Quy trình kỹ thuật canh tác gấc

Để đa dạng hóa các giống cây trồng phù hợp vùng đất cát bạc màu đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Phú đã thực hiện dự án: Xây dựng mô hình trồng cây gấc phục vụ cho sản xuất dược liệu trên đất giồng tại xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Gấc dễ trồng, chi phi thấp, có giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu cao, có thị trường tiêu thụ. Hiện có những sản phẩm dược liệu sản xuất từ gấc của các công ty dược như: Domesco, Gấc Đông Phương, xí nghiệp Dược Hậu Giang,… Qua thời gian thực hiện, nhóm tác giả đã đưa ra quy trình kỹ thuật canh tác gấc như sau:

 

1. Chuẩn bị đất
Cây gấc phát triển tốt trên đất đồi núi, đất cát pha, đất phèn,… nhưng thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, đất phù sa bồi, đủ ẩm và khả năng thoát nước tốt, pH đất khoảng 5,5-6,8, tốt nhất là 6,0-6,8. Làm cỏ khu đất trồng, có thể lên liếp thấp hoặc đắp mô để trồng gấc. Mặt liếp hoặc mô rộng 1,5-1,8 m, cao 35-40 cm. Tiến hành đào rãnh sâu 30-35 cm, đường kính 70-80 cm để bón vôi bột CaCO3 (300-500g/hố). Tiếp theo là phơi đất 7-10 ngày trước khi trồng để giảm mầm bệnh.

 

2. Làm giàn gấc
Trồng gấc nên làm giàn để thuận lợi cho việc thu hoạch và chăm sóc. Một gốc gấc cần diện tích leo giàn khoảng 16-20 m2, giàn càng rộng thì dây gấc càng dài và sai trái. Có thể sử dụng tràm cừ hoặc tre để làm giàn.

 

3. Trồng cây con: Gấc có thể được trồng bằng hạt hoặc giâm cành.
Trồng bằng phương pháp giâm cành: Hom dây gấc sau khi đã thuần dưỡng và sinh trưởng tốt trong nhà lưới được chọn đem trồng. Bầu đất giâm cành được loại bỏ bọc nylong, đặt cây ở giữa hố rồi phủ đất lại và tưới nước đủ ẩm, dùng rơm rạ khô, sạch để phủ vào gốc và che chắn cây con nhằm hạn chế sự bốc thoát hơi nước. Cần trồng xen một số cây đực để thụ phấn cho trái.
Nếu trồng bằng hạt, cần chọn trái lấy hạt ở những cây có trái to, sai trái, đợi cho trái chín đỏ hoàn toàn mới cho thu trái và nên để cho trái chín rực thêm vài ngày sau đó dùng tay bóp lấy hạt. Trước khi gieo thì cần chà rửa thật sạch lớp nhớt bọc quanh vỏ hạt để hạt dễ nẩy mầm. Hạt được xử lý bằng cách ngâm trong dung dịch axit sulfuric 10% trong khoảng 24h cho vỏ hạt mềm gieo dễ nảy mầm hơn. Hoặc ngâm hạt trong nước ấm khoảng 55-60oC trong thời gian 10-12 giờ cũng cho tỷ lệ nảy mầm cao.
Sau khi xử lý, ươm hạt trong bầu đất cho hạt nảy mầm. Khi cây con cao khoảng 20cm sẽ đem trồng vào các hố đã chuẩn bị sẵn.
Trồng bằng hạt sẽ cho cả cây đực và cả cây cái, nên trồng 2-3 mầm gấc cách nhau trên một hình tam giác đều mỗi cạnh 20cm. Theo dõi khoảng 5 tháng, cây nào có nhiều trái để lại, tỉa bỏ hai cây còn lại.
Mật độ gieo trồng: 500-550 cây gấc/ha. Khoảng cách hố giữa 2 cây là 4m, giữa 2 hàng là 5m.

 

4. Bón phân
Lượng phân bón cần được bón cho mỗi gốc gấc như sau:
* Phân hữu cơ ủ hoai với lượng 5kg phân hữu cơ.
* Phân vô cơ: Tổng lượng phân bón vô cơ cho mỗi gốc gấc trong 1 vụ (6 tháng) gồm lượng đạm (N) bón khoảng 80g N nguyên chất tương đương 170 g urê; lượng lân (P) bón 30-40g P  tương đương  200g super lân; lượng kali (K) bón 120g K2O khoảng 200g phân kali (KCl).
Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, toàn bộ phân lân, 10g urê và 10g kali được trộn đều với đất trong hố trước khi trồng.
- Tưới phân vào gốc gấc vào 15 ngày sau khi trồng (NSKT): 20g urê và 20g kali.
- Bón thúc vào các giai đoạn sau:
1 tháng sau khi trồng bón 25g urê, 20g kali
2 tháng sau khi trồng bón: 30g urê, 30g kali
3 tháng sau khi trồng bón: 40g urê, 30g kali
4 tháng sau khi trồng bón: 45g urê, 40g kali
5 tháng sau khi trồng bón hết lượng phân kali còn lại là 50g kali
Khi bón nên xới cách gốc 20-30 cm, bón phân trộn đều với đất và lấp lớp đất mỏng lên diện tích bón phân.

 

5. Chăm sóc
Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng không chịu được úng, do đó phải tưới đủ nước và thoát nước ở vùng rễ. Cây gấc cần nước nhiều nhất ở giai đoạn ra hoa và phát triển trái; thiếu nước trong giai đoạn này sẽ làm hoa rụng, trái phát triển kém.
Giai đoạn cây con (1-15 NSKT) tưới 1-2 lần trong ngày vào sáng sớm và chiều tối. Giai đoạn gấc bắt đầu leo giàn đến trổ hoa tưới 1 lần trong ngày và khi tạo trái đến thu hoạch tưới 2 ngày một lần trong mùa khô (không mưa). Ngừng tưới khi đất còn quá ẩm.
Khi dây gấc dài khoảng 0,5 m thì dẫn cho gấc leo và phân bố đều lên giàn. Thân chính của gấc phát triển trên 3 m, dùng kéo cắt bỏ ngọn thân chính của dây để kích thích các nhánh phụ phát triển mạnh, đây là những nhánh có khả năng mang trái nhiều. Tỉa bỏ các dây bơi ở gần gốc vì chúng ít mang trái hoặc những dây không mang trái để tạo điều kiện thông thoáng, cây ít bị sâu bệnh.
Khi bón phân, kết hợp với làm cỏ và xới nhẹ đất quanh gốc cách gốc 25-30 cm giúp đất tơi xốp, để kích thích bộ rể phát triển; tiến hành bắt sâu và cắt bỏ các nhánh, lá bị bệnh và phun thuốc khi cần thiết.

 

6. Xử lý‎ để gốc gấc
Thời tiết bình thường, sau khi hái trái, cây gấc đã rụng lá gần hết, dùng dao cắt dây gấc đã rụi, chừa lại một đoạn gốc dài 60-80 cm trên mặt đất, sau đó đào hố hình vành khăn, bón phân rồi lấp đất lại và tưới nước để gốc tái sinh chồi mới.

 

7. Phòng trừ sâu bệnh hại gấc
Gấc là loại cây trồng có ít sâu bệnh, tuy nhiên có thể có một số sâu bệnh hại xuất hiện. Cần lưu ý trái gấc được sử dụng để sản xuất dược liệu và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cần ưu tiên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp và biện pháp sinh học để phòng ngừa sâu bệnh hại gấc. Khi cần thiết phải sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh phải lựa chọn các loại thuốc gốc cúc tổng hợp, ít độc hại và cần có thời gian ngừng sử dụng thuốc hợp lý để đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm khi thu hoạch. Một số loại sâu, bệnh có thể hiện diện trên cây gấc như:
a. Về sâu hại: Thường gặp là ruồi đục trái, sâu ăn lá, rệp sáp dính,....
* Ruồi đục trái (Dacus cucurbitae hay Bactrocera cucurbitae)

 
 Ruồi đục trái gây hại trên gấc (A), Ruồi tấn công trên trái (B),
làm cho trái bị thối (C).

 

Ruồi có hình dáng tương tự ruồi đục trái cây (Bactrocera dorsalis), chỉ khác ở phần ngực có thêm một vạch vàng ngay chính giữa.
Biện pháp phòng trị:
- Bao trái tránh ruồi đẻ trứng vào.
- Thu gom toàn bộ những quả bị ruồi gây hại tiêu huỷ ngay để giảm mật độ ruồi lứa sau.
- Sử dụng bẫy dẫn dụ như Pheromol để tiêu diệt ruồi trưởng thành.
- Dùng chế phẩm protein thủy phân để trị cả thành trùng và ấu trùng.
- Phun ngừa bằng các loại thuốc gốc cúc ít độc như: Cyperan 10 EC, Cymrin 10 EC.  
* Sâu ăn lá (Diaphania sp.)
- Sâu màu xanh lá cây nhạt, thường có hai sọc trắng trên lưng chạy dọc theo cơ thể.
- Sâu có tập quán là dùng tơ cuốn các đọt non lại và ở bên trong ăn phá. Khi sâu lớn có thể cắn trụi cả lá và chồi ngọn của đọt non.
- Sâu còn ăn trái non làm cho trái bị thối và rụng. Khi trái lớn sâu thường ẩn ở mặt dưới, nơi phần trái chạm mặt đất và cạp lớp da bên ngoài làm trái bị lép nơi đó và da trái bị loang lổ.     
Biện pháp phòng trị:
- Theo dõi mật số khi cây bắt đầu leo giàn để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời
- Có thể dùng tay bắt sâu khi mật số còn ít
- Nếu cần có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Ace 5EC, Carmethrin 25EC, Anitox 50SC,  trước khi sâu cuốn lá lại.
b. Về bệnh hại: Thường gặp là bệnh thán thư do nấm, bệnh phấn trắng, bệnh héo xanh, bệnh sương mai, bệnh đốm lá...
* Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp.
- Bệnh gây hại trên hoa, cuống trái, trái non và cả trái chín. Vết bệnh trên trái có màu nâu tròn, lõm, khi bệnh nặng các vết này liên kết thành mảng to gây thối trái và làm trái rụng sớm.
Biện pháp phòng trị:
- Cắt tỉa cành lá bị nặng và tiêu  hủy
- Cần làm giàn cao thoáng, đảm bảo đủ diện tích cho gấc leo.
- Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau Manzate 200 WP, Mancozeb 80WP, Antracol 70W.
* Bệnh phấn trắng ( powdery mildew do nấm Oidium sp.)
Bệnh gây hại nặng giai đoạn khi hậu khô lạnh và có sương mù. Nấm tấn công mặt dưới lá tạo những đốm vàng nhạt mặt trên lá. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô và rụng.
Biện pháp phòng trị:
Có thể phun thuốc hoá học như Rhidomil Gold, Dithane, Daconil, phủ đều mặt lá.  

8. Đánh giá chất lượng mẫu trái
Sau khi thu hoạch, tiến hành thu mẫu để phân tích và đánh giá chất lượng sản phẩm.

 

9. Thu hoạch và tồn trữ
Sau khi trồng 5-6 tháng thì có thể thu hoạch trái. Bên cạnh đó, gấc là loại quả chín không đồng đều, có thời gian thu hoạch dài ngày, nên thu hoạch khi trái chuyển từ màu xanh sang chín đỏ. Gấc có giá trị dinh dưỡng cao khi đạt độ chín đỏ khoảng 2/3 trái, không nên để trái chín muồi trên giàn. Dùng kéo cắt cuống trái chừa một đoạn dài 8-10cm, xếp vào giỏ có lót giấy. Sau khi thu hoạch nên để nơi thoáng mát để giúp hàm lượng carotenoid được duy trì tốt hơn.

Trích kết quả dự án “Xây dựng mô hình trồng cây gấc phục vụ cho sản xuất dược liệu trên đất giồng tại xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi
• Bến Tre phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam”
• Kiểm định huyết áp kế tại tỉnh Bến Tre
• Thành lập hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
• Nghiệm thu đề tài “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp”
• Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND TP. Cần Thơ về việc biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre
• Tiếp và làm việc đoàn công tác Bộ phận đại diện khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Đài Loan (Trung Quốc), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”