Xác định phương pháp dự báo sạt lở và lập hành lang ổn định bờ sông

Ngày 15/05/2007, Hội  đồng Khoa học Công nghệ chuyên ngành tỉnh Bến Tre đã nghiệm thu đề tài: “Xác định phương pháp dự báo sạt lở và lập hành lang ổn định bờ sông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre”. Đề tài được triển khai từ năm 2004, do Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam chủ trì thực hiện với mục tiêu: đề xuất các phương pháp dự báo sạt lở  bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh; xác định hành lang ổn định cho các khu vực bờ sông bị sạt lở trọng điểm, phục vụ cho việc bảo vệ tài sản, con người và phát triển kinh tế-xã hội; các giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở khu vực trọng điểm.

Để xác định phương pháp dự báo sạt lở và lập hành lang ổn định bờ sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát thực địa tình hình xói, lở bờ tại các sông: Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Tho-Cửa Đại, Ba Lai, Bến Tre-An Hóa, Mỏ Cày, Chợ Lách, Vàm Cái Quao. Qua khảo sát, hầu hết các đường bờ tại các sông trên địa bàn tỉnh đều bị sạt lở ở mức độ bình quân 3-5m/năm, sông Cổ Chiên bị sạt lở nặng nhất với 35,5km bờ bị sạt lở từ 0,5-10m/năm. Từ phân tích  các diễn biến địa hình bờ, lòng sông, hình thái sông đề tài đã xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng xói lở bờ và bồi lắng lòng các sông chính là do dòng nước, nền địa chất bờ sông khá mềm yếu thúc đẩy nhanh quá trình sạt lở; dòng chảy ngầm từ bờ là nguyên nhân tạo nên xâm thực ngang lòng sông đối với những nơi đất bờ sông có kết cấu rời rạc; sóng do các loại tàu thuyền hoạt động trên sông với mật độ lớn cũng làm tăng nhanh quá trình sạt lở bờ sông; riêng hiện tượng bồi lắng mạnh mẽ tại các vùng cửa sông phần lớn do phù sa từ thượng nguồn đổ về. Song song với các nguyên nhân này, hiện tượng xói lở bờ sông còn do quá trình khai thác các bãi bồi, khai thác cát trên sông, các công trình xây dựng dọc theo bờ sông làm thay đổi điều kiện dòng chảy và lòng dẫn, gây mất ổn định hình thái lòng sông dẫn đến tình trạng xói lở bờ ngày càng nghiêm trọng trên các tuyến sông, rạch. Cơ chế của quá trình sạt lở xảy ra như sau: lớp đất mềm yếu, lớp cát phía dưới bị xói nhanh hơn lớp đất mặt làm cho mái bờ sông dốc và bị sạt lở tạo cho mái bờ sông mới có tính ổn định tạm thời. Sau đó lớp đất phía dưới bị xói nhanh hơn lớp đất trên mặt và làm cho mái bờ sông lại trở nên dốc và tiếp tục cho một đợt lở mới; sạt lở bắt đầu từ hiện tượng xuất hiện các vết nứt trên mặt bờ sông với chiều dài từ 5m có nơi đến 20m, có khi sát mép nước có khi cách bờ từ 3 -15m.

Từ phân tích những nguyên nhân sạt lở các sông rạch trong tỉnh, đề tài đã sử dụng phương pháp tính tốc độ xói lở bờ sông bằng: công thức kinh nghiệm (công thức Povov sử dụng với đoạn sông thẳng và công thức Ibadzade, Turin đối với đoạn sông cong); mô hình toán Mike 11 và Mike 21C và phương pháp viễn thám. Qui trình dự báo sạt lở bờ sông qua nghiên cứu của đề tài căn cứ vào: tốc độ sạt lở bờ trong những năm gần đây; vị trí lạch sâu đến bờ, xu thế dịch chuyển; mái dốc thềm bờ sông; địa chất bờ sông, kết quả tính toán bằng phương pháp kinh nghiệm và bằng các mô hình Mike 11 và Mike 21. Có thể chia  cảnh báo xói lở bờ sông, rạch trong tỉnh Bến Tre theo hai mức độ: uy hiếp mức độ I (xói lở có xu thế gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng con người, gây hậu quả lớn về mặt kinh tế) và uy hiếp mức độ II (xói lở có xu thế gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân, gây thiệt hại kinh tế nhưng chưa tới mức nghiêm trọng).

Dựa vào kết quả đo đạc và khảo sát trong những năm gần đây, hai khu vực bị sạt lở nghiêm trọng hiện nay là: sông Vàm Cái Quao (Mỏ Cày) và sông An Hóa (Châu Thành). Phương hướng  phòng chống xói lờ bờ sông được xem là khả thi nhất hiện nay đối với hai khu vực này là: trồng các loại cây chống xói, kè bờ bằng cừ bê tông cốt thép dự ứng lực hoặc kè bảo vệ bờ lát mái nghiêng bằng thảm bê tông lưới thép tự chèn.

Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định hành lang an toàn trên bờ sông, rạch kết hợp với những kết quả đúc kết qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, đề tài đã đề xuất hành lang an toàn ven sông nhằm bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ: công tác quy hoạch, phát triển bố trí cơ sở hạ tầng, các khu dân cư; công tác phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai do sạt lở bờ gây ra.  Hành lang an toàn ven sông tại các khu vực sạt lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh xây dựng tính từ mép bờ cao của các khu vực là: 50m đối với sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Tho, Cửa Đại và 20-30m đối với các sông Ba Lai, Mỏ Cày, Chợ Lách, Bến Tre, An Hóa, Vàm Cái Quao.

Với những kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu với đánh giá xếp loại khá. Hội đồng đã đánh giá cao tính khả thi của đề tài trong quy hoạch phòng chống thiên tai các vùng ven sông Bến Tre. Đề tài  hỗ trợ các ban ngành chức năng quản lý về vấn đề sạt lở trên cơ sở những phương pháp dự báo trước được hiện tượng sạt lở qua các nội dung nghiên cứu, khảo nghiệm của đề tài và có định hướng  qui hoạch điều chỉnh các khu dân cư ven sông hợp lý đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi
• Bến Tre phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam”
• Kiểm định huyết áp kế tại tỉnh Bến Tre
• Thành lập hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
• Nghiệm thu đề tài “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp”
• Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND TP. Cần Thơ về việc biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre
• Tiếp và làm việc đoàn công tác Bộ phận đại diện khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Đài Loan (Trung Quốc), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”