Tư vấn nuôi trồng nấm bào ngư

Câu hỏi:

Kính gửi ban biên tập Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre.

Tôi đang làm việc tại xã Quới Sơn, Huyện Châu Thành, hiện tại thì tôi đang muốn nuôi trồng nấm bào ngư, do là chưa biết gì về loại nấm này. Nên xin Sở KH&CN có thể cho tôi biết cách nuôi trồng và những hộ trong tỉnh đang nuôi trồng thành công mô hình này, để tôi có thể liên lạc và mua phôi giống ở họ.


Chân thành cám ơn Sở KH&CN.

 

tranthanhtan90@gmail.com


Trả lời:

 

Chào bạn!

 

Nấm Bào ngư là tên gọi chung của một số loại nấm hiện nay đang có trên thị trường trong tỉnh, bao gồm: nấm Bào ngư trắng, Bào ngư xám, Bào ngư nhật… Và được trồng phổ biến nhất ở Bến Tre là nấm Bào ngư xám vì loại nấm này dễ trồng, cho năng suất cao, phù hợp với khí hậu Bến Tre. Nghề trồng nấm Bào ngư xám đang phát triển rất mạnh, trồng nhiều nhất là các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Chợ Lách. Riêng ở xã Quới Sơn của bạn có vài hộ trồng nấm quy mô cũng khá lớn, điển hình là hộ anh Phong- chị Thảo trồng với quy mô khoảng 10.000 phôi. Về phần mua phôi giống thì ở Bến Tre cũng có nhiều cơ sở sản xuất phôi nấm Bào ngư xám, để biết cụ thể bạn có thể liên hệ: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Bến Tre, địa chỉ số 415A, Nguyễn Thị Định, Phú Hưng, tp Bến Tre hoặc liên hệ số điện thoại: 0909029502 gặp Lãm để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.

 

Về phần kỹ thuật trồng nấm Bào ngư xám, xin giới thiệu với bạn quy trình trồng và chăm sóc như sau:

 

KỸ THUẬT NUÔI TRỒNG NẤM:

 

a- Chuẩn bị nhà nấm:

 

- Vật liệu: làm nhà nấm bằng tre, lá , lưới, ny lon. Xung quanh nhà trồng nấm có thể bao lưới cước hoặc nylon để giữ ẩm độ, hạn chế côn trùng giúp cho nấm phát triển tốt.

 

- Nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Các  bịch phôi nấm có thể xếp đặt trên các bệ (bằng tre hay sắt) hoặc treo dưới các thanh ngang, mỗi hàng cách nhau 20-30cm, mỗi dây cách nhau 20-25cm, mỗi dây có thể treo từ 6-10 bịch phôi. Tốt nhất bố trí dàn treo theo từng khối một, mỗi khối rộng từ 1,4-1,6m, chiều dài tùy theo nhà trồng. Mỗi khối có khoảng cách để làm các lối đi để tiện chăm sóc và thu hái. Lưu ý, nhà trồng nấm cần cách xa nơi chuồng trại chăn nuôi, bãi rác,...

 

- Trước khi đưa nấm vào nhà nuôi trồng ta cần khử trùng nhà nấm bằng vôi bột cứ 100gr vôi bột/1m2 rãi đều xung quanh nền nhà nấm.

 

Sau khi nhà nấm chuẩn bị xong ta tiến hành đưa bịch phôi nấm vào chăm sóc.

 

b- Đưa bịch phôi nấm vào nhà trồng và chăm sóc:

 

- Khi bịch phôi có sợi tơ nấm mọc trắng đều bịch là bắt đều tiến hành tháo nút bông phía trên miệng bịch phôi,  để ngày hôm sau mới bắt đầu phun tưới nước. Sau 2-4 ngày nấm bắt đầu mọc ra từ miệng bịch phôi.

 

- Nước tưới nấm phải sạch, không phèn, không chứa chất độc hại nấm và nên tưới bằng bình phun sương hay vòi phun thật mịn.  Tưới nước nhiều hay ít tùy theo ẩm độ không khí của nhà nuôi nấm. Bình quân 2 lần/ngày, nếu khô thì từ 3-4lần/ngày.Sao cho độ ẩm môi trường không khí nơi trồng nấm đạt 80-90%. Nhiệt độ thích hợp 25-32oC, nhiệt độ tối ưu 27-28oC. Ánh sáng khuyếch tán (có thể đọc sách được) đây là điều kiện thích hợp nhất để tạo quả thể nấm phát triển.

 

c- Thu hoạch nấm:

 

- Sau khi mở miệng bịch phôi nấm khoảng từ 4-8 ngày nấm bắt đầu kết quả thể, xuất hiện nụ nấm dạng phểu chuyển sang dạng lá lục bình, ta tiến hành thu hái nấm. Do nấm ra không đồng đều nên phải thu hái nhiều lần trong ngày để đảm bảo hái nấm đúng tuổi, tránh hái nấm khi tai nấm đã quá già ăn sẽ không ngon , khi hái nấm nên hái hết cả cụm, không nên để sót lại phần chân nấm vì nó là nguyên nhân gây nhiễm bệnh và các lần thu hoạch kế tiếp sẽ không cho tai nấm tốt, năng suất giảm.

 

- Sau khi thu hoạch nấm đợt 1, tiến hành dùng nắp nhựa đậy toàn bộ các miệng bịch phôi lại 4 ngày rồi tháo nắp nhựa ra và phun nước tưới như mở miệng lần 1, nấm sẽ đồng loạt ra quả thể sau 2-4 ngày. Khi thu hoạch nhiều lần, bịch phôi sẽ xốp nhẹ thì có thể nén bịch lại cho chặt và tiếp tục chăm sóc tưới nước giống như ban đầu để thu hoạch nấm tiếp các đợt sau.

 

- Mỗi bịch có thể thu hoạch 8-15 đợt, tổng thời gian thu hoạch nấm trong khoảng 2-2,5 tháng.

 

Một bịch phôi nấm nặng 1-1,2 kg sẽ cho khoảng 250-400gr nấm tươi trong suốt thời gian thu hoạch.

 

NHỮNG LƯU Ý KHI NUÔI TRỒNG NẤM BÀO NGƯ :

 

a-  Tính nhạy cảm với môi trường :

 

Nấm bào ngư là một trong những loài nấm nhạy cảm với môi trường nhất. Ngoài yếu tố nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, pH, nồng độ CO2 ..., nấm còn đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, như hoá chất, thuốc trừ sâu, các kim loại nặng ... cả trong nguyên liệu cũng như trong không khí môi trường. Khi gặp môi trường bất lợi, tai nấm thường biến dạng hoặc ngưng tạo quả thể. Do đó, cần kiểm tra điều kiện nuôi trồng hoặc nguồn nguyên liệu khi nấm có biểu hiện không bình thường.

 

b- Dị ứng do bào tử nấm bào ngư :

 

Bào tử nấm bào ngư có thể gây dị ứng cho người chăm sóc nhưng theo kết quả ghi nhận thì tỷ lệ người dị ứng rất ít. Nếu người nhạy cảm với bào tử này sẽ có biểu hiện sốt cao, khó thở, mệt mỏi, nhiều vết đỏ ở tay, nhức đầu và ho do bào tử nấm xâm nhập vào cuống phổi nhưng dùng kháng sinh là khỏi, tuy nhiên nếu đã di ứng với bào tử nấm thì sẽ tái đi tái lại nếu tiếp tục tiếp xúc với bào tử.

 

Để tránh hít phải bào tử nấm (nấm bào ngư, cũng như các loài nấm khác), nên đeo khẩu trang khi vào khu vực nhà trồng, nhất là vào sáng sớm khi trời còn lạnh.

 

NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP KHI TRỒNG NẤM BÀO NGƯ :

 

Nấm bào ngư có sức sống rất mạnh. Tuy nhiên, nấm lại rất nhạy cảm với môi trường, như nhiệt độ lên xuống đột ngột cũng có thể làm nấm ngừng tăng trưởng, không mọc hoặc héo nhũn. Nước tưới bị phèn, bị mặn cũng làm nấm không phát triển được. Quá trình cung cấp nước cho nấm, nếu giọt tưới lớn sẽ dễ làm chết các tai nấm đang phát triển. Tai nấm trong trường hợp này, nhũn ra và rũ xuống.

 

Đối với bệnh nhiễm, thì có hai bệnh chủ yếu : Mốc xanh (Trichoderma.sp) và ấu trùng ruồi.

 

Trichoderma.sp là loài mốc phát triển trên các cơ chất có chất gỗ, làm bịch nấm thâm đen lại, ảnh hưởng đến năng suất nấm. Để hạn chế sự phát triển của loài mốc này, cần khử trùng tốt nguyên liệu trồng nấm hoặc nâng pH môi trường.

 

Trường hợp ấu trùng ruồi (dòi), chúng chui vào các khe cửa phiến nấm, cắn phá làm hư hại nấm. Tốc độ sinh sản chúng lại rất nhanh, nên thiệt hại không phải nhỏ. Nhà trồng vì vậy nên làm lưới chắn, để cho chúng không lọt vào. Tuy nhiên, vấn đề chính là vệ sinh nhà trại, không để ổ dịch.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ