Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững

Theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), “Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể”. Đồng thời sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với CDĐL đó quyết định.

 

Trước khi có Luật, CDĐL được gọi bằng thuật ngữ “Tên gọi xuất xứ hàng hóa” (Luật Dân sự năm 1995, “tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó”).

 

Trên bình diện quốc tế, tại Điều 2 của Hiệp ước Lisbon 1958 đã được sửa đổi năm 1967 và 1979, “Chỉ dẫn địa lý là tên địa lý của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm, mà chất lượng và những đặc tính của nó dựa trên các điều kiện môi trường địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”. Qua quá trình phát triển, hội nhập, Tổ chức thương mại thế giới WTO: “Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa được bắt nguồn từ lãnh thổ của một quốc gia thành viên hoặc từ khu vực hay địa lý của lãnh thổ đó có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định” (Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ - Hiệp định TRIPs.

 

Tính đến tháng 3/2023 cả nước có 117 CDĐL được bảo hộ, các tỉnh thành có sản phẩm được cấp quyền sử dụng CDĐL nhiều nhất trên 02 sản phẩm như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam. Hầu hết các sản phẩm sau khi được bảo hộ CDĐL đều có xu tăng giá bán từ 20 - 80% và chất lượng sản phẩm được cải thiện và ổn, diện tích trồng cũng tăng lên đáng kể. Từ đó nhận thấy, việc bảo hộ CDĐL cho các đặc sản của địa phương là yếu tố rất cần thiết và quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói riêng.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (chính giữa, hàng đầu) tham quan các sản phẩm được cấp bảo hộ CDĐL tại Hội nghị SHTT toàn quốc năm 2023 tại Huế.

 

Bến Tre là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đăng ký và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Thực hiện Nghị Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuổi giá trị và Quyết định số 46/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về sản phẩm chủ lực; trong thời gian qua tỉnh đã tập trung quyết liệt việc xây dựng, tạo lập, bảo hộ, khai thác và phát triển các CĐĐL. Hiện có 06 sản phẩm được bảo hộ CDĐL: Dừa xiêm xanh uống nước, Bưởi da xanh, Sầu riêng, Tôm càng xanh, Cua biển, Xoài tứ quý.

 

Sầu riêng Cái Mơn – một trong 03 đặc sản Bến Tre đang được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

 

Danh tiếng của 06 CĐĐL của Bến Tre nêu trên đã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng để lựa chọn cho mình. Mặt khác, chất lượng, đặc tính của Dừa xiêm xanh uống nước, Bưởi da xanh, Sầu riêng, Tôm càng xanh, Cua biển, Xoài tứ quý cũng được xác định bằng các chỉ tiêu định tính, định lượng hóa lý, cảm quan, vi sinh…, và các chỉ tiêu đó đã được kiểm tra và xác nhận bởi các tổ chức kiểm định, phân tích và chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

 

Việc bảo hộ CDĐL, thực tế đã chứng minh được vai trò, lợi ích của nó.

Về chiến lược, thông qua bảo hộ CDĐL, các đặc sản địa phương nói trên được nâng tầm trong sự lựa chọn của người tiêu dùng, việc khai thác và quảng bá cũng trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn, đặc biệt khi chất lượng sản phẩm đặc thù làm nên sự nổi tiếng của một vùng được bảo hộ thực sự bằng kinh nghiệm và tin tưởng của người sử dụng qua thời gian dài. Ngoài việc tạo ra danh tiếng và giá trị của sản phẩm trên thương trường, việc bảo hộ CDĐL còn giúp thu hút đầu tư và quảng bá du lịch Bến Tre cho vùng có đặc sản đó.

 

Về định hướng, tỉnh Bến Tre đang ưu tiên mời gọi các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao hướng đến xây dựng tỉnh trở thành địa chỉ tin cậy trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân và doanh nghiệp. Do đó, chất lượng sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, nông dân. Chất lượng sản phẩm làm tăng uy tín, danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp, điều này có tác động rất lớn tới quyết định lựa chọn mua của người tiêu dùng. CDĐL là một trong những cách thức tốt nhất để bảo hộ tính chất đặc trưng của sản phẩm, bảo hộ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng ổn định, đạt các tiêu chí đăng ký. Khi các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Bến Tre được bảo hộ CDĐL sẽ là nền tảng duy trì danh tiếng và chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng đối với sản phẩm đó.

 

Về động lực, góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Kinh nghiệm thực tế của các quốc gia phát triển và thực tế tại các tỉnh có CĐĐL Việt Nam cho thấy việc xây dựng hệ thống bảo hộ CĐĐL đã góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn, vì nó là điều kiện phát huy các lợi thế riêng có của từng địa phương, từng vùng miền để phát triển sản phẩm đặc sản riêng có của mình.

 

Về pháp lý, CDĐL có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được nhà nước quản lý chất lượng, trao quyền cho địa phương và không cho phép những người không có thẩm quyền sử dụng CDĐL, hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, loại trừ những mặt hàng của cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng (không cấp quyền sử dụng). CDĐL đang được xem là một công cụ quan trọng cung cấp sự đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi một CDĐL được bảo hộ, cơ chế quản lý và kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như việc duy trì, đảm bảo chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ tạo ra việc làm ổn định cho số lượng lớn người lao động, người dân của địa phương đó.

 

Mặt khác, bảo hộ CDĐL để các sản phẩm đặc sản không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác. Các CDĐL của Bến Tre đóng vai trò như một chứng nhận cho nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, góp phần nâng cao hình ảnh sản phẩm đặc sản của tỉnh, qua đó giúp gia tăng chất lượng và giá trị của chúng, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

 

Với mục tiêu đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa Bến Tre kết nối kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế; Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển TSTT tỉnh Bến tre đến năm 2030. Để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện xác lập quyền bảo hộ CDĐL cho 07 sản phẩm (Chôm chôm, Nghêu, Gà, Bò, Dừa, Tôm biển và Gạo Thạnh Phú), phấn đấu trở thành tỉnh được chứng nhận xác lập quyền CDĐL cho các sản phẩm bản địa nhiều nhất cả nước (13 CDĐL), trong đó có 03 CDĐL được đăng ký bảo hộ nước ngoài (Dừa xiêm xanh, Bưởi da xanh và Sầu riêng), góp phần xây dựng thương hiệu địa phương, đáp ứng đầy đủ pháp lý cho sản phẩm bản địa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường bền vững.

 

 

Những địa phương có CDĐL được bảo hộ còn có thể phát triển du lịch sinh thái nhằm đem lại nguồn lợi kinh tế cao hơn cho người dân địa phương. Đối với Bến Tre, cũng có thể phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng đi này. Du lịch kết hợp với tham quan, thưởng thức trái cây ở các vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh không chỉ làm hài lòng các du khách trong và ngoài nước mà còn góp phần thúc đẩy phát triển, quảng bá thương hiệu các sản phẩm mang CDĐL của tỉnh.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Siêu vật liệu-Xu hướng đổi mới sáng tạo trong công nghệ
• Nghêu Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó