Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh

Xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng Internet kết nối vạn vật (IoT) kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng cuộc sống, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, tối ưu hóa việc điều hành các dịch vụ công ích đã trở nên cấp thiết. Giải pháp IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh là một xu hướng phát triển của các thành phố trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Chiếu sáng đô thị hiện nay không chỉ là đảm bảo ánh sáng phục vụ giao thông, an ninh an toàn mà còn hướng tới giá trị thẩm mỹ và tăng cường tiện nghi thị giác cũng như làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị.

 

Hệ thống chiếu sáng thông minh trên QL60 đoạn qua thành phố Bến Tre.

Ảnh: Thanh Tùng.

 

Chỉ trong thời gian ngắn, Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh đã có nhiều bước phát triển rất nhanh chóng, từ những bộ đèn Led có bộ cảm biến và kết nối Internet ở mức cơ bản trở thành hệ thống chiếu sáng IoT phức tạp được quản lý bằng nền tảng phần mềm, có khả năng quan sát và phân tích. Cơ chế hoạt động của công nghệ nầy là dựa trên bộ cảm biến được tích hợp để kích hoạt các chế độ chiếu sáng phù hợp hay kích hoạt các bóng đèn, cụm bóng đèn tại khu vực cần chiếu sáng theo các chế độ cài đặt sẵn. Ưu điểm nổi bật của công nghệ nầy là khả năng tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa năng lượng và sử dụng ánh sáng tối ưu nhất, mức độ tiết kiệm năng lượng có thể đạt đến 90% so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống.

 

Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh không chỉ đơn giản là một nhóm đèn được kết nối với Internet, mà còn là một sự kết hợp sáng tạo giữa công nghệ thông tin và lĩnh vực chiếu sáng truyền thống, cho phép chúng ta tận hưởng một cách độc đáo sự linh hoạt trong việc kiểm soát và quản lý ánh sáng từ xa thông qua mạng Internet để điều chỉnh ánh sáng dựa trên điều kiện tự nhiên hoặc ngữ cảnh được thiết lập, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; tự động điều chỉnh độ sáng theo thời gian hoặc điều kiện thời tiết; phát hiện ánh sáng môi trường để thay đổi độ sáng một cách tự động khi cần thiết; thông báo khi có sự cố xảy ra để người quản lý có thể khắc phục nhanh chóng.

 

Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh bao gồm các thành phần: (i)Cảm biến ánh sáng: Đây là thành phần quan trọng để thu thập thông tin về môi trường ánh sáng. Cảm biến này đo lường mức độ sáng và gửi dữ liệu về cho hệ thống quản lý. (ii)Mạng kết nối: Dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến sau đó được truyền đi thông qua mạng không dây hoặc dây. (iii)Bộ điều khiển: Bộ điều khiển là trung tâm của hệ thống. Nó nhận dữ liệu từ cảm biến và thực hiện các tác vụ như điều chỉnh độ sáng, màu sắc, lịch trình hoạt động của đèn…(iv)Ứng dụng người dùng: Dựa vào kết quả phân tích, hệ thống IoT sẽ gửi thông báo hoặc tạo ra hành động tương ứng thông qua một ứng dụng. Trên cơ sở đó, Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh không chỉ đơn thuần là sự kết nối giữa các bóng đèn, cụm bóng đèn, mà còn là sự kết hợp giữa việc thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu và tạo ra hành động tương ứng, nhằm tạo ra những giải pháp chiếu sáng thông minh và tiện lợi hơn cho cuộc sống và công việc.

 

Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: Trong các thành phố thông minh, hệ thống đèn đường thông minh sử dụng IoT để tự động điều chỉnh độ sáng dựa trên mức ánh sáng môi trường và lưu lượng giao thông, điều này giúp tiết kiệm năng lượng và tăng tính an toàn cho người tham gia giao thông. Trong các hệ thống nhà thông minh, đèn có thể tự động điều chỉnh độ sáng dựa trên thời gian trong ngày và ngữ cảnh như buổi tối, buổi sáng, sự hiện diện của người dùng, người dùng có thể điều khiển đèn từ xa qua ứng dụng trên điện thoại hoặc thiết bị thông minh. Trong nông nghiệp, hệ thống chiếu sáng thông minh giúp kiểm soát ánh sáng cho cây trồng trong nhà kính hoặc hệ thống thủy canh, các cảm biến theo dõi mức ánh sáng và điều chỉnh đèn Led để tối ưu hóa quang hợp cho cây. Trong khách sạn và tòa nhà văn phòng hệ thống chiếu sáng thông minh có thể tự động điều chỉnh độ sáng và màu sắc của đèn dựa trên ngữ cảnh như họp hội, tiệc cưới, làm việc, sự hiện diện của người dùng.

 

Hệ thống chiếu sáng thông minh từ cầu Hàm Luông hướng về thành phố Bến Tre.

Ảnh: Thanh Tùng.

 

Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh không chỉ sử dụng để chiếu sáng cảnh quan đô thị mà còn mang đến một không khí vui tươi, sống động và hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của đô thị.

 

Năm 2020 thành phố Bến Tre là thành phố đầu tiên trong cả nước áp dụng Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh. Việc đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh cùng với các dịch vụ IoT tích hợp có một ý nghĩa to lớn, vừa thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, vừa góp phần vào mục tiêu xây dựng thành phố Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2030 với định hướng thành phố thông minh, xanh sạch đẹp và phát triển bền vững.

 

Với quyết tâm thực hiện khát vọng Made in Việt Nam, những năm qua, Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đã làm chủ được Công nghệ IoT cho hệ thống chiếu sáng thông minh và cho ra đời nhiều sản phẩm mới tích hợp một loạt các công nghệ mới như công nghệ sensor cảm biến, vi xử lý, công nghệ vạn vật kết nối IoT... Bên cạnh đó, các sản phẩm được thiết kế để ứng dụng cho các công trình chiếu sáng trong nhà, ngoài trời cũng như ứng dụng trong các lĩnh vực đa dạng như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giao thông.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022
• Thạnh Phú phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022