Ứng dụng chế phẩm nấm xanh phòng trừ sâu rầy trên hoa kiểng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Trong canh tác nông nghiệp hiện nay, người dân sử dụng rất nhiều phân hóa học dẫn đến cây tích lũy nhiều nước nên dễ mẫn cảm với sâu, bệnh hại. Các hóa chất bảo vệ thực vật cũng được sử dụng nhiều làm các vi sinh vật có ích trong đất bị tiêu diệt, cấu trúc đất bị phá vỡ, đất bị xói mòn, thoái hóa và suy kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, sức khỏe con người bị tác động bởi các hóa chất độc hại ngày càng nhiều bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tồn dư trong nông sản. Đặc biệt là các chất phân giải, độc hơn hoạt chất ban đầu rất nhiều lần do nông dân không giữ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Hiện nay, các nhà khoa học luôn nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp phòng trừ sinh học để dần dần thay thế cho thuốc hóa học, nhằm giảm thiểu tối đa lượng thuốc hóa học độc hại dùng trong nông nghiệp. Chế phẩm sinh học là một trong những hướng giải quyết hiệu quả về việc đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và an toàn môi trường. Việc ứng dụng sử dụng chế phẩm sinh học đang dần là một lối đi mới trong nông nghiệp. Hiện nay, chế phẩm sinh học đang là sản phẩm đang được rất nhiều người tìm đến bởi chúng có được nhiều ưu thế nổi bật trong việc giúp tăng năng suất, chất lượng, ngăn chặn bớt dịch bệnh và điều đặc biệt chính là yếu tố tích cực đến sức khỏe con người, mang lại các dấu hiệu tốt cho môi trường.

Chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae (M.a) chính là một trong những chế phẩm sinh học để  phòng trừ một số loại sâu hại trên lúa, dừa, rau màu, hoa kiểng…. một cách hiệu quả không gây ảnh hưởng tới thiên địch của sâu hại, hệ sinh thái, con người và môi trường. Vì vậy chế phẩm này rất phù hợp với các loại hoa kiểng được trồng xung quanh nhà. Quy trình nhân nhanh nấm xanh ở quy mô nông hộ rất đơn giản nên người dân có thể tự nhân nhanh nấm xanh để sử dụng nhằm giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phun thuốc hóa học.

Hàng năm, làng nghề hoa kiểng của xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cung cấp hàng triệu cây giống, hoa kiểng các loại cho Đồng bằng Sông Cửu Long và các vùng lận cận khác. Bảo vệ hoa kiểng trước sự tấn công của sâu rầy gây bệnh cho cây trong giai đoạn tăng trưởng và ra hoa là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, thuốc hóa học là biện pháp nhanh nhất khi phát hiện sâu bệnh mà người dân đang sử dụng. Việc phòng ngừa trước khi sâu rầy gây bệnh hiện chưa được người dân quan tâm đúng mức. Từ đó, việc thay đổi phương pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên hoa kiểng đang là vấn đề rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Qua các kết quả nghiên cứu sử dụng chế phẩm nấm xanh M.a từ những năm 2011 đến nay, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (UDTBKHCN) đã từng bước thu nhận các kết quả tốt nhất trừ bệnh trên đối tượng hoa kiểng. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, Trung tâm UDTBKHCN đã tổ chức các lớp tập huấn xây dựng mô hình phòng trừ sâu bệnh trên hoa kiểng bằng nấm xanh tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Những hộ dân trồng hoa kiểng trên địa bàn được hướng dẫn lý thuyết và thực hành nhân giống nấm xanh trên quy mô nông hộ để có thể tự sử dụng trên vườn nhà.

 Lớp tập huấn Xây dựng mô hình trình diễn phòng trừ sâu bệnh trên hoa kiểng bằng nấm xanh tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

 

Mỗi túi nấm xanh 0,5 kg được pha thành 64 lít nước với khoảng 20 cc chất bám dính. Sau khi để lắng yên 10 phút, dung dịch được lọc qua vải có chứa nhiều bào tử nấm xanh M.a. Cho vào dung dịch 10-15ml dầu thực vật, hoặc nước rửa chén hoặc 5cc chất bám dính để tăng khả năng bám dính khi phun. Đối với các loại hoa kiểng có tán lớn dài (mai vàng, bông giấy) ngày phun từ 4-8 cây/bình 16 lít tùy kích thước cây lớn hay nhỏ sao cho ướt đều tán lá. Trong tháng đầu khi sử dụng chế phẩm nấm xanh cần phun với tần suất là 10 ngày phun 1 lần. Sau khi quản lí được lượng bào tử tần suất phun giảm lại 2-3 tuần phun một lần nhằm thường xuyên củng cố mật số bào tử. Đối với các loại hoa kiểng ngắn ngày như: cúc, vạn thọ, đồng tiền,... phun từ 2-3 lần/vụ. Lần 1 khi cây được 15 ngày tuổi. Các lần sau cách lần trước 15-20 ngày.

 Kỹ sư Hồ Thị Kiều Oanh – Chuyên viên phòng Nghiên cứu Ứng dụng (Trung tâm UDTBKHCN) trao đổi, giải đáp thắc mắc của người dân

 

Chế phẩm M.a có hiệu lực cao vào đầu mùa mưa hoặc cuối mùa mưa, vì lúc này ẩm độ không khí cao, thuận lợi cho bào tử nấm M.a sinh trưởng, phát triển và ký sinh trên ký chủ gây hại tốt nhất. Ở các tháng mùa khô,  ẩm độ không khí thấp, hiệu lực của nấm xanh thường thấp hơn. Ứng dụng các biện pháp sinh học bằng nấm ký sinh thay cho việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ côn trùng phá hại đang có hiệu quả khá cao mà giá thành thấp (90.000 đồng/kg nấm xanh), tránh gây mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường.

 Nấm xanh phát triển tốt do người dân tự nhân giống

 

 KS Hồ Thị Kiều Oanh hướng dẫn pha trộn,
sử dụng nấm xanh phun trên hoa kiểng

 

Những hộ dân có nhu cầu sử dụng nấm xanh phòng trừ sâu rầy trên hoa kiểng có thể đến tại cửa hàng Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN, địa chỉ: Số 280, đường 3/2, phường 3, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre hoặc liên hệ số 0753.827522 để đặt mua và hướng dẫn cách sử dụng./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi
• Bến Tre phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam”
• Kiểm định huyết áp kế tại tỉnh Bến Tre
• Thành lập hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
• Nghiệm thu đề tài “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp”
• Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND TP. Cần Thơ về việc biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre
• Tiếp và làm việc đoàn công tác Bộ phận đại diện khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Đài Loan (Trung Quốc), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”