Nghiên cứu STI/HIV và hành vi nguy cơ quần thể phụ nữ mại dâm tỉnh Bến Tre

HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Loại vi rút này hiện nay đang được cộng đồng và nhiều ngành chức năng trên toàn cầu quan tâm. Ở Việt Nam, cụ thể là ở Bến Tre, theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tính đến 31/5/2012, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 994 người, 352 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 637 người đã tử vong. Bên cạnh đó, thì vấn đề nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục (STI) có triệu chứng hay không có triệu chứng đều làm gia tăng khả năng lây nhiễm HIV.

Dưới sự tài trợ của Dự án Phòng chống HIV/AIDS tại Bến Tre-Ngân hàng Thế giới, Chương trình can thiệp giảm hại (chương trình 100% bao cao su) đã được triển khai tại Bến Tre từ năm 2005 nhằm cung cấp bao cao su (BCS) miễn phí và điều trị STI cho quần thể phụ nữ mại dâm (PNMD) tỉnh Bến Tre tại các điểm nóng về dịch HIV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể. Do đó việc điều tra đánh giá tỷ lệ nhiễm STI/HIV ở quần thể PNMD tại Bến Tre là hết sức cần thiết nhằm đánh giá và lập kế hoạch can thiệp dịch STI/HIV hiệu quả ở quần thể này trong thời gian tới.

Trước tình hình trên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu STI/HIV và hành vi nguy cơ quần thể PNMD tỉnh Bến Tre năm 2012”, thuộc Chương trình Phòng chống HIV/AIDS, do TS.BS Nguyễn Vũ Thượng-Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và BS chuyên khoa II Lê Thị Kim Thoa đồng chủ nhiệm thực hiện trong thời gian 07 tháng. Trong đó toàn bộ kinh phí do Dự án Phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Trong khuôn khổ của đề tài, nhóm nghiên cứu đã chọn 400 PNMD đang hoạt động bán dâm tại Bến Tre, từ 16 tuổi trở lên, tập trung ở TP Bến Tre, Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc), Châu Thành và Ba Tri. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đã tiến hành điều tra mỗi huyện ít nhất 1 điểm và được chia thành hai nhóm. Việc thu thập thông tin được tiến hành bằng bảng câu hỏi gồm một số vấn đề như: Kiến thức và thái độ của PNMD về HIV/AIDS, nhận thức được nguy cơ HIV và STI, độ tuổi, tình trạng hôn nhân và một số vấn đề khác như hành vi tình dục, sử dụng ma túy,…  Người tham gia nghiên cứu được xét nghiệm HIV, giang mai, lậu, chlamydia, trùng roi. Đối với những cá nhân nhiễm giang mai, lậu, chlamydia, trùng roi được hướng dẫn đến phòng khám và điều trị thích hợp, miễn phí.

Qua điều tra cho thấy, kiến thức về HIV của PNMD ở Bến Tre khá tốt (77,8%), các chỉ số kiến thức liên quan đến HIV đều có cải thiện so với khảo sát năm 2009, đặc biệt là sự cải thiện về hiểu biết các đường không lây HIV. Hiểu biết về STI cũng ở mức độ khá. Tỷ lệ luôn dùng BCS khi quan hệ tình dục (QHTD) với khách hàng qua tường thuật của PNMD là rất cao 98,8% có cải thiện so với các năm trước. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện và can thiệp giảm hại như: thông tin về tình dục an toàn, nơi xét nghiệm HIV,… cũng được PNMD Bến Tre biết đến ở mức cao.

Theo kết quả phân tích đơn biến của nhóm thực hiện cho thấy, những PNMD thiếu kiến thức về HIV, STI, nhận biết sai quy trình sử dụng BCS qua tranh vẽ, nhận thức bản thân có khả năng nhiễm HIV, hành nghề trực tiếp và thường xuyên uống rượu bia trước khi QHTD thì có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn các nhóm tương ứng. Kết quả phân tích đa biến của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, PNMD hành nghề trực tiếp có khả năng nhiễm giang mai cao hơn PNMD hành nghề gián tiếp và khả năng nhiễm chlamydia thấp hơn PNMD có tuổi càng lớn, trình độ học vấn càng cao và có kiến thức cần thiết về HIV. Đối với lậu, PNMD hiện đang li dị có xu hướng nhiễm lậu thấp hơn so với những người chưa có gia đình.

Để giảm thiểu tình trạng nhiễm HIV/STI ở PNMD, nhóm thực hiện cũng đưa ra kiến nghị: Duy trì và tăng cường việc tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho PNMD đảm bảo chất lượng và gia tăng tỷ lệ quay lại nhận kết quả xét nghiệm; Tiếp tục truyền thông về tình dục an toàn và tiêm chích an toàn cho PNMD, chú ý kết hợp việc truyền thông về HIV, AIDS với các bệnh lây qua đường tình dục khác. Xem xét lại mạng lưới hoạt động của đồng đẳng viên trong chương trình 100% BCS. Mặc dù tỷ lệ luôn sử dụng BCS khi quan hệ với khách hàng đạt yêu cầu nhưng tỷ lệ hiện mắc STI là khá cao. Bên cạnh đó cũng cần cập nhật bản đồ điểm nóng hàng năm để có thể ước tính cỡ quần thể, qua đó biết được “mẫu số” quần thể PNMD, đảm bảo ước tính độ bao phủ của mạng lưới các tụ điểm.

Thành công của đề tài được Hội đồng đánh giá cao và nghiệm thu loại khá. Qua đó, hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ cụ thể của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, cần tiếp tục làm gì để sau kết thúc dự án để giữ vững thành quả đạt được trong thời gian qua.

Kim Tuyền

Trung tâm Thông tin KH&CN

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam”
• Kiểm định huyết áp kế tại tỉnh Bến Tre
• Thành lập hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
• Nghiệm thu đề tài “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp”
• Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND TP. Cần Thơ về việc biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre
• Tiếp và làm việc đoàn công tác Bộ phận đại diện khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Đài Loan (Trung Quốc), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”