Nên thành lập cơ quan cảnh sát sở hữu trí tuệ

imageNgày 07/11/2006, Việt Nam chính thức được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một trong những vấn đề quan trọng sau khi gia nhập là thực thi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Phóng viên Báo KH&PT đã có cuộc trao đổi với Ts. Lê Xuân Thảo - Uỷ viên thường vụ Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SHTT Invenco.

Chuyển biến từng ngày

+ Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thời gian qua?

- Ts. Lê Xuân Thảo: Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoạt động SHTT ở nước ta có chuyển biến đáng kể, thể hiện trên số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp: Số lượng đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2007 là 2.173 đơn, gần bằng cả năm 2006, về nhãn hiệu: 22.088 đơn, tăng hơn 50% năm 2006, về kiểu dáng công nghiệp: 1510 đơn. Riêng tại Công ty SHTT Invenco, số đơn về sáng chế tính đến ngày 31/10/2007 gần bằng tổng số đơn của cả năm 2006. Đơn đăng ký nhãn hiệu trong nước và nộp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng 30%. Điều này chứng tỏ sau khi gia nhập WTO, không chỉ có các Tập đoàn kinh tế, các công ty nước ngoài quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc đăng ký và xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền.

Tuy nhiên, số đơn đăng ký sáng chế của các tổ chức và cá nhân Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm 7% tổng số đơn sáng chế nộp tại Cục SHTT. Điều đó chứng tỏ các tổ chức, cá nhân nước ngoài khai thác tốt hơn hệ thống bảo hộ quyền SHTT và các doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm đăng ký bảo hộ quyền SHTT và sẽ bị thua ngay trên sân nhà nếu xảy ra tranh chấp.

Doanh nghiệp bức xúc vì phải "chạy vòng vo"

+ Đã từng làm đại diện sở hữu công nghiệp cho nhiều doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về vấn đề thực thi quyền SHTT sau khi chúng ta gia nhập WTO?

- Ts. Lê Xuân Thảo: Mặc dù việc xác lập quyền SHTT có bước chuyển biến rõ nét, nhưng việc thực thi quyền vẫn là điểm vướng mắc trong hệ thống pháp luật SHTT ở nước ta. Chẳng hạn, quản lý thị trường kêu là sản phẩm hàng giả, hàng nhái sau khi đi thu hồi về không biết giữ ở đâu, kinh phí tiêu huỷ không có nên họ không muốn thu hồi. Nhiều cán bộ quản lý thị trường "kêu": trước đây làm  vụ nào thì xử lý từ A đến Z, nay thì chỉ được kiểm tra, xử lý ở khâu phân phối, còn khâu sản xuất lại chuyển cho lực lượng khác. Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực thi quyền sở hữu công nghiệp là vấn đề giám định. Trước đây, 1 doanh nghiệp bị vi phạm "kêu cứu" đến Cục SHTT sẽ được Cục trả lời bằng văn bản, tiếp đó các cơ quan thực thi vào cuộc. Tuy nhiên, từ tháng 10/2006, Cục SHTT không thẩm định nữa, song cơ quan thẩm định mới thì chưa ra đời, vì thế có trường hợp vi phạm không được thẩm định để giải quyết. Nhiều doanh nghiệp rất bức xúc và "chạy" vòng vo hết cơ quan này đến cơ quan khác để giải quyết, làm mất cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một vấn đề nổi cộm nữa là đăng ký tên miền. Hiện nay có tình trạng 1 số cá nhân lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật đã đăng ký tên miền trùng với các nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, gây bức xúc cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tại khoản d Điều 130 Luật SHTT quy định đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn cấp đăng ký những tên miền vi phạm, gây bức xúc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Phải chăng các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cố tình làm trái luật?

Lập cơ quan cảnh sát để chống vi phạm

+ Qua thực tiễn thực thi pháp luật về SHTT trong thời gian qua, ông có kiến nghị gì hoặc đề nghị gì hoặc đề nghị bổ sung hoàn chỉnh pháp luật về SHTT?

- Ts. Lê Xuân Thảo: Hiện nay, lực lượng được giao thực thi quyền SHTT vừa mỏng, yếu và thiếu. Do tình hình vi phạm SHTT ngày càng tăng, năm 2007 tăng khoảng 50% số vụ so với cùng kỳ năm 2006. Do vậy, chúng tôi kiến nghị nên thành lập cơ quan cảnh sát SHTT trực thuộc Bộ Công an. Cơ quan này chuyên tập trung xử lý các vi phạm về hàng giả, hàng nhái liên quan đến SHTT. Cũng liên quan đến vấn đề thực thi quyền, theo tôi nên sửa khoản 1 Điều 211 của Luật SHTT liên quan đến việc thông báo bằng văn bản của chủ thể quyền trước khi xử lý hành chính. Bởi vì, hành vi xâm phạm quyền SHTT có xu hướng ngày càng tinh vi, chủ thể quyền đã bỏ nhiều thời gian, kinh phí để phát hiện đối tượng xâm phạm quyền, nếu chủ thể quyền gửi văn bản thông báo thì sẽ tạo cơ hội cho người có hành vi xâm phạm thủ tiêu các chứng cứ, huỷ hàng tồn kho và sản xuất với số lượng lớn hơn và do đó sẽ giảm hiệu quả thực thi quyền SHTT. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập các tổ chức Giám định độc lập để giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật có căn cứ xử lý các xâm phạm về quyền SHTT. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thống nhất quy trình xét, cấp tên miền theo đúng Luật SHTT, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như hiện nay.

Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Theo Báo KHOA HỌC & PHÁT TRIỂN

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc