Chất Đất

Đất đai là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của sự sống, là địa bàn xây dựng và phát triển dân sinh, kinh tế xã hội, an ninh và quốc phòng. Tài nguyên đất đai có giới hạn về không gian và biến đổi theo thời gian, trong khi đó nhu cầu sử dụng đất của con người ngày càng tăng. Do đó, việc đánh giá hiện trạng, chất lượng, tiềm năng và giải pháp bảo vệ tài nguyên đất Bến Tre luôn được coi trọng.

 

Tài nguyên đất


Theo tài liệu phân loại đất Việt Nam, tỉnh Bến Tre có 5 nhóm đất và 19 loại đất (đơn vị bản đồ đất). Ngoài đất nhân tác (đất lập liếp) chiếm gần 40% diện tích tự nhiên, còn lại nhóm đất phù sa và nhóm đất mặn chiếm tỷ lệ lớn (bao gồm nhiều loại hình đất do đặc điểm hình thành đất ở vùng này), trong khi đó, đất phèn và đất cát chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và phân bố cục bộ ở một số khu vực đặc trưng.

 

Bản đồ: Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bến Tre.

 

Nhóm đất cát là loại đất hình thành bởi tác động của dòng sông và sóng biển trong suốt quá trình lấn biển của vùng cửa sông, có diện tích 9.967 ha, chiếm 4,19% diện tích tự nhiên. Các giồng nổi có dạng vòng hay dạng rẻ quạt, cao từ 2 đến 5 m. Càng xa biển, giồng càng thấp dần với đỉnh bị mài mòn. Dưới tác động của khí hậu và của con người qua hàng trăm năm, đất giồng thay đổi nhiều, không còn tơi xốp như những giồng mới hiện nay ở 3 huyện ven biển. Lớp đất mặt thường khá mịn, là lớp đất thịt nhẹ dày từ 30 đến 50 cm. Ở những nơi không có cây che phủ, đất rất dễ bị thoát nước và tầng mặt thường rất khô. Đất cát giồng ở Bến Tre được phân thành 02 phân vị là đất cát giồng chưa phân hóa (Cz1) và đất cát giồng đã phân hóa phẫu diện (Cz2).

 

Nhóm đất mặn có diện tích 59.999 ha, chiếm 25,21% diện tích tự nhiên, xuất hiện ở gần các cửa sông nơi có địa hình thấp chủ yếu < 1m, (nơi cao nhất cũng chỉ khoảng 2 m so với mực nước biển), trên nền mẫu chất kết hợp giữa phù sa sông và phù sa biển; phù sa biển trầm tích ở bên dưới còn phù sa sông được phủ lên trên.

 

Nhóm đất phèn được hình thành do sản phẩm bồi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (xác sinh vật chứa lưu huỳnh - Pyrite) phát triển mạnh ở môi trường đầm mặn khó thoát nước. Đất phèn phân bố rải rác ở một số nơi với diện tích nhỏ, trong đó, đất phèn tiềm tàng chỉ 283 ha (chiếm tỷ lệ 4,08%), còn lại đất phèn hoạt động 6.647 ha (chiếm tỷ lệ 95,92%), phân bố ở các khu vực trũng.

 

Đất phù sa được hình thành do sản phẩm bồi đắp của các hệ thống sông ngòi theo những loại hình tam giác châu hoặc đồng bằng ven biển. Từ các bãi phù sa được bồi dọc bờ sông Cửu Long, khi đất đã cố định dần, lớp bãi bồi mở rộng ra, vùng đất phù sa mới dưới ảnh hưởng của chế độ canh tác bắt đầu phân hóa phẫu diện, trở thành đất phù sa đã phát triển, chuyển thành màu xám nâu ở các tầng đất do ảnh hưởng của các chất mới sinh ra trong quá trình canh tác. Đất phù sa phân bố chủ yếu ở phía bắc của tỉnh, thuộc các huyện Châu Thành, Chợ Lách, thành phố Bến Tre, phía bắc các huyện Mỏ Cày và Giồng Trôm. Đây là khu vực không hoặc ít khi bị xâm nhiễm mặn vào mùa khô, đồng thời là nơi có nguồn nước ngọt phong phú. Trong nhóm đất này, các loại đất phù sa có tầng loang lổ chiếm diện tích lớn 10.229 ha, các loại đất phù sa được bồi, hay không được bồi diện tích nhỏ (506 ha) và phân bố hạn chế ở các cồn sông mới và rìa ven sông.

 

Hiện trạng sử dụng đất


Hiện trạng sử dụng đất năm 2021 Bến Tre có tổng diện tích tự nhiên là 237.970,3 ha, trong đó phân bổ theo các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố: huyện Ba Tri: 35.555,5 ha; huyện Bình Đại: 41.910,1 ha; huyện Châu Thành: 22.488,8 ha; huyện Chợ Lách: 16.906,2 ha; huyện Giồng Trôm: 31.259,1 ha; huyện Mỏ Cày Bắc: 16.518,0 ha; huyện Mỏ Cày Nam: 23.095,2 ha; huyện Thạnh Phú: 43.175,4 ha và Thành phố Bến Tre: 7.062,0 ha; Diện tích đất nông nghiệp là 179.884,9 ha, được phân ra: huyện Ba Tri: 27.679,3 ha; huyện Bình Đại: 32.828,7 ha; huyện Châu Thành: 16.262,2 ha; huyện Chợ Lách: 11.468 ha; huyện Giồng Trôm: 24.607,1 ha; huyện Mỏ Cày Bắc: 13.120,5 ha; huyện Mỏ Cày Nam: 17.649,4 ha; huyện Thạnh Phú: 31.518,7 ha; Thành phố Bến Tre: 4.750,9 ha; Diện tích đất phi nông nghiệp là 56.744,1 ha, được phân ra: huyện Ba Tri: 7.876,2 ha; huyện Bình Đại: 8.926,7 ha; huyện Châu Thành: 6.221,4 ha; huyện Chợ Lách: 5.438,2 ha; huyện Giồng Trôm: 6.652 ha; huyện Mỏ Cày Bắc: 3.396,5 ha; huyện Mỏ Cày Nam: 5.445,8 ha; huyện Thạnh Phú: 10.476,4 ha; Thành phố Bến Tre: 2.310,8 ha; Diện tích đất chưa sử dụng là 1.341,3 ha, được phân ra: huyện Bình Đại: 154,6 ha; huyện Châu Thành: 5,1 ha; huyện Mỏ Cày Bắc: 1,1 ha; huyện Thạnh Phú: 1.180,4 ha; Thành phố Bến Tre: 0,2 ha;

 

Thực trạng môi trường đất


Kết quả điều tra thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Bến Tre, các dạng thoái hóa đất xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo từng mức độ như sau: Diện tích đất bị suy giảm độ phì là 156.520 ha, chiếm 85,86% diện tích điều tra. Trong đó, diện tích bị suy giảm độ phì nặng là 49.501 ha, diện tích bị suy giảm độ phì trung bình là 64.205 ha và diện tích bị suy giảm độ phì nhẹ là 42.813 ha.

 

 

 

Diện tích đất bị mặn hoá là 7.672 ha, chiếm 10,86% diện tích có điều tra mặn hóa (70.618 ha). Trong đó, diện tích bị mặn hóa nặng là 4.510 ha, diện tích bị mặn hóa trung bình là 736 ha và diện tích bị mặn hóa nhẹ là 2.426 ha.

Diện tích đất bị phèn hóa là 12.832 ha, chiếm 18,17% diện tích có điều tra phèn hóa (70.618 ha). Trong đó, diện tích bị phèn hóa nặng là 879 ha, diện tích bị phèn hóa trung bình là 4.055 ha, diện tích bị phèn hóa nhẹ là 7.897 ha.

Diện tích đất bị khô hạn khí tượng là 182.301 ha, chiếm 100% diện tích điều tra toàn tỉnh. Trong đó, diện tích bị khô hạn nặng là 32.596 ha (chiếm 17,88%), diện tích bị khô hạn trung bình là 149.705 ha (chiếm 82,12%).

 

Trên cơ sở chồng xếp bản đồ các loại thoái hóa đất (suy giảm độ phì, mặn hóa, phèn hóa) xác định được diện tích đất bị thoái hóa kỳ đầu tỉnh Bến Tre là 106.886 ha, chiếm 58,63% diện tích điều tra, trong đó: Thoái hóa ở mức nhẹ là 31.960 ha, chiếm 17,53%; thoái hóa ở mức trung bình là 44.364 ha, chiếm 24,34%; thoái hóa ở mức nặng là 30.562 ha, chiếm 16,76%.

 

Các nguyên nhân gây ra thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre được xác định là do tự nhiên (hạn hán, xâm nhập mặn,…) và do con người (quá trình sử dụng đất, quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, quá trình phát triển kinh tế, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, tập quán canh tác,…).

 

Phân loại chất đất


Thực hiện Thông tư số 60/2015/ TT-BTNMT ngày 15/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất, bao gồm 5 nhóm chỉ tiêu sau: Nhóm chỉ tiêu về đất (loại đất và độ dày tầng đất); Nhóm chỉ tiêu về địa hình (độ dốc hoặc địa hình tương đối); (iii) Nhóm chỉ tiêu về khí hậu (lượng mưa, tổng tích ôn, khô hạn và gió); Nhóm chỉ tiêu về chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn và ngập úng); Nhóm chỉ tiêu về độ phì nhiêu của đất (độ chua của đất, thành phần cơ giới, dung trọng, dung tích hấp thu và dinh dưỡng tổng số; ngoài ra, đối với khu vực ven biển thêm 2 chỉ tiêu: tổng số muối tan và lưu huỳnh tổng số).

 

Theo kết quả chỉnh lý loại đất, xác định toàn tỉnh Bến Tre có 18 loại đất thuộc 5 nhóm đất được dùng đánh giá chất lượng đất với tổng diện tích là 175.426,50 ha. Nhóm đất bãi cát, cồn cát và đất cát (Arenosols) có diện tích 10.756,07 ha, chiếm 6,13% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố ở các huyện: Thạnh Phú (3.983,29 ha), Bình Đại (2.791,92 ha), Ba Tri (2.540,00 ha), Mỏ Cày Nam (974,83 ha), Giồng Trôm (256,12 ha), Mỏ Cày Bắc (209,91 ha). Gồm 2 loại đất chính: Đất cát biển (C), Đất cát giồng (Cz).

 

Nhóm đất mặn (Salic Fluvisols) có diện tích 49.273,93 ha, chiếm 28,09% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố ở các huyện: Thạnh Phú (20.822,22 ha), Bình Đại (14.153,84 ha), Ba Tri (13.749,65 ha), Giồng Trôm (298,40 ha), Mỏ Cày Nam (249,82 ha). Gồm 6 loại đất chính: Đất mặn trung bình và ít (M), Đất mặn trên đất cát biển (Mc), Đất mặn có tầng loang lổ (Mf), Đất mặn Glây (Mg), Đất mặn, sú vẹt, đước (Mm), Đất mặn nhiều (Mn).

 

Nhóm đất lập liếp (Anthosols) có diện tích 79.870,21 ha, chiếm 45,53% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố ở các huyện: Giồng Trôm (16.248,02 ha), Châu Thành (14.633,45 ha), Mỏ Cày Bắc (12.024,92 ha), Mỏ Cày Nam (11.755,39 ha), Chợ Lách (11.477,20 ha), Bình Đại (8.033,40 ha), Thành Phố Bến Tre (3.818,22 ha), Thạnh Phú (1.107,25 ha), Ba Tri (772,36 ha). Gồm 3 loại đất chính: Đất lập liếp trên đất mặn (Nm), Đất lập liếp trên đất phù sa (Np), Đất lập liếp trên đất phèn (Ns).

 

Nhóm đất phèn (Thiomic Fluvisols) có diện tích 14.031,07 ha, chiếm 8% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố ở các huyện: Thạnh Phú (3.584,65 ha), Bình Đại (3.262,08 ha), Ba Tri (1.933,00 ha), Giồng Trôm (1.579,49 ha), Châu Thành (1.377,79 ha), Mỏ Cày Nam (1.271,63 ha), Thành Phố Bến Tre (817,62 ha), Mỏ Cày Bắc (204,81 ha). Gồm 3 loại đất chính: Đất phèn hoạt động (Sj), Đất phèn mặn (SjM), Đất phèn tiềm tàng mặn (SpM).

 

Nhóm đất phù sa (Fluvisols) có diện tích 21.495,22 ha, chiếm 12,25% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố ở các huyện: Ba Tri (7.199,39 ha), Giồng Trôm (6.234,67 ha), Mỏ Cày Nam (3.405,13 ha), Bình Đại (2.877,16 ha), Mỏ Cày Bắc (690,16 ha), Thạnh Phú (665,59ha), Châu Thành (298,36 ha), Thành Phố Bến Tre (124,76 ha). Gồm 4 loại đất chính: Đất phù sa (P), Đất phù sa được bồi (Pb), Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (Pf), Đất phù sa Glây (Pg).

 

Chất lượng đất


Trên cơ sở 55 đơn vị đất, tiến hành xác định phân cấp chất lượng đất theo 3 mức chất lượng đất (Cao, Trung bình, Thấp); sử dụng phương pháp đánh giá thích nghi theo FAO nhằm đánh giá mức độ phù hợp của từng đơn vị đất tương ứng với loại hình sử dụng đất hiện tại, từ đó xác định mức chất lượng đất của tỉnh. Kết quả đánh giá chất lượng đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre như sau:

 

 

 

Đất có chất lượng cao (DVDc): có diện tích 4.835,00 ha, chiếm 2,76% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố ở các loại hình sử dụng đất: đất chưa sử dụng (1.306,58 ha), đất nuôi trồng thủy sản (3.528,42 ha).

 

Đất có chất lượng trung bình (DVDtb): có diện tích 152.459,54 ha, chiếm 86,91% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố chủ yếu ở các loại hình sử dụng đất: đất chưa sử dụng (28,72 ha), đất làm muối (1.482,84 ha), đất nuôi trồng thủy sản (29.806,99 ha), đất trồng cây hàng năm khác (2.400,46 ha), đất trồng cây lâu năm (107.023,43 ha), đất trồng lúa (11.717,10 ha).

 

Đất có chất lượng thấp (DVDt): có diện tích 18.131,96 ha, chiếm 10,34% diện tích đánh giá chất lượng đất. Phân bố chủ yếu ở các loại hình sử dụng đất: đất nuôi trồng thủy sản (1.857,34 ha), đất rừng sản xuất (1.229,90 ha), đất trồng cây hàng năm khác (1.437,15 ha), đất trồng cây lâu năm (13.267,52 ha), đất trồng lúa (340,05 ha).

 

 

 

Tiềm năng đất


Đánh giá tiềm năng đất đai đối với 2 nhóm đất như sau: Đối với đất nông nghiệp và chưa sử dụng: sử dụng 55 đơn vị chất lượng đất đã được xác định trên để phân cấp mức độ phù hợp với loại hình sử dụng đất hiện tại để xác định mức tiềm năng đất đai hiện có trên địa bàn tỉnh cùng với các yếu tố sử dụng đất bền vững như hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Đối với đất phi nông nghiệp: sử dụng các khoanh đất điều tra với các thông tin đã được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung làm cơ sở đánh giá tiềm năng đất cùng với các yếu tố sử dụng đất bền vững như hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Trên cơ sở 4 nhóm chỉ tiêu (nhóm chỉ tiêu về kinh tế: giá trị sản xuất, chi phí trung gian, giá trị gia tăng, hiệu quả đầu tư; nhóm chỉ tiêu về xã hội: giải quyết nhu cầu lao động, mức độ chấp nhận của người sử dụng đất, mức độ phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phù hợp với chiến lược, quy hoạch ngành; nhóm chỉ tiêu về môi trường: tăng khả năng che phủ đất và phòng hộ của rừng, duy trì bảo vệ đất, giảm thiểu thoái hóa đất), tiến hành chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề thành lập bản đồ tiềm năng đất đai, kết quả xác định được 2 mức tiềm năng đất đai (tiềm năng cao, tiềm năng trung bình) với 55 đơn vị chất lượng đất thuộc 2.924 khoanh đất nông nghiệp và 186 khoanh đất phi nông nghiệp.

 

 

 

Kết quả xác định 2 mức tiềm năng đất đai: mức tiềm năng cao có diện tích 143.623,98 ha và mức tiềm năng trung bình có diện tích 57.961,12 ha.

 

 

 

Tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng đất được đánh giá trên toàn bộ diện tích điều tra với tổng diện tích điều tra là 201.585,10 ha.

 

 

 

Bảo vệ đất


Biện pháp kỹ thuật trong duy trì, cải tạo, phục hồi đất theo nhóm đất: cải tạo nhóm đất cát ven biển, áp dụng cho các khu vực đất phân bố ở các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

 

Che phủ đất: Bề mặt đất cát khô, lượng nước bốc hơi rất lớn trong mùa hè, hiện tượng cát bay cát chảy xảy ra ở một số nơi, làm cho diện tích đất canh tác ngày một giảm do bị cát vùi lấp. Vì vậy, để bảo vệ diện tích đất này cần thiết phải trồng cây để tạo thành những thảm xanh che phủ đất.

 

Phân bón: Nhóm đất cát biển có đặc điểm chung là rất nghèo dinh dưỡng, thành phần cơ giới chủ yếu là cát. Vì vậy, năng suất cây trồng trên các loại đất cát này thường thấp hoặc trung bình. Để cải thiện một cách cơ bản về dinh dưỡng cho đất, tăng độ phì và nâng cấp thành phần cơ giới nhằm tăng năng suất cây trồng, cần bón phân, chủ yếu là phân hữu cơ, đây là giải pháp bắt buộc mang lại hiệu quả nhanh nhất. Khi lượng phân chuồng không đáp ứng đủ nhu cầu, có thể tận dụng nguồn phân xanh sẵn có ở địa phương như rong rêu, các loại lá phi lao, xoan,...để bón lót bổ sung. Điều cần lưu ý là tuỳ theo đặc tính, thời gian sinh trưởng của từng loại cây trồng mà bón lót phân hữu cơ ở độ nông sâu khác nhau: rau màu ngắn ngày bón lót nông, cây ăn quả và rau màu dài ngày bón lót sâu hơn (62 - 65cm). Lưu ý là dù bón nhiều phân hữu cơ thì cũng nên bón thêm một lượng NPK vô cơ thích hợp và lượng NPK vô cơ chỉ dùng để bón thúc, cách bón nên chia nhiều lần. Hiện nay có phân vi sinh bán trực tiếp hoặc phun qua lá có thể thay thế NPK mang lại hiệu quả kinh tế khá vì giá thành phân vi sinh tương đối rẻ.

 

Chế độ tưới: Đất cát ven biển nằm trong vùng sinh thái khô hạn, điều kiện địa chất, địa hình không thuận lợi cho sự phát triển của mạng lưới thuỷ văn, trữ lượng nước ngầm không đáng kể, thiếu nước tưới và nước sinh hoạt là hạn chế lớn nhất. Vì vậy cần thiết phải tiến hành các biện pháp thuỷ lợi, giáo dục ý thức sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên nước.

 

Cải tạo đất mặn (sử dụng đối với các huyện ven biển có đất mặn hoặc có đất bị nhiễm mặn) áp dụng cho các khu vực đất phân bố ở các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Biện pháp công trình: Đối với vùng đất cao trồng màu: rửa mặn bằng nước ngọt tự chảy khó thực hiện. Biện pháp sử dụng nguồn nước ngọt bơm từ các giếng nước ngầm để rửa mặn và dựa vào các trận mưa trong năm. Để giảm mặn nhanh đất cần lên líp và luống cao, tuỳ loại cây trồng để xác định bề ngang của luống, líp từ 1,0-1,2m, tạo rãnh mặn, xả ra mương tiêu. Đối với vùng đất ảnh hưởng của mặn tràn cần thiết phải đắp đê ngăn mặn, xây dựng hệ thống bờ vùng bờ thửa chắc chắn.

 

Biện pháp sinh học: Sử dụng các loại giống cho năng suất cao và phù hợp với điện kiện thổ nhưỡng của tỉnh (dưa hấu trồng trên đất mặn ít; lúa lai có năng suất cao chịu mặn,…). Sử dụng phân bón: đất mặn có chứa hàm lượng magiê cao làm mất cân đối giữa tỷ lệ canxi và magiê, vì vậy không dùng những loại phân có chứa nhiều magiê như lân nung chảy mà tăng cường bón nhiều phân chuồng và phân hữu cơ.

 

Cải tạo đất phèn (sử dụng đối với các huyện có đất phèn hoặc đất phèn mặn) áp dụng cho các khu vực đất phân bố ở các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Thạnh Phú.

 

Biện pháp công trình: cây trồng trên đất phèn chủ yếu là lúa, dừa. Nước ngọt rửa phèn là biện pháp hàng đầu. + Biện pháp sinh học: Lựa chọn để trồng tốt trên đất phèn gồm những loại sau: lúa, khoai mỡ, khoai mỳ và mía trồng trên đất phèn nặng và phèn trung bình, tràm được trồng trên đất phèn tiềm tàng ngập mặn ven sông ven biển. Sử dụng phân bón: bón NPK cân đối và hợp lý không những cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn làm tăng hiệu lực của đạm và lân.

 

Giải pháp khoa học và công nghệ bảo vệ đất


Tăng cường đổi mới cơ chế và hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường phù hợp với địa phương, tạo môi trường cho hoạt động khoa học và công nghệ, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng các chương trình khoa học công nghệ nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất theo tiềm năng, ngăn ngừa thoái hóa đất.

 

Xây dựng, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giám sát chất lượng đất, đặc biệt chú ý đến quá trình phục hồi và cải tạo đối với các khu vực đã và đang bị thoái hóa.

 

Ứng dụng các công nghệ mới (GIS, viễn thám) vào công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng, trong đó có thông tin về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất nhằm khai thác thông tin về đất một cách toàn diện và đầy đủ.

 

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (viễn thám, GIS…), nhất là các chương trình giúp nâng cao năng suất và chất lượng công tác quy hoạch, giúp triển khai nhanh và đồng bộ về quy hoạch giữa các cấp.

 

Trang bị đồng bộ và kịp thời các thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu của công tác chuyển giao công nghệ mới vào quản lý sử dụng đất, quản lý chất lượng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật