Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý

Vùng không gian địa giới hành chính của 08 xã thuộc 3 huyện ven biển Bến Tre, gồm: các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh của huyện Thạnh Phú; huyện Ba Tri: xã Tân Mỹ; huyện Bình Đại: Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức và Đại Hòa Lộc là khu vực chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của xoài Tứ Quý Bến Tre đã được bảo hộ và có các dấu hiệu nhận diện trên thị trường làm công cụ cạnh tranh thương mại.

 

 

Xoài tứ quý là một trong những loại trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre. Sản phẩm có chất lượng tốt, cho thu hoạch quanh năm và được thị trường các tỉnh phía Bắc tin dùng. Để cạnh tranh và nâng cao giá trị, sản phẩm cần có dấu hiệu nhận diện trên thị trường. Xây dựng thương hiệu “Xoài Tứ Quý Bến Tre” thông qua CDĐL là cách tiếp cận phổ biến trên thế giới và Việt Nam dùng cho những nông sản có chất lượng đặc thù nhờ các điều kiện tự nhiên và kỹ năng của vùng sản xuất. Từ danh tiếng/uy tín của sản phẩm trên thị trường và trong xã hội; những đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm; những yếu tố địa lý tạo ra chất lượng đặc thù của sản phẩm; vùng sản xuất đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm. Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận bảo hộ CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm xoài quả của tỉnh Bến Tre theo Quyết định số 5371/QĐ-SHTT ngày 10/11/2022.

 

Xoài Cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu và xoài Yên Châu là những sản phẩm có chất lượng tốt và đã được bảo hộ CDĐL tại Việt Nam. Tỉnh Bến Tre có giống xoài Tứ Quý trồng tập trung tại vùng đất cát ven biển với diện tích gần 400 ha, năng suất trên 30 tấn/ha/năm, cho thu nhập 250-350 triệu đồng/năm/ha. “Xoài Tứ Quý Bến Tre” có ngoại hình đẹp, chất lượng trái tốt, thu hoạch quanh năm, ít nhiễm sâu bệnh và thời gian lưu trữ lâu. Sản phẩm có giá bán lẻ tại các hệ thống thương mại hiện đại từ 40.000-50.000 đồng/kg.

 

Các yếu tố tạo ra danh tiếng của “xoài Tứ Quý Bến Tre”


Về không gian địa lý, Bến Tre được mệnh danh là vùng đất của nhiều loại trái cây nổi tiếng như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng… do nằm ở hạ lưu sông Mekong, nơi có mật độ sông ngòi dày đặc bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm mang theo 1 lượng phù sa rất lớn. Trong đó vùng trồng xoài Tứ Quý của Bến Tre chịu tác động của 2 nguồn nước ngọt từ hệ thống sông Mekong và nước mặn từ biển Đông nên xoài có vị ngọt đậm và hơi mặn.

 

Bến Tre là nơi đầu tiên lai tạo thành công giống xoài Tứ Quý vào năm 1982, tác giả giống là một nông dân huyện Chợ Lách. Xoài là cây nhiệt đới thích hợp với loại đất thịt pha cát có tầng hữu hiệu dày. Giống xoài Tứ Quý đã được nhân rộng sản xuất tại các tỉnh miền Tây và miền Đông của vùng Nam bộ nhưng chỉ có vùng đất cát ven biển nhiễm mặn như Bến Tre mới có chất lượng tốt và năng suất ổn định.

 

Chất lượng đặc thù của sản phẩm xoài tứ quý Bến Tre


Phân tích cảm quan và lý hóa trái xoài tứ quý trồng tại Bến Tre và 2 đối chứng tại huyện Cờ Đỏ – Cần Thơ và huyện Cái Bè – Tiền Giang (Bảng 1), xử lý thống kê với độ tin cậy Anova 95%, xác định được những đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm đăng ký CDĐL “Xoài Tứ Quý Bến Tre” (Bảng 1).

 

Bảng 1. Đặc tính khác biệt giữa xoài tứ quý trồng tại Bến Tre và đối chứng

 

Ghi chú: Mức độ phân loại theo các mức x/5. Bề mặt trái: Nhắn, bóng 5; nhẵn 4; nhẵn, có vết đốm 3; Không nhẵn, có vết đốm 2; xù xì 1. Thịt: Chắc, ít xơ 5; Chắc, ít xơ (Khí có 1/3 chỉ tiêu không đạt) 4; Chắc, ít xơ (Khi có 2/3 chỉ tiêu không đạt) 3; Mềm, có xơ; Nhũn, nhiều sơ 1. Vị xoài xanh: ngọt, chua nhẹ 5; Ít ngọt, chua nhẹ 4; không ngọt, chua nhẹ 3, không ngọt, chua 2, không ngọt, rất chua 1. Vị xoài chín: ngọt đậm, hơi mặn 5, ngọt không đậm 4, ngọt 3, ngọt nhẹ 2, không ngọt 1.


Kết quả trên cho thấy, xoài Tứ Quý của Bến Tre có độ chắc thịt quả cao hơn đối chứng từ 1,9–2,9 N, hàm lượng Sodium (Na) trong thịt quả cao hơn đối chứng từ 0,69–0,9 % có ý nghĩa về mặt thống kê.

 

Dán tem truy suất nguồn gốc sản phẩm mang CDĐL xoài Tứ Quý Bến Tre.

 

Các yếu tố thổ nhưỡng quyết định đến chất lượng đặc thù sản phẩm


Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng và kỹ thuật sản xuất xoài tứ quý tại Bến Tre và 2 vùng đối chứng tại huyện Cờ Đỏ – Cần Thơ và huyện Cái Bè – Tiền Giang, rút ra các yếu tố địa lý (tự nhiên và con người) ảnh hưởng đến một số đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm “Xoài Tứ Quý Bến Tre”. Phân tích các chỉ tiêu lý hóa của đất trồng xoài tứ quý tại Bến Tre và 2 vùng đối chứng Cờ Đỏ – Cần Thơ, Cái Bè – Tiền Giang (Bảng 2).

 

Bảng 2. Đặc điểm nông hóa đất giữa các vùng trồng xoài Tứ Quý

 

 

Nguồn: Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

Về mặt thổ nhưỡng, đất trồng xoài Tứ Quý tại Bến Tre thuộc nhóm đất cát ven biển nhiễm mặn, khác với 2 vùng đối chứng (Cần Thơ và Tiền Giang) thuộc nhóm đất phù sa chua phèn được bồi hàng năm.

 

Cây xoài Tứ Quý của Bến Tre được duy trì và phát triển trên nhóm đất giồng cát ven biển (các huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri). Đất có địa hình cao, hình thành từ các vật liệu cát thạch anh và một số khoáng vật khác. Quá trình phong hóa tạo ra tầng mặt có thành phần cơ giới thịt nhẹ, hạt cát (kích cỡ hạt 0,2-2 mm) chiếm 60-70%, đất có độ xốp 16-20%, phản ứng chua ở tầng mặt và trung tính ở các tầng dưới, hàm lượng hữu cơ 0,79-1,2%, mức độ khoáng hóa cao C/N: 5-7, độ phì thấp (N 0,03-0,08%, P2O5 tổng số 0,04-0,08%, P2O5 dễ tiêu 2-4 mg/100g, đặc biệt đất bị nhiễm hưởng mặn. Ảnh hưởng cụ thể của đất trồng đến chất lượng đặc thù của “Xoài Tứ Quý Bến Tre” như sau:

 

Cát là thành phần cơ giới chính nên khả năng cung cấp nước cho cây xoài thấp. Vì vậy, hàm lượng H2O trong quả của “xoài Tứ Quý Bến Tre” thấp, thịt quả trở nên giòn khi xanh và chắc khi chín. Một số vùng trồng cây ăn quả của Việt Nam đã sử dụng kỹ thuật siết gốc, siết cành để giảm hàm lượng H2O trong trái cây ăn quả.

 

Đất giồng cát ven biển bị nhiễm mặn nên hàm lượng Sodium (Na) xuất hiện trong quả. Vì vậy, thịt quả có vị ngọt đậm pha lẫn mặn nhẹ khi chín.

 

Kỹ thuật canh tác quyết định đến chất lượng đặc thù sản phẩm


Giống xoài tứ quý có đặc điểm sinh học cho trái quanh năm, cùng 1 thời điểm trên cây có cả hoa, quả non và quả chín. Kỹ thuật sản xuất xoài tứ quý giữa Bến Tre và 2 vùng đối chứng (Cần Thơ và Tiền Giang) có sự khác nhau (Bảng 3).

 

Bảng 3. Một số kỹ thuật sản xuất riêng của vùng xoài tứ quý Bến Tre

 

Nguồn: Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

Điều này góp phần tạo cho sản phẩm của Bến Tre có một số đặc tính khác biệt so với 2 sản phẩm cùng loại của Cần Thơ và Tiền Giang̉, cụ thể:

Tại Bến Tre, định quả sau khi rụng sinh lý 10-15 ngày và chỉ giữ 3-4 trái/cuống (các vùng đối chứng duy trì số quả/cuống một cách tự nhiên). Kỹ thuật này giúp cho trái xoài tứ quý tại Bến Tre to và có độ đồng đều về kích thước cao hơn đối chứng.

 

Tại Bến Tre, định quả và bao trái được thực hiện cùng thời điểm. Trái được bao từ lúc còn non cho đến khi thu hoạch đã hạn chế sâu bệnh hại (các vùng đối chứng không sử dụng kỹ thuật này). Vì vậy, xoài tứ quý tại Bến Tre có bề mặt nhẵn và bóng hơn so với 2 đối chứng.

 

Tại Bến Tre, quả xoài được thu hoạch từ 30-40 ngày tính từ khi ra hoa và theo màu sắc của túi bao trái. Vì vậy, mức độ đồng đều về độ chín của xoài tứ quý tại Bến Tre cao hơn so với đối chứng.

 

Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm mang CDĐL


CDĐL là một loại tài sản công, gắn liền với khu vực địa lý và phương thức sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc thù. Đặc tính khác biệt là lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị của sản phẩm mang CDĐL. Để duy trì niềm tin tiêu dùng, sản phẩm mang CDĐL phải xác thực về chất lượng, quá trình kiểm soát và chứng nhận, khả năng truy xuất nguồn gốc… để không bị giả nhái và lạm dụng khi thương mại.Vì vậy, cần thiết lập hệ thống quản lý CDĐL phù hợp nhằm duy trì chất lượng và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.

 

 

Hệ thống quản lý CDĐL “Xoài tứ quý Bến Tre” được xây dựng trên cơ sở ngăn chặn và giảm thiểu các mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tên gọi thương mại (vùng trồng, giống, kỹ thuật sẩn xuất, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chất lượng thành phẩm, logo, tem nhãn…). Đồng thời, quản lý CDĐL phải phù hợp với thực tế sản xuất và thương mại hóa sản phẩm (Hình 2). Trong đó, các cơ quan chuyên môn của địa phương (khoa học công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn…) đóng vai trò kiểm soát độc lập và hỗ trợ; nâng cao vai trò chính của các chủ thể kinh tế (doanh nghiệp hoặc HTX) trong kiểm soát vùng nguyên liệu.

 

Vườn xoài Tứ Quý mang CDĐL Bến Tre.


Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
• Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ năm 2024