Giải đáp thắc mắc về cây dừa (Trường hợp khi dừa khô bên trong không có ruột, toàn phần sơ dừa)

Câu hỏi:
Kính chào ban biên tập,
Xin vui lòng giải đáp thắc mắc giúp tôi. Vườn dừa tôi đã cho trái lần thứ 2, trái lúc đầu bổ ra thấy có nước bình thường đến khi dừa khô bên trong không có ruột, toàn phần sơ dừa, cả một quầy như thế, xin hỏi đó do nguyên nhân gì? khắc phục như thế nào?
- Dừa tôi không bị ngập nước.
- Bón phân 20-20-15 bón định kỳ hàng tháng.
- Kết hợp caxi và kali để chống nứt đít trái.
Xin trân trọng cảm ơn.
Người gửi Nguyễn Văn Đời.
ctvbvtv2014@gmail.com

Trả lời:
Trường hợp bạn nêu trên nông dân gọi là dừa điếc. Trái dừa bị điếc chủ yếu là do sự thụ tinh không hoàn toàn hay bất thụ. Có nhiều trường hợp đưa đến dừa bị điếc.
Thứ nhất, tuổi sinh trưởng của cây: những cây dừa tơ, tình trạng sinh trưởng sinh thực chưa ổn định, làm cho hoa phát triển không đầy đủ.
Thứ hai, khí hậu, thời tiết: mưa nhiều hoặc quá khô hạn cũng ảnh hưởng đến sự thụ phấn, thụ tinh.
Thứ ba, dinh dưỡng không cân đối.

Tính di truyền: có cây bất thụ (cho trái điếc cả quày, liên tục từ năm này qua năm kia).
Vì thế, để hạn chế xảy ra trường hợp dừa điếc khi chọn giống dừa trồng phải thật kỹ, chọn từ cây dừa mẹ đạt chuẩn nằm trong vườn dừa mẹ phải đạt chuẩn.
Mật độ trồng hợp lý, không trồng với mật độ quá dày sẽ bị cạnh tranh ánh sáng.
Bón đầy đủ dinh dưỡng và cân đối, cần quan sát kỹ vườn dừa (xem cây dừa đang xanh tốt hay thiếu dinh dưỡng,...) và căn cứ vào đặc điểm đất trồng (như bị phèn, bạc màu...) và thời tiết (như lúc nắng hạn hay mưa dầm, bị ngập nước...), để linh hoạt tăng, giảm từng loại phân cho phù hợp, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, không để thiếu nhưng cũng tránh lãng phí. Ngoài phân hóa học, việc bón phân hữu cơ cho dừa cũng cần được quan tâm nhằm cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và đạt năng suất cao, bón càng nhiều phân hữu cơ càng tốt. Để nhiều lá mục trên bờ vườn cũng cung cấp cho dừa nhiều chất hữu cơ. Có thể bồi bùn mỗi năm hay 2 năm một lần. Bồi bùn rất tốt cho dừa, vì trong bùn có nhiều chất hữu cơ và các khoáng chất có ích. Nếu kết hợp việc bón phân và bồi bùn phủ lên ngay sau đó thì rất hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ nên lấy lượng phù sa tầng mặt để bồi, tránh lấy tầng sét hoặc đất phèn ở tầng sâu. Nên bồi bùn vào mùa khô, khi bồi chỉ nên trải một lớp bùn dày khoảng 3-5cm.

Cần thiết tưới nước trong mùa khô. Dừa cũng cần đủ nước để phát triển và kết trái. Thiếu nước, cây dừa sẽ không hút được chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự thụ phấn, thụ tinh, hình thành hoa cái, sự phát triển bầu noãn. Trong mùa nắng, nên chú ý giữ ẩm cho dừa, đơn giản nhất là tủ lá cho gốc dừa để hạn chế nước bốc hơi khi cây được tưới nước, khoảng 5 ngày hoặc ít nhất trong 10 ngày cũng phải tưới một lần, với lượng nước đủ thấm xuống tới rễ dừa. Nếu không thể tưới đều khắp, thì nên tập trung nước tưới đủ thấm cho mỗi cây chừng vài mét vuông. Khi mùa mưa đến thì gom lá lại chôn ở khoảng cách giữa các cây dừa để làm phân cho cây.
Tuy nhiên, nếu theo dõi cây dừa nào có nhiều quày liên tiếp xảy ra trường hợp bị điếc cả quày thì nên đốn bỏ trồng lại cây mới vì rất khó khắc phục nếu do đặc tính di truyền.
Chúc bạn thành công.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ