Một số giải pháp canh tác chôm chôm, sầu riêng trong điều kiện hạn mặn

I. Tác hại của hạn-mặn đối với đất và cây trồng


1. Tác hại đối với đất


- Làm thay đổi cấu trúc đất dẫn đến đất bị thiếu dinh dưỡng.

 

- Kích hoạt phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động làm cho cây bị ngộ độc.

 

- Giảm mật số vi sinh vật có lợi trong đất, cây trồng dễ bị nấm bệnh tấn công.

 

2. Tác hại đối với cây


- Cây thiếu nước do hạn mặn kéo dài cây kém phát triển do rễ cây hút nước hạn chế nên làm cây thiếu nước và dinh dưỡng. Trên lá bị bốc thoát hơi nước nên lá bị khô cháy từ chóp và rìa vào (chôm chôm) hoặc làm lá già cháy và rụng sớm (sầu riêng). Trường hợp bị hạn mặn kéo dài cây sẽ rụng toàn bộ lá trước khi chết.

 

- Mức độ nghiêm trọng của hạn mặn phụ thuộc nhiều vào nồng độ muối hòa tan trong đất, nước và thời gian bị nhiễm mặn.

 

II. Giải pháp chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn-mặn


1. Trước thời gian hạn-mặn


- Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình xâm nhập mặn.

 

- Cần phải thiết lập, củng cố hệ thống đê bao chung trong khu vực hoặc từng vườn, nạo vét mương sâu tối thiểu 1,0 m nhằm đảm bảo chống ngập khi triều cường, ngăn mặn trữ ngọt trong mùa khô.

 

- Sử dụng 10-15% diện tích đào ao, lót bạt chứa nước.

 

- Tưới đủ nước đủ độ ẩm cho đất để cây tăng sức chống chịu trong mùa nắng. Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới bằng béc phun thấp 6 mm, băng phun mưa,… giúp kéo dài thời gian cấp nước bởi hệ thống trữ ngọt trong vườn.

 

- Bố trí thời vụ thu hoạch hợp lý. Thời điểm xâm nhập mặn cao điểm thường diễn ra từ tháng 02 - 5. Vì vậy, cần chủ động thu hoạch tập trung vào tháng 11 - 01, sẽ giúp cây tránh được những tác động xấu từ hạn - mặn.

 

- Cắt tỉa các cành vô hiệu như cành vượt, cành khuất trong tán, cành sâu bệnh; tỉa bớt hoặc toàn bộ trái để giảm sức nuôi của cây.

 

- Bón phân (lượng phân/cây) kết hợp bồi bùn.

 

+ Giai đoạn kiến thiết cơ bản: 1-2 kg lân nung chảy + 3-5 kg phân hữu cơ vi sinh Điền Trang hoặc phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung vi sinh vật có ích 5 -10 kg  + 0,1–0,3 kg NPK (16-16-8, 20-10-10,…).

 

+ Giai đoạn kinh doanh: 3-4 kg lân nung chảy + 5-10 kg phân hữu cơ vi sinh Điền Trang hoặc phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung vi sinh vật có ích 10 - 20 kg  + 0,3 – 0,5 kg NPK (15-15-15, 12-12-17,…).

 

- Tủ gốc: Sử dụng lá dừa, lục bình, rơm, trồng cây họ đậu, lạc dại…

 

2. Trong thời gian hạn-mặn


- Thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, mương vườn để có hướng xử lý kịp thời lấy nước ngọt vào vườn. Không lấy và tưới nước có độ mặn trên 0,5 ‰ (phần ngàn) vào mương.

 

- Sử dụng nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn định kỳ hàng tuần tưới cho cây. Có thể sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt trữ trong vườn. Trong thời gian nhiễm mặn cần tưới tiết kiệm đảm bảo giúp đất không bị nứt và cây không bị héo lá.

 

- Tận dụng tất cả các vật liệu tủ gốc trong vườn có thể (lá dừa khô, rơm rạ, lục bình, cỏ…) để hạn chế bốc thoát hơi nước.

 

- Không xử lý ra hoa trong giai đoạn hạn mặn nếu nguồn nước tưới không đảm bảo. Nếu cây ra hoa và mang trái cần tỉa bỏ để giảm sức nuôi của cây.

 

- Có thể phun luân phiên các loại phân bón lá có chứa canxi, silic, lân, kali, đạm như Basfoliar Combi Stipp, Silica, Basfoliar K, KNO3,, Fetrilon combi,… và chế phẩm chứa Brassinolide (Vitazyme, Nyro 0,01SL, Comcat 150WP,...), Super humic giúp tăng sức đề kháng cho cây. Lưu ý sử dụng nước ngọt để phun.

 

3. Sau thời gian hạn-mặn


- Sau khi có mưa hoặc nước ngọt trở lại thì tiến hành đánh giá thiệt hại của vườn, đốn bỏ những cây không có khả năng phục hồi.

 

- Nhanh chóng khai thông nước trong mương vườn, tưới đẫm nước trên mặt liếp nhằm rửa phèn-mặn tích lũy trong đất, xới xáo mặt liếp để tạo sự thông thoáng cho rễ, thúc đẩy nhanh việc rửa phèn, mặn.

 

- Kiểm tra pH đất trước và sau khi xử lý vôi (vôi xám, vôi nông nghiệp). Lượng vôi bón tùy thuộc vào độ chua của đất: pH < 3,5 bón 2-5 tấn/ha,  pH từ 3,5-4,5 bón 1-2 tấn/ha, pH từ 4,5-5,5 bón 0,5-1 tấn/ha. Tưới nước liên tục 7-10 ngày để rửa phèn và mặn nhanh.

 

- Kiểm tra độ mặn trong đất bằng máy đo EC: nếu EC cao hơn 1,2 mS/cm cần tiếp tục tưới nước rửa mặn.

 

- Chú ý theo dõi và có biện pháp phòng trị kịp thời các dịch hại như bệnh thối gốc chảy nhựa, chết ngọn, thối trái do nấm Fusarium, Phytophthora gây ra bằng các loại thuốc Ridomil Gold 68WG, Mataxyl 500WP… phun lên toàn bộ tán cây; một số côn trùng như nhện, các loại rầy, rệp sáp…bằng các loại thuốc Banter 500WG, Movento 150OD, Actara 25WP,… theo nguyên tắc 4 đúng.

 

- Sau khi xử lý vôi 10 -14 ngày kiểm tra pH đạt 5,0 – 6,0 và EC < 1,2 mS/cm. Tiến hành bón phân hữu cơ (lượng phân/cây).

 

+ Giai đoạn kiến thiết cơ bản: 3-5 kg phân hữu cơ vi sinh Điền Trang hoặc phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung vi sinh vật có ích 5-10 kg  + 0,1 – 0,3 kg NPK (20-10-10, 16-16-8…).

 

+ Giai đoạn thời kỳ kinh doanh: 5-10 kg phân hữu cơ vi sinh Điền Trang hoặc phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung vi sinh vật có ích 10-20 kg  + 0,3 – 0,5 kg NPK (20-10-10, 15-15-15,…).

 

- Để giúp cây nhanh ra rễ và phục hồi bộ lá, tưới bổ sung Super humic. Sau khi cây phục hồi, bón phân theo quy trình bình thường.

 

- Cắt tỉa cành vô hiệu: cành khô héo, cành chết, cành bị sâu bệnh...

 

* Lưu ý: Xử lý ra hoa ở những cây khỏe mạnh, quan sát khi cây đã ra đủ 3 cơi đọt và không còn hiện tượng cháy lá.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao hiệu quả xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu
• Quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
• Chôm chôm khó ra hoa và giải pháp khắc phục
• Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm trong mùa mưa
• Cảnh báo bệnh chổi rồng phát triển và gây hại trên cây chôm chôm
• Ruồi đục trái-dịch hại đang phát triển và gây hại trên chôm chôm
• Thu nhập cao từ vườn chôm chôm Thái Lan
• Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
• Phòng trừ bệnh thối trái chôm chôm
• Bệnh bồ hóng
• Bệnh đốm rong
• Bệnh thối trái
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm