Đại Điền khoát lên mình diện mạo mới

Đại Điền là xã thuộc tiểu vùng I, nằm về hướng Tây-Bắc của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Trung tâm xã cách thị trấn khoảng 12 km, phía Đông-Bắc giáp sông Hàm Luông và huyện Giồng Trôm; Phía Tây-Bắc giáp xã Phú Khánh; Phía Đông giáp xã Quới Điền; Phía Tây và Nam giáp xã Tân Phong.

 

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Đại Điền là 1.147,26 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 845,81 ha, chủ yếu là trồng dừa và chăn nuôi gia súc, gia cầm; diện tích đất phi nông nghiệp là 301,46 ha. Toàn xã có 7 ấp, 69 tổ nhân dân tự quản với 1.758 hộ và 5.276 nhân khẩu.

 

 Đại Điền thuộc vùng đất cù lao, địa hình tương đối bằng phẳng. Xã có nhiều kênh, rạch nhỏ, khí hậu mang những nét đặt trưng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, 02 mùa mưa, nắng rõ rệt thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

 

Xã Đại Điền được công nhận là xã Nông thôn mới vào năm 2015, đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân xã xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.

 

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ phục vụ đi lại trao đổi hàng hóa người dân.

 

Để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐH ngày 29 tháng 05 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Đại Điền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng uỷ xã chủ động xây dựng kế hoạch số 04-KH/ĐU ngày 20 tháng 7 năm 2020 xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, mặc khác Ban chỉ đạo xã xây dựng kế hoạch số 28-KH/BCĐ ngày 18 tháng 10 năm 2022 xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2023. Đồng thời từng lúc củng cố, kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển các ấp để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

 

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư tương đối hoàn chỉnh tạo điều kiện vận chuyển, giao lưu hàng hóa và phát triển thương mại dịch vụ, đặc biệt xã có tiềm năng phát triển du lịch văn hoá lịch sử.

 

Hiện nay, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư, xây dựng khang trang, đường liên xã với chiều dài 5,017 km đạt chuẩn đạt tỷ lệ 100%, 11,778 km đường trục ấp đạt chuẩn đạt tỷ lệ 55%/50%, đường nội đồng đạt 100% với chiều dài 4,681 km được bê tông, đảm bảo vận chuyển hàng hóa và sản xuất. Hệ thống thủy lợi đáp ứng trên 90%  nhu cầu tưới, tiêu và phục vụ sản xuất dân sinh của người dân.

 

Hệ thống điện trên địa bàn xã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng của người dân tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn 1.743 hộ/1.758 hộ tỷ lệ 99,14%.

 

Hệ thống trường học được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và học tập cộng đồng xã, Nhà Văn hóa-Khu thể thao ấp được xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, từng bước đi vào nề nếp và phát huy được hiệu quả.

 

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm trao đổi hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong những năm qua chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển kinh tế được quan tâm thực hiện tốt, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7% năm 2015 xuống còn 2,48% năm 2023. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 83,29%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp đạt 30,66%;

 

Sản xuất nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hoạt động; các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, xã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hiện nay toàn xã có 01 Hợp tác xã nông nghiệp Giồng Luông với có 111 thành viên đạt tỷ lệ 10,18% so với tổng 1.090 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, 07 Tổ Hợp tác hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp gồm: 01 tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản, 02 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, 01 tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn, 01 tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng, 04 tổ chăn nuôi gia xúc theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP. Địa phương đang tập trung liên kết các chuỗi giá trị cho hàng hóa, nhất là đối với sản phẩm chủ lực là cây dừa, toàn xã có 106 ha dừa được cấp chứng nhận trồng theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã và các tổ hợp tác hoạt động ổn định đã góp phần mang lại hiệu quả cho các thành viên tham gia, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 68,08 triệu đồng/người/năm.

 

Bên cạnh đó công tác triển khai, tuyên truyền, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng mới cao. Hiện nay xã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là Lạp xưởng Giồng Luông và Bánh dừa Giồng Luông. Các điểm du lịch, văn hóa, di tích của địa phương như Nhà Cổ Huỳnh Phủ, Bia lưu niệm Nơi xuất quân Tiểu đoàn 307, nơi thành lập tiểu đoàn 310 và vườn nho thu hút khoảng 3.000 lượt khách du lịch tham quan, ước tính đến cuối năm 2023 thu hút thêm 1.000 lượt khách.

 

Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng được chú trọng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt tỷ lệ 98.58%, Người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám bệnh từ xa đạt 76,51%/40%. 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 70,7% hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

 

Công tác cải cách hành chính triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên địa bàn xã, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế; nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, mô hình Tổ nhân dân tự quản bình yên, tiếng loa an ninh, Camera an ninh… luôn được duy trì.

 

Sau nhiều nổ lực thực hiện, được sự quan tâm hỗ trợ từ các ngành, các cấp, sự giúp sức từ các mạnh thường quân, người con quê hương,... đặc biệt là sự đồng lòng cùng chung tay góp sức xây dựng của nhân dân trên địa bàn xã, đến nay tổng nguồn lực huy động được là 13.591.850.000 đồng trong đó nhân dân đóng góp là 1.972.850.000 đồng chiếm 14,51% còn lại là ngân sách tỉnh, huyện, xã và của doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp để xã Đại Điền xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

 

Ông Lê Văn Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết để đạt được những kết quả như ngày hôm nay là được sự quan tâm lãnh chỉ đạo hỗ trợ tích cực từ các ngành tỉnh, huyện và sự đồng thuận quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp và toàn thể nhân dân.

 

Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên liên tục với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Phát huy dân chủ ở cơ sở theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đội ngũ cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Chương trình. Luôn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng nền kinh tế xã nhà phát triển đúng hướng và bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• An Thạnh thi đua “Đồng Khởi mới” trong xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn
• Chi bộ ấp Phong, xã Tân Phong điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”