Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
Chôm chôm là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến, đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đặc biệt nông dân đã thành công trong kỹ thuật xử lý cây ra hoa rải vụ. Xử lý chôm chôm vụ nghịch giá có thể cao gấp nhiều lần giá trong vụ thuận. Với mức độ thâm canh ngày càng cao, sâu bệnh hại cũng gia tăng nhất là trong mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển mạnh làm giảm năng suất nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến giá trị thương phẩm của trái. Do đó việc phát hiện kịp thời và phòng trừ bệnh là vấn đề luôn được nông dân quan tâm.
Bệnh phổ biến nhất trên cây chôm chôm là bệnh phấn trắng. Bệnh phấn trắng do nấm Oidium sp. Bệnh gây hại và phát triển mạnh trên các bộ phận của cây như cành non, lá non, hoa và trái non trong mùa mưa. Nông dân dễ dàng phát hiện sự xuất hiện của bệnh là lớp phấn màu xám trắng của các bào tử nấm bao phủ đọt, hoa hoặc trái non và tốc độ bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh nặng làm cho các chùm hoa bị cong queo và khô dần. Trên đọt non, nấm bệnh bao phủ lớp phấn trắng làm đọt kém phát triển, lá bị bệnh thường bắt đầu từ mặt dưới với những đốm phấn màu trắng xám, bệnh nặng lá non bị khô đen và rụng nhiều.
Triệu chứng bệnh phấn trắng gây hại trên hoa chôm chôm. |
Giai đoạn trái non, nấm Oidium sp phát triển trên trái thành một lớp phấn trắng, giống như trái bị rắc bột, về sau lớp phấn chuyển màu xám trắng, đầu gai bị đen, lan dần vào trong làm trái bị biến dạng, khô đen và đeo bám trên chùm. Nếu trái bị nhiễm bệnh nhiễm nhẹ hoặc muộn thì trái sẽ nhỏ, cơm mỏng hoặc lép, râu trên trái bị thô ráp (nông dân còn gọi triệu chứng “trái râu kẽm”), khi chín mất màu đỏ tươi. Bệnh gây hại nặng trên các vườn trồng dày, rậm rạp và trên những chùm nhiều trái. Thời tiết có ẩm độ cao, nhiều sương mù (mưa dầm) là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển rất mạnh. Bệnh lây lan bằng bào tử do gió hoặc côn trùng phát tán.
Bệnh phấn trắng gây hại trên trái non. |
Triệu chứng chôm chôm râu kẽm do nhiễm bệnh phấn trắng. |
Bệnh hại quan trọng không kém bệnh phấn trắng là bệnh thối nhũn trái. Bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra. Vết bệnh đầu tiên là những vùng nâu nhỏ trên trái. Bệnh nặng, vết bệnh lan dần từ vùng cuống trái xuống bên dưới hoặc từ đít trái vào bên trong, thịt trái bị nhũn nước, có mùi hôi chua và rụng sớm. Vào buổi sáng có thể thấy những tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh ở vỏ trái. Bệnh thường gây hại nặng cho những chùm trái bên dưới và bên trong tán cây gần mặt đất. Ngoài ra, bệnh còn tiếp tục gây hại giai đoạn sau thu hoạch, trong quá trình tồn trữ và vận chuyển.
Triệu chứng bệnh thối trái chôm chôm. |
Dòi đục trái gây hại tạo điều kiện nấm Phytophthora sp. tấn công |
Bệnh thối trái gây hại nặng trên các vườn trồng quá dày, rậm rạp. Bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong mùa mưa, ẩm độ cao và nhất là những loại trái chùm như nhãn, sầu riêng, chôm chôm,… bệnh lây lan rất nhanh từ trái này sang trái kia, trong vài ngày có thể rụng cả chùm trái. Ngoài ra, trên những vườn bị dòi đục trái tấn công sẽ tạo điều kiện tốt cho nấm bệnh thối trái phát triển và lây lan rất nhanh.
Bệnh đốm rong và địa y là một trong những bệnh phổ biến và phát triển mạnh trên chôm chôm trong mùa mưa. Bệnh đốm rong do một loại tảo gây ra có tên là Cephaleuros virescenns. Bệnh thường gây hại trên thân, cành và lá, ít gây hại trên trái, bệnh còn tấn công cả cây con trong vườn ươm.
Triệu chứng nhận biết trên lá: vết bệnh là những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh cũ chuyển sang màu xám nâu. Gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành, thiếu ánh sáng.
Rêu xanh trên thân cây chôm chôm. |
Địa y trên thân. |
Triệu chứng nhận biết trên thân, cành, lá: Bệnh thường gây hại trên thân hoăc những cành già bên trong tán, vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ màu xanh, có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mãng, vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ nâu. Bệnh nặng lan dần lên các nhánh trên, đôi khi lan lên cả trái. Bệnh gây hại trên lá, làm lá bị thô cứng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng quang hợp, cây còi cọc, sinh trưởng kém; gây hại trên thân, cành làm vỏ cây bị nứt và khô. Nguồn bệnh đốm rong có trong tự nhiên và lây lan mạnh. Tảo Cephaleuros virescenns là loại đa ký chủ, ký sinh trên nhiều loại cây trồng. Qua quan sát thực tế, bệnh phát triển mạnh ở những vườn rậm rạp không thông thoáng, thiếu chăm sóc, vườn phun nhiều phân bón lá hoặc những vườn cây lớn tuổi.Trong những tháng mưa bão liên tục là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm rong phát triển và nhiễm cả địa y hay còn gọi là đốm đồng tiền (đây là dạng cộng sinh giữa nấm và rêu), tạo thành những mãng màu trắng xám loang lổ làm cây cằn cỗi, địa y thường phát triển mạnh trên những vườn cây lớn tuổi.
Trên thân cây chôm chôm nhiễm cả rêu xanh và địa y. |
Biện pháp quản lý bệnh hại chôm chôm
Để quản lý bệnh, nhà vườn nên áp dụng các biện pháp phòng là chủ yếu:
- Nên chăm sóc cho cây phát triển khỏe mạnh, thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Sau thu hoạch nên vệ sinh vườn cây, tỉa bỏ những cành già, cành vô hiệu để tạo thông thoáng vườn cây.
- Thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để hạn chế lây lan.
- Vườn cây trồng với mật độ hợp lý, không trồng quá dày.
- Bón phân đầy đủ và cân đối, tránh bón thừa đạm và nhất là không phun phân bón lá định kỳ. Tăng cường bón phân hữu cơ để cải thiện đất, hạn chế các yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng của cây.
- Khi thu hoạch trái không để trái trực tiếp trên mặt liếp để tránh nhiễm bệnh thối trái trong quá trình vận chuyển và nhiễm các vi sinh vật khác gây bệnh cho người tiêu dùng.
- Thăm vườn thường xuyên nhất là trong giai đoạn ra bông, trái non để kịp thời phát hiện khi bệnh phấn trắng chớm xuất hiện, có thể sử dụng thuốc gốc Lưu huỳnh (Sulox 80WP, Kumulus 80DF,…),Tilt 250EC, Anvil 5SC,….
- Vào giai đoạn mang trái, khi phát hiện trái nhiễm bệnh thối nhũn, phun thuốc Mataxyl 500WP, Mexyl- MZ 70WP,… phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Nếu những vùng có áp lực bệnh phấn trắng hoặc bệnh thối nhũn cao trong mùa mưa bão có thể phun ngừa khi trái còn nhỏ.
- Đối với bệnh đốm rong hoặc địa y, phun thuốc gốc Đồng (Coc 85, Kocide, Champion, Norshield,…). Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng quét lên thân, cành hoặc phun Chlorin. Trên những vườn thường xuyên bị nhiễm đốm rong, địa y, dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh.
Chú ý khi phun thuốc giai đoạn trái lớn nên bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi tồn trữ và vận chuyển cần loại bỏ hoàn toàn những trái bị bệnh để tránh lây lan.