Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”

Ngày 01/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2549/QĐ-UBND cho phép triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”, đề tài do Viện Môi trường và Tài nguyên chủ trì thực hiện và GS.TS. Lê Thanh Hải làm Chủ nhiệm đề tài.

 

Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các tuyến kênh, rạch, mương trong hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

 

Bà Trương Trịnh Trường Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại hội thảo.

 

 

Để sản phẩm đề tài mang tính khoa học cao, sát thực tiễn, sáng ngày 02 tháng 4 năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ kết hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên là đơn vị chủ trì thực hiện buổi hội thảo khoa học đề tài: “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, bà Trương Trịnh Trường Vinh chủ trì hội thảo. Chương trình có sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện các sở, ngành, huyện trên địa bàn tỉnh.

 

            GS.TS. Lê Thanh Hải - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi hội thảo.

 

 

Huyện Mỏ Cày Nam được biết đến với nhãn hiệu “Heo Mỏ Cày Nam” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nhãn hiệu này được áp dụng đối với sản phẩm thịt heo tươi và heo giống), đồng thời cũng là địa phương có quy mô chăn nuôi heo lớn nhất tỉnh với tổng đàn heo hơn 240.000 con chiếm khoảng 50% tổng đàn heo của toàn tỉnh Bến Tre, với hơn 9.000 hộ nuôi, trong đó hộ nuôi quy mô trên 100 con chiếm khoảng 15%. Bên cạnh việc mang lại những thành tựu kinh tế xã hội nhất định, hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn huyện do tổng đàn khá lớn nên các chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đang làm thay đổi dần chất lượng môi trường đặc biệt là môi trường nước mặt tại các hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng. Hầu hết, người nuôi heo đều áp dụng mô hình biogas, việc này đã giảm được mùi hôi thối nhưng chất lượng nước thải vẫn chưa đạt, gây ô nhiễm môi trường, có mốt số hộ cũng đang thực hiện mô hình chăn nuôi theo hình thức đệm lót sinh học. Các khí thải gây mùi hôi cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi đáng quan tâm. Hiện nay, mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đang gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường không khí cục bộ. Ngoài tải lượng trong nước thải chăn nuôi heo thì hệ thống kênh, rạch, mương của huyện còn tiếp nhận tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt, do đó việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre” là rất cần thiết và có ý nghĩa.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã được đại diện đơn vị chủ trì báo cáo kết quả thực hiện, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài, những báo cáo tham luận về các vấn đề như: Giới thiệu chung về đề tài, kết quả đạt được của đề tài; kết quả thực hiện mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải theo hướng sinh thái với 03 quy mô vừa, nhỏ và nông hộ; tham luận nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định nhằm quản lý lượng chất thải trong chăn nuôi; Báo cáo sổ tay vận hành mô hình chăn nuôi heo; tham luận xây dựng mô hình quản lý chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi chất thải cho trang trại chăn nuôi heo.

 

Mô hình VACBNXT.

 

Qua nghiên cứu, nhóm thực hiện xác định các mục tiêu thực hiện đó là: Mô tả được hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các quy hoạch phát triển có liên quan của tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Mỏ Cày Nam nói riêng; Đánh giá được hiện trạng tác động môi trường và dự báo phát thải của các nguồn thải đối với hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng huyện Mỏ Cày Nam; Đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải đối với từng phân đoạn nguồn nước (kênh, rạch, mương nội đồng) huyện Mỏ Cày Nam; Đề xuất được các giải pháp quản lý và kỹ thuật tổng hợp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm cho hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam; Đề xuất được giải pháp tổng hợp chuỗi (từ thức ăn, quy trình nuôi, thiết kế chuồng trại, bể biogas, men xử lý mùi,…) nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nuôi heo; Triển khai thí điểm thành công các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp nhằm bảo vệ nguồn nước mặt cho hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng huyện Mỏ Cày Nam.

 

Nhóm cũng đã xây dựng được mô hình và sổ tay thực hiện “Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải theo hướng sinh thái tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre và triển khai thực tế tại các hộ dân chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam”. Mô hình dựa trên nền tảng mô hình VACBNXT với các thành phần gồm vườn, ao, chuồng, biogas, nhà, xưởng (ở đây có thể là khu nuôi trùn, ủ phân) và Trạm xử lý với các kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công - nông nghiệp cùng với các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường, sau khi qua hệ thống hố xử lý, nồng độ các chỉ tiêu như COD, TSS,TN và tổng Coliform đạt quy định về nước thải chăn nuôi (QCVN 62-MT:2016/BTNMT).

 

     Quang cảnh buổi hội thảo.

 

Tại hội thảo hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao chất lượng nội dung nhóm nghiên cứu đã thực hiện, đã có nhiều ý kiến trao đổi, góp ý chỉnh sửa để sản phẩm của đề tài hoàn thiện tốt hơn như lưu ý về điều kiện nhiễm mặn, ngập, sụt lún đất tại địa phương và sổ tay hướng dẫn cần phù hợp với nhiều loại mô hình chăn nuôi từ quy mô nhỏ, vừa đến lớn,…. Kết quả bước đầu của đề tài sẽ là cơ sở khoa học phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, cấp phép, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa giảm thiểu chất ô nhiễm và quy hoạch tài nguyên nước trong thời điểm hiện nay của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nhà.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
• Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ năm 2024