Các định hướng khả năng nâng cao hiệu quả trồng dừa và chế biến dừa qua áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiếp thị, tổ chức lại trồng dừa và chế biến dừa

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng ngành dừa Bến Tre còn có thể tiếp tục nâng cao quy mô sản lượng, thu nhập cho nông dân trồng dừa cũng như toàn bộ cụm ngành nếu khắc phục được những điểm yếu quan trọng.

 

Trong ngành trồng trọt, dừa không phải là cây trồng cho hiệu quả cao như cây ăn trái, mặc dù có tính ổn định và bền vững hơn rất nhiều. Vì vậy, để khuyến khích nông dân duy trì và phát triển diện tích dừa, cần có những định hướng gia tăng thu nhập từ vườn dừa. Do đó, cần chú ý các định hướng giải pháp sau:

 
 Ảnh: Internet

 

Định hướng 1:  Tiếp tục đầu tư cải tạo và trồng mới, thâm canh tăng năng suất và chất lượng dừa để tăng thu nhập

 

Với nhận thức tốt và khả năng áp dụng một cách nhanh nhạy và có hiệu quả các kỹ thuật tiến bộ, có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông, nông dân Bến Tre có thể nhanh chóng thâm canh nâng cao năng suất dừa. Với những thay đổi kỹ thuật và đầu tư vừa phải, Bến Tre có thể nâng năng suất dừa công nghiệp lên đến mức trung bình 12.000 trái/ha/năm so với hiện nay 9.400 trái/ha/năm. Với quy mô diện tích thu hoạch ổn định từ xấp xỉ 50 ngàn ha như hiện nay, Bến Tre có thể giữ ổn định sản lượng 600 triệu trái dừa công nghiệp/năm. Ngoài ra, nếu các tỉnh lân cận trong vùng nguyên liệu dừa như Trà Vinh và Tiền Giang cũng tăng diện tích và năng suất dừa thì tổng sản lượng chế biến còn có thể tăng lên đến xấp xỉ và hơn 1.000 triệu trái/năm. Muốn như vậy, cần tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ vào sản xuất ở các khía cạnh:

 

- Phát triển hệ thống sản xuất giống đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, dựa trên việc bình tuyển cây mẹ và kỹ thuật ươm dừa con hợp lý;

 

- Bón phân hợp lý cho dừa;

 

- Quản lý tốt sâu bệnh hại và có các biện pháp phòng, trừ hiệu quả;

 

- Khuyến cáo việc trồng mới và cải tạo vườn cũ đúng quy trình khoa học, theo hướng trồng chuyên canh, nhất là trồng đúng giống có năng suất, chất lượng cao và đúng mật độ;

 

- Nghiên cứu các mô hình trồng xen hoặc thả nuôi thủy sản trong vườn dừa mới, vườn dừa cải tạo có hiệu quả kinh tế cao.

 

- Phát triển hệ thống canh tác hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dừa trái.

 
Định hướng 2: Tiếp tục nghiên cứu song song với tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình liên kết ngang và liên kết dọc

 

Thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết dọc giữa các cơ sở, doanh nghiệp chế biến và vùng dừa nguyên liệu để bảo đảm ổn định nguyên liệu cho chế biến và hỗ trợ phát triển nông dân trồng dừa. Tìm kiếm các mô hình liên kết phù hợp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của địa phương. Dẫn dắt việc xây dựng các mô hình liên kết chính là bản thân các doanh nghiệp chế biến dừa, đồng thời phát huy vai trò của Hiệp hội dừa Bến Tre trong việc thúc đẩy phát triển hình thành nhiều hơn nữa các Chi hội trồng dừa làm nền tảng cho xây dựng liên kết dọc. Ngoài ra, cần thúc đẩy vai trò của Chi cục Phát triển nông thôn, Hội Nông dân và chính quyền địa phương kết hợp với Hiệp hội Dừa để hình thành các tổ chức hợp tác sản xuất-chế biến dừa.

 

Khi xây dựng các mô hình liên kết, cần đánh giá vai trò tham gia của lao động nghèo nông thôn, người sản xuất nhỏ để bảo đảm các mô hình liên kết có sự tham gia chủ động và tích cực của nhóm người nghèo nông thôn, duy trì ổn định và tạo ra nhiều hơn công ăn việc làm ở khu vực nông thôn cho người nghèo nông thôn.
Một vài mô hình liên kết nên được chú trọng tiếp tục xây dựng thử nghiệm là:

 

- Mô hình liên kết giữa Chi hội nông dân trồng dừa-Thương lái-Cơ sở, doanh nghiệp chế biến. Mô hình này dựa trên nền tảng: 1) xây dựng liên kết ngang giữa nông dân trồng dừa hình thành Chi hội nông dân trồng dừa trên địa bàn từng ấp, xã; 2) xây dựng liên kết dọc giữa nông dân trồng dừa và thương lái. Từ liên kết giữa các chi hội nông dân trồng dừa và thương lái, xây dựng các tổ chức hợp tác sản xuất – chế biến mà nòng cốt là nông dân thuộc các chi hội và các thương lái trên địa bàn. Các tổ chức hợp tác này sẽ đóng vai trò như các cơ sở sơ chế dừa nguyên liệu trên từng địa bàn, từ đó hình thành các đầu mối cung ứng nguyên liệu cho cơ sở, doanh nghiệp chế biến theo phương thức hợp đồng. Mô hình này nhằm giảm bớt các công đoạn thương mại trung gian không cần thiết (ví dụ thương lái cấp 2), từ đó có khả năng tạo ra công ăn việc làm trong công đoạn sơ chế dừa trái cho chính lao động gia đình và lao động nhàn rỗi của nông dân trồng dừa, đồng thời tăng thu nhập – lợi nhuận của nông dân trồng dừa khi giảm bớt các khâu trung gian.

 

- Mô hình liên kết Chi hội nông dân trồng dừa-Cơ sở sơ chế dừa nguyên liệu-Cơ sở, doanh nghiệp chế biến. Mô hình này có thể áp dụng trên các vùng trồng dừa quy mô lớn có sẵn hệ thống cơ sở sơ chế dừa nguyên liệu. Nền tảng của mô hình là sự liên kết trực tiếp giữa nông dân tham gia các Chi hội trồng dừa và cơ sở sơ chế dừa trái nguyên liệu tại địa phương nhằm giảm bớt các công đoạn thương mại trung gian không cần thiết và tăng khả năng tham gia công đoạn sơ chế cho lao động gia đình của nông dân trồng dừa. Mô hình này nhằm hình thành các tổ chức hợp tác sản xuất-chế biến mà nòng cốt là nông dân thuộc các chi hội và các cơ sở sơ chế dừa trên địa bàn. Mô hình này cũng có khả năng tạo ra công ăn việc làm trong công đoạn sơ chế dừa trái cho chính lao động gia đình và lao động nhàn rỗi của nông dân trồng dừa, đồng thời tăng thu nhập-lợi nhuận của nông dân trồng dừa khi giảm bớt các khâu trung gian.

 
Định hướng 3: Định hướng phát triển công nghệ chế biến và đa dạng hóa sản phẩm

 

Về công nghệ:  Phát triển công nghệ chế biến dừa theo hướng đầu tư chiều sâu sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; Hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, cải tiến bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.  Tổ chức các khu vực tập trung và nâng cấp công nghệ sơ chế, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn và kiểm định chất lượng tại các cơ sở sơ chế để bảo đảm và nâng cao chất lượng nguyên liệu, giảm chi phí và hạn chế việc thao túng giá dừa của các thương lái.

 

Về sản phẩm: Các sản phẩm cần chú ý đánh giá, khảo sát thị trường, nhu cầu thị trường và công nghệ chế biến là sữa dừa, bột sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, nước dừa giải khát đóng lon, nước dừa tươi đóng lon, thạch dừa thực phẩm, thạch dừa dùng làm mỹ phẩm, các sản phẩm tinh chế từ xơ dừa và mụn dừa như lưới xơ dừa, đệm xơ dừa tráng cao su, thảm xơ dừa các loại, mụn dừa tinh chế dạng khối, dạng bột, dạng ép khuôn. Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến mang tính chiến lược và đã được khẳng định trên thị trường; Tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm chất lượng cao đã có như: sữa dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính, v.v. Khuyến khích nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm và sản xuất các sản phẩm mới, chất lượng cao, có triển vọng về thị trường như: dầu dừa sạch, dầu VCO (Virgin coconut oil), mỹ phẩm từ dừa, các loại thực phẩm và thực phẩm chức năng, dược phẩm và các sản phẩm khác.

 

Sản phẩm bổ trợ, các sản phẩm chế biến từ thân gỗ cây dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên được quan tâm phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ cho cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Cần đánh giá trữ lượng thân gỗ, khả năng chế biến, công nghệ chế biến các sản phẩm gỗ cao cấp như bàn, ghế, đồ gỗ gia dụng từ gỗ dừa và tổ chức sản xuất thử nghiệm các sản phẩm này.

 

Việc khai thác và chế biến gỗ dừa sẽ tạo ra thị trường gỗ dừa, tạo ra nguồn thu cho nông dân trồng dừa khi cải tạo vườn, góp phần ổn định thu nhập nông dân; đồng thời có thể tạo ra thêm việc làm nông thôn.

 

Về doanh nghiệp: Khuyến khích, hỗ trợ hình thành phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn có đủ tiềm năng và năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống để tạo việc làm thu hút lao động nông thôn đồng thời tạo ra các sản phẩm có nhu cầu thị trường, hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm tinh như các loại chỉ xơ dừa, than thiêu kết, thạch dừa thô…

Định hướng 4: Nhóm giải pháp định vị thị trường

 

Xác định nhóm sản phẩm chủ lực trong 10 năm tới

 

Dựa trên năng lực chế biến thực tế và hoạt động thương mại và xuất khẩu của hệ thống các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm dừa; dựa vào tỷ trọng các mặt hàng chế biến và xuất khẩu trong giai đoạn qua và hiện tại; dựa vào việc đánh giá thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu và các kết quả đánh giá, thăm dò thị trường của Hiệp hội Dừa Bến Tre và Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Bến Tre trong các năm qua để xác định thị trường chủ yếu, sản phẩm chủ yếu cho từng giai đoạn phát triển và hình thành lộ trình nâng cấp công nghệ để đón đầu thị trường, sản xuất chế biến các sản phẩm theo nhu cầu thị trường và đạt tiêu chuẩn thị trường. Phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng củng cố thị trường truyền thống, tập trung xuất khẩu vào thị trường mục tiêu, mở rộng thị trường tiềm năng, thâm nhập thị trường mới.

 

Các sản phẩm cần chú ý đánh giá, khảo sát thị trường, nhu cầu thị trường và công nghệ chế biến là sữa dừa, bột sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, nước dừa giải khát đóng lon, nước dừa tươi đóng lon, thạch dừa thực phẩm, thạch dừa dùng làm mỹ phẩm, các sản phẩm tinh chế từ xơ dừa và mụn dừa như lưới xơ dừa, đệm xơ dừa tráng cao su, thảm xơ dừa các loại, mụn dừa tinh chế dạng khối, dạng bột, dạng ép khuôn.

 
Định hướng 5: Nhóm giải pháp Xúc tiến thương mại

 

Quảng bá hình ảnh

 

Nghiên cứu chủ động thông tin dự báo thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết hợp tốt giữa nguồn vốn ngân sách cho các hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre với nguồn vốn của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thông qua Hiệp hội Dừa Bến Tre để mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh dừa và sản phẩm dừa Bến Tre đến các thị trường quốc tế. Lồng ghép hình ảnh cây dừa gắn với yếu tố văn hóa và bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu như là một biện pháp tạo điểm nhấn cho sản phẩm dừa Bến Tre.

 

Duy trì các hoạt động như xúc tiến thương mại như Lễ hội dừa định kỳ, tham gia các hội chợ chuyên ngành, phối hợp với tổ chức Cộng đồng dừa Châu Á-Thái Bình Dương để quảng bá hình ảnh ngành dừa Bến Tre ra cộng đồng quốc tế và thị trường thế giới.

 

Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xúc tiến thương mại-xuất khẩu-nghiên cứu thị trường và tiếp thị sản phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm dừa.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu

 

Hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp Bến Tre thiết kế và vận hành các website giới thiệu cơ sở, doanh nghiệp và các sản phẩm xuất khẩu. Có thể thông qua đầu mối Hiệp hội Dừa Bến Tre để tổ chức thực hiện hoạt động này. Chú trọng việc xây dựng trang web tiếng Anh để dễ dàng tiếp cận với khách hàng quốc tế.

 

Tổ chức đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ liên quan đến chế biến các sản phẩm dừa.

 

Tổ chức đăng ký và bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp dừa Bến Tre trên phạm vi toàn cầu. Hạn chế tối đa việc đánh cắp thương hiệu, đăng ký thương hiệu không hợp lý, hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài đối với các sản phẩm dừa Bến Tre.

 

Nghiên cứu áp dụng các quy trình-tiêu chuẩn sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường và đáp ứng trách nhiệm xã hội để tăng cường hình ảnh và chất lượng sản phẩm dừa Bến Tre.

 
Định hướng 6: Xây dựng Trung tâm nghiên cứu dừa vùng ĐBSCL đặt tại Bến Tre

 

Bến Tre cần tranh thủ sự đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ để xây dựng một tổ chức nghiên cứu tổng hợp về dừa theo chuỗi giá trị (bao gồm cả nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt, chế biến, kinh tế, marketing, và thị trường) để tập trung nguồn lực nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ cho ngành dừa. Tổ chức này có thể hình thành theo hai phương án sau:
Phương án 1: Dựa trên nền tảng cơ sở vật chất và nhân lực của Trung tâm Dừa Đồng Gò, tỉnh Bến Tre hỗ trợ đầu tư phát triển nghiên cứu chuyên sâu về giống, kỹ thuật canh tác và chế biến sản phẩm dừa. Phương án này cần có sự đồng thuận giữa Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre; cần có mô hình quản lý phù hợp giữa Viện và tỉnh Bến Tre, đồng thời tỉnh Bến Tre cũng phải đầu tư vốn cho các hoạt động khoa học công nghệ của Trung tâm Dừa Đồng Gò.

 

Phương án 2: Xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển Dừa Bến Tre trực thuộc quản lý của tỉnh Bến Tre. Trung tâm nghiên cứu phát triển dừa có các chức năng nghiên cứu, khoa học và phát triển công nghệ cho trồng trọt và chế biến dừa để tập trung nguồn lực của tỉnh cho ngành dừa. Cơ quan này cũng có thể kiêm nhiệm chức năng khuyến công và khuyến nông trong phạm vi ngành dừa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam”
• Kiểm định huyết áp kế tại tỉnh Bến Tre
• Thành lập hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
• Nghiệm thu đề tài “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp”
• Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND TP. Cần Thơ về việc biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre
• Tiếp và làm việc đoàn công tác Bộ phận đại diện khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Đài Loan (Trung Quốc), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”