ, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch bệnh và góp phần phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh Bến Tre theo hướng bền vững.

 

Tháng 3 năm 2021, mô hình nuôi thử nghiệm cá hồng mỹ triển khaitại Công ty TNHH chế biến thuỷ sản Phát Huy ở địa chỉ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phútrên 03 ao với tổng diện tích là 9.000m2. Trước khi thả giống cá hồng mỹ thì cải tạo 03 ao nuôi (mỗi ao 3.000m2): nạo vét bùn đáy ao, diệt tạp, đắp bờ, rắc vôi, xử lý nước ao nuôi; lắp đặt hệ thống thiết bị gồm hệ thống quạt, máy bơm nước, đèn điện và cải tạo 01 ao (4.000 m2) để làm ao lắng… Số lượng con giống cá đù đỏ được thả nuôi trong là 13.500 con với mật độ là ao số 01: 1 con/m2, ao số 02: 1,5 con/m2, ao số 03: 2 con/m2.Cá giống khỏe mạnh, không bị dị hình, màu sắc tươi sáng và không trầy xước, không nhiễm bệnh. Cá có kích thước từ 5-10cm và mùa vụ thả giống cá hồng mỹ từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm.

 

Kiểm tra cá hồng mỹ giống trước khi thả giống ao mô hình.

 

Trong quá trình thực hiện mô hình,cán bộ kỹ thuật của đề tài hướng dẫn cho hộ nuôi kỹ thuật chăm sóc và quản lý ao nuôicá, theo dõi các yếu tố môi trường, ghi nhật kýtỷ lệ sống, quản lý thức ăn và hạn chế thức ăn dư thừa để tránh gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Trong tháng đầu, khẩu phần cho cá ăn là 6-8% khối lượng thân cá,cho cá ăn 3 lần/ngày, bổ sung thêm khoáng chất. Từ tháng thứ 2 trở đi thì cho cá ăn 2 lần/ngày, khẩu phần từ 3-5% khối lượng thân cá. Thường xuyên theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Giai đoạn chuyển tiếp giữa hai số thức ăn (cỡ hạt thức ăn) cần có sự phối trộn giữa hai số trước 2-3 ngày khi chuyển hẳn sang thức ăn số mới.Suốt thời gian nuôi mô hình phải quản lý môi trường ao nuôi và duy trì trong khoảng thích hợp: Độ mặn: 5-25‰; NH3-N < 0,1 mg/L; H2S< 0,03 mg/L; Oxy hòa tan > 4mg/L; Độ kiềm 80-150 mg/L.

 

Sau hơn 8 tháng nuôi, cá hồng mỹ đạt được kích cỡ thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt từ 800 gam/con đến 1.200 gam/con, tỷ lệ sống đạt 75%. Tổng sản lượng thu hoạch đạt8,1 tấn cá thương phẩm. Bên cạnh đó kết quả nuôi cá hồng mỹ của mô hình thử nghiệm đã tạo ra nguồn nguyên liệu sạch làm sản phẩm cá đù đỏ (cá hồng mỹ) một nắng của Công ty Chế biến thủy sản Phát huy được Hội đồng cấp tỉnh chấm và công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao.Điều này tạo điều kiện cho sản phẩm cá đù đỏ một nắng được tiêu thụ rộng rãi và đặc biệt là đưa lên sàn thương mại điện tử và vào hệ thống các siêu thị…Do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp nên thị trường tiêu thụ cá tươi bị giảm sút và ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến giá cá tươi hiện giờ thấp hơn so với giá thị trường trước đây. Việc chế biến cá hồng mỹ thành sản phẩm cá một nắng sẽ nâng cao giá trị cá thương phẩm và không phụ thuộc vào thương lái mà chủ động được thị trường.

 

Hội nghị đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre năm 2021 công nhận sản phẩm cá đù đỏ một nắng đạt Ocop 4 sao.

 

Sau thành công của đề tài cần tiến hành các thử nghiệm về thức ăn, mật độ cá hồng mỹ khác nhau tùy điều kiện tại từng địa phương. Đối với mô hình thực hiện tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã cho thấy kết quả khá thành công nhưng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nữa có thể nuôi ở mật độ từ 4-5 con/m2 thì sản lượng thu hoạch tăng từ 16-20 tấn/ha.

 

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre kiểm tra mô hình nuôi.

 

Từ các kếtquả mô hình của Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Namthực hiệnđề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá hồng mỹthương phẩm tại tỉnh Bến Tre”sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôitrồng thủy sản, tận dụng có hiệu quả tiềm năng diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả để nuôi cá biển, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phầnđẩy mạnh phát triển kinh tế nông hộ và nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh Bến Tre phát triển ổn định và bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi