Thạnh Phú tập trung 3 trụ cột chính để thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”

Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tại huyện Thạnh Phú đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động có sự chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng lên. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 320 doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh, Hội Doanh nghiệp huyện được thành lập và bước đầu hoạt động có hiệu quả, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp.

 

Bí tư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tìm hiểu hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh, xã Thới Thạnh. Ảnh: Minh Mừng.

 

Năm 2022, với chủ đề được Huyện ủy xác định là năm “Đồng thuận – Sáng tạo – Tăng tốc”, Ủy ban nhân dân huyện tập trung triển khai tốt Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh khôi phục dần và từng bước cải thiện năng lực sản xuất sau dịch bệnh Covid-19. Huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án Xây dựng trung tâm tôm giống Thạnh Phú. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát lập dự án cụm công nghiệp thị trấn Thạnh Phú với diện tích 73 ha. Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, phấn đấu có 90 – 120 MW điện gió hòa lưới trong năm. Quảng bá, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, nhất là Làng văn hóa du lịch Thạnh Hải - Thạnh Phong. Hoàn thành và công bố, triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất huyện thời kỳ 2021-2030. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là các hợp tác xã thủy sản và nông nghiệp. Nâng chất lượng hoạt động của Hội Doanh nghiệp huyện Thạnh Phú để làm nồng cốt cho phát triển kinh tế tư nhân. Đảm bảo công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Văn Hùng, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu năm 2022 huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp huyện Thạnh Phú giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề ra 03 trụ cột chính gồm: xây dựng Thạnh Phú thành địa phương khởi nghiệp; tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

 

Cụ thể, đối với trụ cột xây dựng Thạnh Phú thành địa phương khởi nghiệp, huyện phấn đấu đến năm 2025, phát triển ít nhất 30 doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập và duy trì 05 Câu lạc bộ, đội nhóm khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tại địa phương. Nâng cao hiệu quả các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp đảm bảo đồng bộ, kịp thời, đổi mới. Tăng cường đa dạng hóa hình thức tương tác, đối thoại, tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp định kỳ, Cà phê doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các Hội Doanh nghiệp huyện trong góp ý xây dựng và phản biện chính sách. Phát huy vai trò của cơ quan quản lý ngành và cơ quan đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp. Gắn kết với Không gian đổi mới sáng tạo Mekong của Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện một số hoạt động trải nghiệm, tập huấn, tham quan cho học sinh và đối tượng khởi nghiệp trên địa bàn. 

 

Phấn đấu đến năm 2025, huyện hình thành được các cụm liên kết ngành chủ yếu, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Mừng.

 

Trụ cột tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, mục tiêu đến năm 2025, huyện phát triển mới từ 400 đến 450 doanh nghiệp, trong đó có 35 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh, phát triển 08-10 doanh nghiệp dẫn đầu; thu hút 01-02 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu hút 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 20 triệu USD. Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, sáp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi số cho 100 doanh nghiệp. Đến năm 2025, hình thành được các cụm liên kết ngành chủ yếu: Chế biến thủy sản, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thành lập mới 07 HTX, đến năm 2025 nâng tổng số HTX toàn huyện 22; phát triển 01 mô hình điểm về vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa; phát triển 05 HTX tham gia vào chuỗi giá trị. Phối hợp với tỉnh đưa một số lãnh đạo doanh nghiệp, thành viên Hội Doanh nghiệp huyện tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng quản trị doanh nghiệp từ cơ bản đến nâng cao theo nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thúc đẩy thực hiện hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Xây dựng các mô hình về chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhân rộng các mô hình về giảm thiểu, thu hồi, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải, các mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất.

 

Về trụ cột phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, huyện sẽ tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tiếp cho tỉnh ít nhất 06 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ nâng cao năng lực, nền tảng ban đầu về đổi mới sáng tạo cho ít nhất 80 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, logistic, sản phẩm OCOP… trong đó, có 10% doanh nghiệp công nghệ số. Hỗ trợ 05 lượt doanh nghiệp tham gia xây dựng, áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, hệ thống truy xuất nguồn gốc; 05 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, cơ sở thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ để hình thành và phát triển được 01 doanh nghiệp khoa học công nghệ.

 

Để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 – 2025, đòi hỏi sự tập trung, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cùng với đó là vai trò tiên phong của lực lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn. Cần phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách vì mục tiêu phát triển kinh tế của huyện và của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
• Tổ chức Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2024
• Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023
• Phát động tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ X
• Phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre 2024
• Hội nghị Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và trao chứng nhận đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2023
• Giồng Trôm: Lễ công bố xã Tân Hào đạt chuẩn nông thôn mới
• Xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn xã Hòa Lợi
• Khai mạc Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2023 “Ben Tre Innovation day”
• Khởi nghiệp với mô hình dừa xiêm gọt trọc
• Thạnh Phú phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh dựa vào 3 trụ cột chính
• Tập huấn kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp tại huyện Thạnh Phú
• Khởi nghiệp thành công với mô hình làm mứt mãng cầu xiêm
• Giồng Trôm gương phụ nữ khởi nghiệp với dừa xiêm xanh gọt trọc
• Giao Thạnh đạt nhiều kết quả từ Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”