Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực, huyện Mỏ Cày Nam đã từng bước xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao phù hợp với cây trồng, vật nuôi, có tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của huyện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu trong và ngoài tỉnh, đồng thời phục vụ cho xuất khẩu, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp ra đời góp phần giải quyết lao động ở nông thôn.

 

Để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại kế hoạch số 943/KH-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh ứng dụng cơ giới vào sản xuất, gắn với bảo quản, chế biến, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng mã số vùng trồng, quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ như nhãn hiệu “Heo Mỏ Cày Nam”, “Gà tàu lai nòi”.

 

Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, gắn kết thị trường tiêu thụ. Định hướng cho nông dân về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn tại các xã. Ngoài ra, huyện tập trung triển khai thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến nông và chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường.

 

Chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn góp phần đem lại thu nhập cao cho người dân.

 

Đồng thời, huyện đẩy mạnh thực hiện các hình thức tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng vùng, chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn, khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và nông nghiệp hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa, giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất  bảo vệ thực vật, giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh. Phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung với quy mô lớn tại các xã theo quy hoạch.

 

Song song đó, thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch, phát triển đàn heo, bò thịt, gia cầm quy mô trang trại. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn  đồng thời tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

 

Ngoài ra, huyện đặc biệt quan tâm đến phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững đa dạng,  đổi mới hình thức và đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng tập trung, thâm canh, chuyển từ nuôi thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện, phát triển sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Siêu vật liệu-Xu hướng đổi mới sáng tạo trong công nghệ
• Nghêu Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó