Chăm sóc vườn nhãn sau thu hoạch

Sau vụ trái, đa số các vườn cây ăn trái đều có biểu hiện suy kiệt, cây sinh trưởng kém nhất là đối với cây nhãn bà con thường sử dụng hóa chất Kali Clorat (KCLO3)  kết hợp xiết gốc để xử lý ra hoa nên cây càng dễ bị suy. Nếu không có biện pháp chăm sóc kịp thời để cây nhanh chóng phục hồi sau thu hoạch thì cây sẽ không đủ sức cho trái năm sau.

 

Công việc cần thiết sau thu hoạch là tỉa cành. Đây là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu không chỉ tạo thông thoáng vườn cây, hạn chế sâu bệnh phát triển mà còn giúp cây nhanh phục hồi sức khỏe để cho năng suất vụ sau. Tiến hành cắt tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành khô, cành ốm yếu, cành vượt che khuất ánh sáng và những cành mọc “là xà” mặt đất (để tránh bệnh nứt thân xì mủ). 

 

Để vườn nhãn cho năng suất cao, phẩm chất trái tốt, cần cung cấp một lượng phân bón đầy đủ và với tỷ lệ các chủng loại phân bón phù hợp.Tùy theo độ tuổi, hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng trái cho thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón. Lượng phân bón cho nhãn theo tuổi cây ở thời kỳ mang trái. Đối với vườn nhãn cho năng suất trái trung bình có thể áp dụng lượng phân bón sau:

 

 

Tùy theo độ tuổi của cây mà số lần bón khác nhau, thường chia làm 6 lần bón trong một năm.

 

Lần 1: Bón sau khi thu hoạch trái (50% N + 60% P2O5 + 10% K2O). Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành phát triển và xem đây là lần bón cơ bản trong năm.

 

Lần 2: Trước khi xử lý ra hoa (40% P2O5 + 15% K2O), khi cây phân hóa mầm hoa. Lần bón này nhằm thúc hoa và nuôi chồi.

 

Lần 3: Khi cụm hoa dài 5 - 10cm (10% N + 15% K2O). Bón nhằm làm cho chùm hoa phát triển tốt, tăng khả năng đậu trái và thúc đẩy cành  phát triển.

 

Lần 4, 5, 6: Bón nhằm bổ sung dinh dưỡng cho trái phát triển. Lúc đường kính trái khoảng 0,3 – 0,5cm, có thể bón 20% N + 20% K2O. Khi đường kính trái khoảng 1cm, bón 20% N + 20% K2O. Trước khi thu hoạch 1 tháng, bón 20% K2O. Hàng năm, cần cung cấp thêm phân chuồng hoai mục khoảng 10-20kg/gốc, nên đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Có thể bổ sung nguyên tố vi lượng như Bo, Zn bằng cách phun các dung dịch axit Boric, dung dịch Sunphat kẽm 0,1%. Thời gian phun tốt nhất là trước khi hoa nở để làm tăng tỷ lệ đậu và sau khi đậu quả làm hạn chế rụng trái non. Cần tưới đủ nước trong mùa khô nhưng cũng tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt trong mùa mưa vì trong điều kiện ngập úng các nấm có hại trong đất phát triển và tấn công bộ rễ nhãn làm rễ dễ bị thối.

 

Quản lý sâu bệnh: Giai đoạn sau thu hoạch, khi cây có được đọt non nên chú ý một số dịch hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây như bệnh chổi rồng, sâu đục gân lá, bọ xít nhãn và nhóm bệnh mặc dù ít nguy hiểm nhưng khá phổ biến như rêu thân, bồ hóng, địa y.

 

Bệnh chổi rồng trên hoa nhãn.


 

Bệnh chổi rồng trên đọt non.

 

Bệnh chổi rồng được xem là đối tượng gây hại quan trọng nhất trên cây nhãn gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất, năng suất giảm có khi lên đến 80-90%. Bệnh xuất hiện trên các chồi lá non và ngay cả trên hoa, làm cho chồi lá, hoa không phát triển được và mọc thành chùm, các lá này không lớn lên được và cụm lại như bó chổi, chính vì vậy mà nó có tên là chổi rồng. Trên hoa thì làm cho hoa kém phát triển và khả năng đậu trái rất ít, trái nhỏ. Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam đã xác định được tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria, vi khuẩn sống trong mạch dẫn của cây, đặt biệt là trên các đọt non, hoa. Bệnh có liên quan mật thiết với nhện lông nhung Eriophyes dimocarpi. Quản lý bệnh chổi rồng phải áp dụng quy trình tổng hợp từ khâu giống, canh tác, biện pháp cơ học và hóa học. Những nơi có điều kiện nên ghép đổi giống Xuồng Cơm vàng lên giống nhãn Tiêu da bò đang nhiễm nặng; không nhân giống nhãn (nhánh chiết, mắt ghép) từ những cây trong vườn nhiễm bệnh; tránh vận chuyển các vật liệu trồng từ những khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực khác. Tưới phun nước với áp lực cao lên tán cây làm hạn chế mật số nhện; bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, cho cây ra đọt tập trung, dễ quản lý. Cắt tỉa (tùy theo tuổi của cây nhãn mà cắt dưới vị trí bị bệnh từ 20-50cm) cành nhiễm chổi rồng và tiêu hủy; nên cắt bỏ cành, lá tiếp xúc với mặt đất để hạn chế sự di chuyển của nhện từ mặt đất lên cây. Phun thuốc trừ nhện khi đọt non mới nhú hoặc phát hoa chớm hình thành; các thuốc có thể sử dụng đề trừ nhện lông nhung như Virtako 40WG, Pegasus 500SC, Proclaim 1.9EC, Alfamite 15EC, Dầu khoáng SK-Enspray 99EC, …Khi áp dụng thuốc nên hòa dầu khoáng giúp thuốc lan tỏa tốt hơn. Các biện pháp trên cần được áp dụng theo phương châm “đồng loạt và cộng đồng” mới đạt hiệu quả cao. 

 

Triệu chứng sâu đục gân lá nhãn gây hại.

 

Trong giai đoạn ra đọt non, sâu đục gân lá gây hại khá phổ biến. Sâu non mới nở đục vào gân chính của lá non. Triệu chứng biểu hiện rỏ nhất khi chúng chuyển sang màu xanh, gân chính bị hư, lá kém phát triển. Khi mật số cao toàn thể chồi non trên cây bị nhiễm, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Sau khi phát triển đầy đủ, ấu trùng chui ra khỏi gân lá, nhả tơ kết thành lớp màu trắng đục hình bầu dục trên lá và hoá nhộng phía dưới lớp trắng này. Ở những vùng thường xuyên bị nhiễm sâu đục gân lá, phun ngừa lúc cây ra đọt non tập trung. Sử dụng các loại thuốc lưu dẫn, nhóm thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Methyl hoặc Imidacloprid.

 

 

Trưởng thành bọ xít nhãn.

 

Triệu chứng bọ xít nhãn gây hại.

 

Lưu ý bọ xít cũng thường phá hại cây nhãn. Trưởng thành và ấu trùng đều chích hút đọt non, lá non, hoa, làm hoa và trái non bị rụng, đọt bị héo, gây ảnh hưởng đến năng suất và sinh trưởng của cây. Khi bị xáo động, ấu trùng rơi xuống đất và tiết mùi hôi. Đối với bọ xít có thể dùng bả chua ngọt (sử dụng khóm hoặc cam + thuốc trừ sâu) đặt trong vườn nhãn để dẫn dụ bọ xít tiêu diệt hoặc có thể phun chế phẩm Nấm xanh. Phun lúc chiều mát bọ xít mới xuất hiện.

 

 

Địa y.

 

Rêu thân.

 

 

Nấm bồ hóng trên trái.

 

Ngoài các loại dịch hại trên, nhóm bệnh ít gây nguy hiểm cho cây nhưng thường xuất hiện trong vườn nhãn như rêu thân, bồ hóng, địa y. Chúng bám trên thân, cành, lá kể cả hoa và trái. Nếu mật số cao, cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Quản lý nhóm bệnh này nên tỉa cành thường xuyên để tạo thông thoáng vườn cây và nếu bệnh nặng có thể sử dụng thuốc gốc đồng.

 

Chăm sóc cho vườn nhãn phát triển tốt và có khả năng cho trái ổn định lâu dài, nông dân nên áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt quan tâm vườn cây giai đoạn sau thu hoạch tạo điều kiện cây nhanh chóng hồi phục, đủ sức khỏe cho trái vụ sau.

 

 


Tin tức khác cùng chuyên mục
• Mô hình trồng nhãn Idor cho hiệu quả kinh tế cao
• Giống nhãn mới LĐ11 thích nghi tốt trên vùng đất Bến Tre
• Áp dụng đồng bộ giải pháp tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn
• Phòng trừ bệnh thối trái nhãn
• Bọ xít hại nhãn và các biện pháp phòng trừ
• Biện pháp phòng trừ sâu đục thân lá nhãn
• Kỹ thuật trồng nhãn
• Bệnh cháy lá trên cây nhãn
• Bệnh phấn trắng
• Bệnh thối bông
• Đốm mốc xanh, mốc xám
• Bệnh thối rễ (Fusarium sp.)
• Bệnh khô cành (Phoma sp.)
• Bệnh đốm bồ hóng do nấm Meliola sp.
• Bệnh thối trái do nấm (Phytophthora sp.)