Phát triển công nghệ đi tắt đón đầu

Hỏi:


Công nghệ là động lực để phát triển kinh tế và ngược lại nền kinh tế cũng có những tác động trở lại. Với khoảng cách về công nghệ như hiện nay của nước ta với các nước phát triển và so sánh về tiềm năng phát triển công nghệ như vậy thì chúng ta sẽ ngày càng bị các nước phát triển bỏ xa không? và chúng ta sẽ đi tắt đón đầu như thế nào để có thể rút ngắn khoảng cách đó?

ngo.ha8@gmail.com


Đáp:


Chỉ có khoa học và công nghệ mới đưa Việt Nam bứt phá. "Để có 10 năm tăng trưởng mạnh vừa qua, chúng ta đã cởi trói nông nghiệp bằng khoán 10, công nghiệp bằng luật doanh nghiệp, huy động tối đa tiềm lực lao động giản đơn. Muốn tiến xa hơn, chỉ còn cách phát triển khoa học, công nghệ”, Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định.

 

- Năm nay sẽ tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế xã hội. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong thời gian qua?

 

- Nếu hỏi cụ thể KH&CN đã đóng góp bao nhiêu, thì các con số đưa ra đều là định tính. Thứ nhất, theo tôi, đó là vì KH&CN có độ trễ nhất định, không thể thấy hiệu quả ngay. Thứ hai, đầu tư cho lĩnh vực này tiềm ẩn sự “mạo hiểm”. Ngay cả tại các nước phát triển, tỷ lệ nghiên cứu thành công có thể áp dụng vào đời sống và sản xuất cũng chỉ khoảng trên dưới 20%. Nhiều người nghĩ rằng mọi nghiên cứu đều phải thành công, phải có kết quả, đó là suy nghĩ sai lầm. Thứ ba, có nhiều sản phẩm khoa học mang lại hiệu quả lớn nhưng gián tiếp hoặc vô hình. Ví dụ, nghiên cứu văc xin, chi phí vài trăm nghìn USD có thể cứu mạng cả triệu em nhỏ… mà sinh mạng con người thì không thể tính bằng tiền được.

 

Một loại cũng rất khó tính hiệu quả thành tiền là nghiên cứu cơ bản. Có ý kiến cho rằng ta nên sử dụng nghiên cứu cơ bản của nước ngoài, và chỉ nên tập trung nghiên cứu ứng dụng thôi. Nhưng theo tôi, ta vẫn phải chủ động trong lĩnh vực này, vì không phải nghiên cứu cơ bản nào của nước ngoài cũng có thể chuyển giao cho ta và có thể áp dụng được vào hoàn cảnh Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bệnh dịch… Trong 20 năm đổi mới, nếu không có KH&CN, chúng ta không thể có những thành tựu như vậy. Nhờ việc làm chủ công nghệ tiên tiến mà ngành đóng tàu nước ta đang có cơ hội xếp vào top 10 nước trên thế giới. Nhờ có các giống mới, quy trình canh tác mới... đã góp phần đưa nước ta thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

 

Nhưng khách quan mà nói, KH&CN thời gian qua vẫn chưa xứng với vị trí là quốc sách hàng đầu, là động lực của nền kinh tế. Đội ngũ cán bộ đông nhưng chất lượng không cao, các công bố quốc tế của Việt Nam rất thấp, số sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng bảo hộ ít ỏi, số các công trình có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội cũng rất ít.

 

- Điều gì khiến cho KH&CN ở Việt Nam chưa thực sự đóng vai trò "then chốt"?

 

- Trước hết, đó là do đầu tư cho lĩnh vực này của nhà nước còn thấp (2% tổng chi ngân sách, khoảng 0,5 - 0,6% GDP), tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp còn ít, chưa đến 0,1% GDP. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ban đầu phải lo tồn tại trong thương trường, chưa có điều kiện đầu tư cho KH&CN. Các doanh nghiệp lớn chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước thì đầu tư cho lĩnh vực này rất thấp, thậm chí thấp hơn tư nhân. Hãy so sánh: đầu tư cho KH&CN trên đầu người Việt Nam năm 2007 là khoảng 5 USD, ở Hàn Quốc là khoảng 1000 USD, còn ở Trung Quốc năm 2004 là khoảng 20 USD. Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước so với khu vực ngoài Nhà nước khoảng 1:3, còn Việt Nam thì ngược lại khoảng 5:1.

 

Thứ hai, sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực này thấp. Nếu như ngành Giáo dục (cũng là lĩnh vực quốc sách hàng đầu) chỉ có một động thái nhỏ như thay đổi giá sách giáo khoa cũng đã làm xôn xao dư luận, thì ngành KH&CN muốn đổi mới phải qua quá trình dài, nhưng lại ít nhận được phản hồi của công luận.

 

Sau cùng, chúng ta chưa có mạng lưới quản lý KH&CN đến cơ sở. Nếu ngành Giáo dục có chân rễ đến tận thôn bản, thì KH&CN mới chỉ có đơn vị quản lý đến cấp tỉnh. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu phải có cơ sở ứng dụng, nhất là doanh nghiệp. Nếu mạng lưới quản lý không với tới cơ sở, doanh nghiệp, thì dù ta có các viện nghiên cứu rất lớn, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu cũng không thành công.

 

- Vậy thời gian tới, khoa học và công nghệ ở nước ta sẽ phải được đặt ở vị trí nào?

 

- Trong tương lai, KH&CN vẫn phải là động lực phát triển kinh tế. Vì ngay các nước mới phát triển như Hàn Quốc hay Đài Loan, đến thời điểm này vẫn phải giữ tôn chỉ đó. Chỉ có điều, chúng ta phải làm thế nào để biến nó thành hiện thực, chứ không chỉ trên giấy tờ, nghị quyết.

 

Phải hiểu rằng sự tăng trưởng của những năm đổi mới chủ yếu là do chúng ta tự “cởi trói” mình. Nhưng đến nay, có thể nói giai đoạn tăng trưởng nhờ tháo gỡ cơ chế đã qua rồi, những gì cần tháo gỡ chúng ta đã làm rồi. Nông dân đã được làm chủ ruộng đất, công nhân đã được làm chủ trong doanh nghiệp của họ, kể cả các thành phần kinh tế khác, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta đã huy động gần như tối đa. Về mặt cơ chế chính sách, hầu như không còn rào cản, đặc biệt kể từ khi gia nhập WTO, hội nhập quốc tế ASEM, APEC…

 

Từ đây trở đi, nếu không phát triển khoa học và công nghệ, chắc chắn sự tăng trưởng kinh tế sẽ bị hạn chế, thậm chí chậm lại. Đảng ta đã xác định mục tiêu đến 2020, về cơ bản Việt Nam trở thành một nước công nghiệp. Đây là mục tiêu khó khăn nếu chúng ta không có những quyết sách lớn về KH&CN. Bài học của các nước trong khu vực và trên thế giới đều như vậy, bởi giá trị gia tăng của khoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng rất lớn trong nhịp độ phát triển.

 

- Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về bài học từ các nước bạn trong vấn đề này?

 

- Ví dụ khu công nghệ cao Tân Trúc (Đài Loan) chỉ có khoảng 100.000 người làm việc, sản xuất 2 sản phẩm chính là màn hình tinh thể lỏng và chíp máy tính. Hằng năm, giá trị hàng hóa mà họ tạo ra lên đến 46 tỷ USD (số liệu năm 2004). Bình quân một người tạo ra sản phẩm có giá trị nửa triệu USD. Trong khi đó tại Việt Nam năm 2007, một người ở độ tuổi lao động đóng góp GDP trung bình là 1.500 USD. So sánh như vậy để thấy là người lao động trong lĩnh vực công nghệ cao có năng suất lớn gấp nhiều lần so với lao động thông thường. Chính vì thế Hàn Quốc, hay Đài Loan dù gần như không có tài nguyên hay đất nông nghiệp, nhưng họ vẫn dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, Hàn Quốc có thể đứng vào “top 10” của thế giới. Ngay Trung Quốc cũng đã xây dựng một chủ thuyết mới: “Khoa học phát triển quan” - phát triển đất nước dựa trên thế giới quan khoa học. Và chính vì vậy, Trung Quốc hiện có mọi thành tựu khoa học mà thế giới có, như tên lửa, vũ khí hạt nhân, tàu vũ trụ có người lái, máy bay chiến đấu, máy bay chở khách, tàu sân bay… Việt Nam cũng nên đi theo con đường của các nước mới công nghiệp hóa.

 

- Việt Nam cần phải làm gì để KH&CN thực sự trở thành động lực kinh tế?

 

- Tôi chia làm 3 nhóm giải pháp cụ thể. Trước hết là nhóm giải pháp về cơ chế, có hai vấn đề.

1- Phải triệt để đổi mới trong cách quản lý. Chính phủ đã giao cho các tổ chức KH&CN quyền tự chủ rất cao, cả về tài chính, tổ chức, biên chế. Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định 115 và Nghị định 80, được ví như “khoán 10” trong khoa học. Vấn đề là các cấp quản lý phải hiểu rõ và thực hiện tốt chủ trương này.

 

2- Phải sớm hình thành một hệ thống doanh nghiệp KH&CN. Đây là một loại hình doanh nghiệp mới, do các nhà khoa học lập ra, ứng dụng kết quả nghiên cứu để làm ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Đây được coi là con đường ngắn nhất để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Một ví dụ điển hình là Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp. Năm 2002, viện này được thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Viện là công ty mẹ, trong viện có nhiều công ty con. Trong vòng 5 năm qua, doanh số của Viện đã tăng từ một vài chục tỷ lên đến gần 1.000 tỷ. Một ví dụ khác là Công ty Sơn tổng hợp Hải phòng, trong 5 năm qua đã tăng doanh số lên hơn 10 lần, đạt gần 400 tỷ đồng năm 2007.

 

Thứ hai, phải đổi mới về cơ chế tài chính: cho phép các nhà khoa học có quyền tự chủ cao hơn trong sử dụng kinh phí của nhà nước. Không nên quyết toán theo năm tài chính mà theo thời gian nghiên cứu. Cho phép họ được linh hoạt chuyển đổi thuận lợi nội dung nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ đi trao đổi khoa học ở nước ngoài cũng như mời chuyên gia nước ngoài vào hợp tác nghiên cứu trong nước.

 

Thứ ba, Nhà nước nên xác định những đề tài có ảnh hưởng lớn đến đất nước, coi đó như nhiệm vụ KH&CN của quốc gia, hình thành những tập thể nghiên cứu mạnh, giao cho họ quyền tự chủ cao để họ làm được việc đó. Với cơ chế manh mún hiện nay (có khi cùng một vấn đề, viện A nghiên cứu, viện B cũng nghiên cứu, bộ C cũng có đề tài tương tự…), chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề mang tính chiến lược, tầm quốc gia.

 

Xin minh họa bằng một kinh nghiệm thời kháng chiến chống Mỹ. Khi Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, Nhà nước giao cho giáo sư Vũ Đình Cự lập nhóm GK1 với cơ chế tự chủ cao, nghiên cứu giải pháp phá thủy lôi. Trong thời gian rất ngắn nhóm GK1 đã thành công, sau này công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay, ta cũng có thể áp dụng tương tự, bằng cách giao cho một nhà khoa học chủ trì một dự án lớn, được giao một khoản kinh phí đủ lớn, được quyền chủ động mời và trả lương cao cho các nhà khoa học khác cùng làm việc, chủ động mua sắm thiết bị, tham dự các hội nghị quốc tế, mời chuyên gia nước ngoài hợp tác… Nhà nước chỉ quan tâm đến sản phẩm của dự án. Theo kinh nghiệm của các nước, có như thế mới có thể triển khai thành công các dự án lớn.

 

Đi tắt đón đầu

 

Khởi đầu bằng việc thu thập công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng, từng bước nâng cao và kết hợp với nền khoa học kỷ thuật trong nước nhằm phát huy triệt để hiệu quả kinh tế mang lại từ khoa học kỷ thuật. Từ sản xuất, lắp ráp, từng bước phát triển qua tiến trình cải cách, canh tân, và phát triển nền công nghệ kỹ thuật cao - phương thức này sẽ gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu nhưng sẽ rút ngắn thời gian cần thiết một cách rõ rệt trong việc xây dựng một nền công nghệ tân tiến - mà thường phải cần cả 30 năm để hoàn thành.

 

Trong thực trạng nước ta hiện nay, vấn đề cấp bách phải nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thương trường trong nước và cả trên thế giới, hơn nữa rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tự phát triển sản phẩm mang tính kỹ thuật công nghệ cao. Bằng cách lựa chọn để nhập khẩu các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng, và nhanh chóng cho ra đời những sản phẩm có trình độ công nghệ và chất lượng cao, từ đó từng bước nâng cao, nội địa hóa từng phần sản phẩm bằng sự thông minh và trình độ KHCN của con người Việt Nam. Có công nghệ tiên tiến, sản phẩm của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao nếu phát huy các tính ưu việt sẵn có của nước ta về giá nhân công còn thấp và sử dụng các tài nguyên sẵn có của mình. Mười lăm năm cho việc thực thi mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước có khả năng hiện thực với phương thức này.

 

Trong giai đoạn vừa qua, để giải quyết công ăn việc làm, tận dụng thế mạnh về tiềm năng nhân lực, chúng ta đã chọn các ngành công nghiệp thực phẩm (gạo, cà phê, thủy sản…), các ngành công nghiệp nhẹ tiêu dùng (giầy da, dệt may, đồ gỗ, sành sứ, giấy…). Những ngành này thực tế không có hiệu quả kinh tế cao, nhưng là phù hợp với hoàn cảnh và tiềm lực nước ta trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp. Những ngành công nghiệp này trước tiên đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm đời sống nhân dân và ổn định tình hình xã hội.

 

Vấn đề là từ nay tới năm 2020, song song việc duy trì phát triển bền vững các ngành nghề đã đạt được, để phát triển nhanh hơn, đạt được mục tiêu hiện đại hóa và công nghiệp hóa với GDP trên đầu người đạt trên 5000 USD, chúng ta cần lựa chọn các ngành công nghiệp nào cho phù hợp và phải tiến hành phát triển ra sao.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ