Hành lang pháp lý mở lối cho mạng 5G Việt Nam
Ngày 31 tháng 3 năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN, quy định về yêu cầu kỹ thuật và đo lường đối với thiết bị vô tuyến điện hoạt động trong băng tần E (71–76 GHz và 81–86 GHz). Đây là một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho việc sử dụng băng tần tốc độ siêu cao này – vốn được coi là “đại lộ không gian” cho truyền dẫn tốc độ siêu cao.
![]() |
Hình ảnh trạm BTS phủ sóng mạng di động. Ảnh PBN. |
Trong xu thế chuyển đổi số và bùng nổ của Internet vạn vật (IoT), việc triển khai mạng 5G diện rộng không thể thiếu một hạ tầng truyền dẫn đủ mạnh và ổn định. Băng tần E với ưu thế băng thông rộng, độ trễ thấp và khả năng truyền tải lên đến hàng chục Gbps là giải pháp tối ưu để thiết lập các liên kết vô tuyến tốc độ cao, kết nối các tính hiệu 5G mà không cần kéo cáp quang tốn kém.
Việc Bộ KH&CN ban hành Thông tư 02 đánh dấu một bước tiến chiến lược về thể chế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng 5G quốc gia. Không chỉ đơn thuần là văn bản kỹ thuật, Thông tư 02 là cú hích quan trọng để chuẩn hóa thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an toàn phổ tần các yếu tố cốt lõi giúp thị trường thiết bị truyền dẫn 5G phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, đây là một cơ hội vàng để thu hẹp khoảng cách hạ tầng số, đón đầu làn sóng đầu tư vào các ngành kinh tế số, nông nghiệp thông minh và du lịch xanh.
Với địa hình phân tán, sông ngòi chằng chịt, việc triển khai hạ tầng cáp quang tại Bến Tre gặp không ít khó khăn. Việc ứng dụng các thiết bị truyền dẫn sử dụng băng tần E sẽ giúp địa phương thiết lập mạng truyền dẫn tốc độ cao mà không cần phụ thuộc vào hạ tầng vật lý truyền thống, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian triển khai.
Thông tư 02 không chỉ là một tài liệu kỹ thuật nó là biểu hiện của tầm nhìn chiến lược, thể hiện tầm nhìn đi trước đón đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tạo nền tảng để công nghệ bứt phá. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ mới như băng tần E chính là điều kiện tiên quyết để bắt kịp và dẫn đầu trong khu vực.
Với nền móng pháp lý được củng cố, các địa phương như Bến Tre có cơ hội chuyển mình, từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống thành một địa phương có nền kinh tế hiện đại và hội nhập nhờ vào ứng dụng công nghệ số, tạo ra sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong kỷ nguyên số.