Trả lời bạn đọc về Bưởi da xanh

Câu hỏi:
Em xin kính chào ban biên tập!
Em tìm thấy bài viết của quý báo trên website bưởi da xanh, em có câu hỏi cho ban biên tập là trên bưởi nhà em xuất hiện nhiều con bọ rất nhỏ bám đầy thân cây bưởi như hình em gửi ban biên tập. Em không biết đây là sinh vật gì và sao để tiêu diệt những sinh vật này?
Em xin cảm ơn quý báo nhiều.
Đọc giả
Anh Kiệt


 

                 
Trả lời:

Chào bạn!

Theo hình ảnh bạn gửi, những sinh vật nhỏ màu trắng bám đầy trên thân hoặc cành bưởi là rệp sáp dính. Rệp sáp dính rất nhỏ như hạt phấn, màu trắng, gần như bất động. Bên ngoài cơ thể rệp bao phủ bởi lớp vẩy hình bầu dục hoặc tròn. Rệp non tuổi 1 màu vàng nâu, hình bầu dục, từ tuổi 2 trở đi không di động và bắt đầu tiết sáp che phủ cơ thể. Chúng gây hại trên cành, thân, lá và trái (thường gây hại nhiều trên thân, cành). Chúng sinh sản nhanh và phát triển với mật số rất cao, bám dày đặc trắng xoá trên lá, thân, cành (nông dân thường nhầm tưởng là bệnh).

Rệp sáp dính gây hại bằng cách chích hút nhựa của cây bưởi như thân, cành, đọt non, cuống trái non, trái non và trên cả những trái đã già lớn. Làm cho cây bị suy yếu, đọt non bị thui chột, bông có thể bi rụng hoặc không phát triển được. Rệp bám trên trái để lại những dấu chấm trắng, chích hút nhựa trái, làm trái nhỏ, biến dạng và giảm giá trị thương phẩm của trái. Ngoài gây hại trực tiếp trong chất bài tiết của rệp còn chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến quang hợp của cây, làm cho cây bị còi cọc chậm lớn ảnh hưởng nhiều đến năng suất và phẩm chất của trái. Rệp phát tán lan truyền do kiến, chim và dơi.

Rệp phát triển mạnh trong mùa nắng nóng. Rệp dính là một loại côn trùng đa thực vì ngoài cây bưởi chúng còn gây hại trên rất nhiều loại cây ăn trái khác như ổi, mãng cầu, xoài,… vì thế việc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp khá nhiều khó khăn do nguồn thức ăn của chúng rất phong phú.

Do cơ thể của các côn trùng thuộc họ rệp được phủ bởi sáp nên sử dụng thuốc hóa học để phòng trị khó khăn và việc sử dụng thuốc không đúng có thể ảnh hưởng đến thiên địch của rệp trong tự nhiên. Để phòng trừ rệp sáp dính, nên áp dụng biện pháp tổng hợp như:

- Không nên trồng với mật độ quá dầy để vườn luôn được thông thoáng.
- Vệ sinh vườn thường xuyên.
- Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh để pha vỡ nơi trú ngụ của kiến hôi. Nếu trên thân cây có nhiều kiến hôi thì mỗi lần xịt thuốc trừ rệp thì nên xịt cả thân cành để trừ kiến hôi.
- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là giai đoạn cây có đọt non, lá non, bông, trái. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc Movento 150 OD; AnBoom... Để tiết kiệm thuốc, công phun xịt và giảm bớt ô nhiễm môi trường chỉ nên phun xịt trực tiếp thuốc vào những chổ có rệp bu bám.

Chú ý: Ở giai đoạn trái lớn nếu có phun thuốc phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Chúc bạn thành công.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ