Ruồi đục trái-dịch hại đang phát triển và gây hại trên chôm chôm

Hiện nay, một số vườn chôm chôm đang bị ruồi đục trái gây hại khá nghiêm trọng, làm thất thu năng suất không nhỏ. Ruồi đục trái là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm hàng đầu ở tất cả các vùng trồng cây ăn quả ở nước ta. Đây là một loài đa ký chủ, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chúng sẽ phát tán lây lan trên diện rộng và không riêng chôm chôm mà nhiều loại trái cây khác sẽ bị thiệt hại năng suất trầm trọng.

 

chomchom

 

chomchom

   
Ruồi đục trái có tên khoa học Bactrocera dorsalis thuộc họ Trypetidae, bộ Diptera. Ruồi trưởng thành giống ruồi nhà nhưng nhỏ hơn, thân dài khoảng 6-7mm, sải cánh rộng 8-9mm. Ngực có ba vệt vàng xếp thành hình chữ U, bụng có hai vệt đen hình chữ T. Cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen. Con cái cuối bụng có ống đẻ trứng dài và nhọn. Trứng hình hạt gạo, dài khoảng 1mm. Ấu trùng dạng dòi, không chân, đẩy sức dài khoảng 6-8mm, màu vàng nhạt, miệng có móc cứng. Nhộng dài 6-7mm, hình trứng, màu đỏ nâu. Ấu trùng đẩy sức bún mình xuống đất hóa nhộng. Vòng đời trung bình 20-30 ngày, trong đó thời gian trứng 2-3 ngày, ấu trùng 10-15 ngày, ruồi trưởng thành đẻ trứng 1-2 ngày sau khi vũ hoá và có thể sống trên 30 ngày.

Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ trái chôm chôm đẻ một chùm từ 5-10 trứng. Vết chích rất nhỏ, nhưng có thể nhận ra nhờ những vết thâm trên vỏ trái, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng). Dòi nở ra ăn thịt trái, tuổi càng lớn dòi càng đục sâu vào phía trong làm trái bị thối và rụng. Bị hại nặng, trái rụng hàng loạt. Trong một trái có thể có nhiều con dòi. Trái chôm chôm bị dòi gây hại thường bị bệnh thối trái tấn công mạnh do vết chích của ruồi tạo vết thương cho nấm, vi khuẩn xâm nhập. Ruồi đục trái phá hại từ khi trái già gần chín đến chín. Trái để chín lâu trên cây càng bị hại nhiều hơn. Ruồi phát sinh gây hại quanh năm khi có trái chín.

* Biện pháp  phòng trị:

- Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây;

- Thường xuyên thu gom những trái bị rụng đem tiêu hủy (chôn sâu dưới đất có rải vôi bột để tiêu diệt hết trứng và dòi non) nhằm tránh lây lan, đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế sự phát triển và lây lan của ruồi.

- Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugennol (Vizubon-D) để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc sử dụng chế phẩm  Sofri-Protein 10DD, phun mỗi cây khoảng 20-50ml bả mồi (tùy theo cây lớn hay cây nhỏ), chỉ phun thành đốm nhỏ dưới tán cây (không nên phun trực tiếp trên trái). Thời gian phun tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, tránh phun vào những ngày mưa chế phẩm sẽ không có tác dụng hấp dẫn và diệt ruồi.

- Không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

- Có thể tự làm bả bẩy ruồi bằng cách dùng miếng khóm hoặc cam quýt chín có tẩm thuốc trừ sâu (có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Fipronil) cho vào gáo dừa và treo trên cành cây.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao hiệu quả xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu
• Quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Một số giải pháp canh tác chôm chôm, sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
• Chôm chôm khó ra hoa và giải pháp khắc phục
• Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm trong mùa mưa
• Cảnh báo bệnh chổi rồng phát triển và gây hại trên cây chôm chôm
• Thu nhập cao từ vườn chôm chôm Thái Lan
• Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
• Phòng trừ bệnh thối trái chôm chôm
• Bệnh bồ hóng
• Bệnh đốm rong
• Bệnh thối trái
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm