Vị thế cây dừa Việt Nam
Cây dừa Bến Tre nói riêng và cây dừa của Việt Nam nói chung đang dần khẳng định vị thế và thế mạnh trên thị trường trong nước và trên thế giới.
Cây dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 tại Quyết định số 413/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024. Theo đó, cây dừa cùng với các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu đều là cây công nghiệp chủ lực.
Tập báo cáo Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. |
Theo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp tổng hợp xếp hạng thứ tự các cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam so với các nước Thế giới năm 2021.
Trong mối tương quan giữa cây dừa với các cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Tổng hợp xếp hạng thứ tự các cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam so với các nước Thế giới năm 2021. |
Xét về sản lượng, cây hồ tiêu Việt Nam đứng thứ nhất thế giới, cây cà phê đứng thứ 2 thế giới, cây cao su và cây điều đứng thứ 3 thế giới, cây dừa đứng thứ 5 thế giới và cây chè đứng thứ 7 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đã vươn lên và đứng ở các vị trí cao trên thế giới. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của 6 cây công nghiệp chủ lực năm 2022 đạt 12,66 tỷ USD.
Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, với 6 cây công nghiệp chủ lực là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, dừa đã chiếm 10,24% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, 16,76% giá trị sản xuất ngành trồng trọt và chiếm vị thế lớn trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Diện tích cây dừa Việt Nam và sản lượng đồng hạng 5 thế giới, năng suất đứng hạng 3 thế giới và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4 thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội Dừa Châu Á Thái Bình Dương (APCC), tuy diện tích trồng dừa của Việt Nam khoảng 190.000 ha nhưng tiềm năng thu được tương đương với 1,2 triệu ha, đặc biệt dừa được trồng ở tỉnh Bến Tre (diện tích dừa của Bến Tre chỉ bằng 1% diện tích dừa Indonesia nhưng giá trị xuất khẩu bằng 8% giá trị xuất khẩu Indonesia).
Đến năm 2022, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 194.286 ha, tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Vùng ĐBSCL chiếm 88,0% diện tích dừa cả nước với diện tích khoảng 171.0 nghìn ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre 78,0 nghìn ha, Trà Vinh 26,0 nghìn ha, Tiền Giang trên 21,6 nghìn ha, Vĩnh Long trên 10 nghìn ha. Tiếp đến là vùng duyên hải miền Trung: các tỉnh có diện tích dừa lớn: Bình Định 9.388 ha, Quảng Ngãi 2.136 ha, Khánh Hòa 1.602 ha, Phú Yên 1.360 ha.
Năng suất: Năng suất dừa Việt Nam năm 2022 đạt 111,8 tạ/ha, cao hơn năng suất dừa năm 2011 là 17,2 tạ/ha (năm 2011, năng suất dừa Việt Nam đạt 94,6 tạ/ha). Năng suất dừa của vùng Đông Nam Bộ cao nhất, đạt 229,2 tạ/ha (năm 2022), năng suất dừa vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thấp nhất, đạt 107,3 tạ/ha (năm 2021). Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có diện tích dừa lớn nhất cả nước nhưng năng suất dừa chỉ đạt 110 tạ/ha.
Sản lượng: Sản lượng dừa Việt Nam năm 2022 đạt 1,93 triệu tấn, tăng 728,62 nghìn tấn so với năm 2011 (1,20 triệu tấn), sản lượng dừa của Việt Nam tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2022 chiếm 85,26% sản lượng dừa cả nước). Tốc độ tăng sản lượng dừa năm giai đoạn 2011 - 2022 đạt 4,4%/năm, trong đó vùng ĐBSCL vẫn là vùng tăng trưởng cao nhất 4,97%/năm, tiếp theo là Đông Nam Bộ 2,83%/năm, Duyên hải Nam Trung Bộ 1,52%/năm, Bắc Trung Bộ 0,86%/năm.
Hoa dừa. |
|
Sản phẩm giấy dừa.
|
Qua khảo sát tại 9 tỉnh điều tra, diện tích dừa hữu cơ hiện nay là 17.218 ha, chỉ chiếm 10,55% diện tích. Hầu hết diện tích dừa hữu cơ đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các tỉnh triển khai sản xuất dừa hữu cơ nhiều là Tiền Giang có 240 ha diện tích đang sản xuất theo hướng hữu cơ (chưa được chứng nhận), Bến Tre có 2.900 ha ngoài 13.125 ha đã được công nhận (Các địa phương nhân rộng nhiều diện tích dừa hữu cơ là huyện Giồng Trôm 5.600 ha, Mỏ Cày Nam 4.800 ha, Bình Đại 2.581 ha, Thạnh Phú 1.800 ha).
Tỉnh Bến Tre đã công nhận 6.990 cây dừa mẹ và 78 vườn dừa đầu dòng. Các loại dừa phổ biến như: dừa xiêm xanh, dừa dâu, dừa ta và dừa đỏ giống mới. Tỉnh Trà Vinh có 01 vườn cây đầu dòng giống dừa sáp nuôi cấy mô.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã phát triển được gần 90 sản phẩm và khoảng hơn 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Trong đó, sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất nhưng số doanh nghiệp chế biến được sản phẩm này là rất ít.
Trên toàn quốc có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, gồm một số ngành chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa,....), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp), chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Hiện tại có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”.
Sản phẩm dừa Việt Nam và các sản phẩm từ dừa Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay đã có 2.799 nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu dừa tập thể và Chỉ dẫn địa lý về dừa nộp đơn xin cấp quyền Sở hữu trí tuệ.