Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”

Sáng ngày 06/4/2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”. Đề tài do Viện Kỹ thuật Biển chủ trì thực hiện, TS. Lê Văn Tuấn làm Chủ nhiệm đề tài.

 

Dự và chủ trì buổi họp có PGS. TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng; TS. Bùi Trọng Vinh - Trưởng Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí - Trường Đại học Bách Khoa, phản biện 1; ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, phản biện 2 cùng các ủy viên Hội đồng.

 

PGS. TS. Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN Chủ tịch hội đồng phát biểu tại buổi họp.

 

Đề tài được thực hiện với mục tiêu nhằm xác đánh giá được hiện trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất được giải pháp thích ứng, giảm nhẹ tại xã đảo Hưng Phong góp phần ổn định dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.


Để thực hiện các nội dung nghiên cứu, nhóm thực hiện đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau. Trong đó, các phương pháp chính là phương pháp kế thừa, thu thập, thống kê và tổng hợp tài liệu; phương pháp điều tra thực địa, khảo sát đo đạc; phương pháp mô hình tính toán (thủy văn, thủy lực, ngập và MODFLOW); phương pháp tính lún cố kết; phương pháp chồng chập, xây dựng bản đồ và công nghệ GIS. Những phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng trong đề tài là phù hợp với mục tiêu và các nội dung nghiên cứu.


Qua thời gian nghiên cứu, triển khai, nhóm thực hiện đã xây dựng được bộ tài liệu, số liệu có giá trị tham khảo về vấn đề ngập lụt, sụt lún đã thực hiện ở các đề tài, dự án; bộ tài liệu số liệu về kết quả điều tra thực địa truy tìm vết ngập, vết lún, kết quả điều tra xã hội học trong phạm vi dự án đáng tin cậy; đề tài đã thực hiện được bộ tài liệu, dữ liệu quý giá liên quan đến công tác khảo sát địa hình, bộ tài liệu địa chất công trình, địa chất thủy văn và dữ liệu thực đo theo quý, theo tháng trong thời gian 12 tháng. Đây là bộ dữ liệu quan trọng khẳng định về hiện tượng ngập lụt và sụt lún đang diễn ra trên xã đảo Hưng Phong.


Nhóm thực hiện đánh giá được nguyên nhân và cơ chế gây ngập úng và sụt lún cho xã đảo Hưng Phong do bốn nguyên nhân là do triều cường, do mưa lớn, do sụt lún nền đất và các nguyên nhân khác: lũ thượng nguồn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Bên cạnh đó, cơ chế gây ngập úng cũng chia thành ba loại gồm có: cơ chế ngập úng do triều cường, cơ chế ngập úng do mưa, cơ chế tổng hợp. Ba nguyên nhân gây sụt lún ở khu vực nghiên cứu theo tác nhân tự nhiên là nội sinh, noại sinh và sự thay đổi phù sa do khai thác thượng nguồn. Đề tài cũng đã xác định rằng khai thác nước dưới đất không phải là nguyên nhân gây sụt lún ở xã đảo Hưng Phong.

 

      Quang cảnh buổi họp.

 

Nhóm thực hiện đã đề xuất được các giải pháp giảm thiểu hiện tượng ngập lụt, sụt lún cho khu vực xã đảo Hưng Phong. Các giải pháp đề xuất căn cứ vào cơ sở pháp lý, được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt của khu vực nghiên cứu, kết hợp đồng bộ giải pháp phi công trình và giải pháp công trình và xây dựng được các bản đồ ngập lụt (hiện trạng, đến 2035, đến 2045), các bản đồ dự báo mức độ và phạm vi sụt lún do khai thác mực nước biển dâng (nếu có trong tương lai), bản đồ hiện trạng sụt lún theo kết quả quan trắc làm cơ sở ứng dụng thực tiễn. Bản đồ được xây dựng theo chuẩn bản đồ số phục vụ cho việc triển khai kết quả đề tài vào thực tiễn quản lý.


Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần giảm các thiệt hại (trực tiếp và gián tiếp) do ngập, sụt lún gây ra trong lâu dài tại xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, qua đó đóng góp vào quy hoạch phát triển bền vững, bảo vệ cho các xã đảo, cù lao ở tỉnh Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.


Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu cũng như nhóm thực hiện đề tài. Đề tài đã thực hiện với một khối lượng lớn về nội dung nghiên cứu và có chất lượng tốt, qua đó đã thể hiện tính làm việc một cách nghiêm túc, và khoa học của nhóm thực hiện. Đề tài đã được các thành viên của Hội đồng thống nhất nghiệm thu đạt và đề nghị đơn vị chủ trì thực hiện đề tài hoàn chỉnh báo cáo theo kết luận của Hội đồng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
• Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ năm 2024