Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phát triển năng lượng hydrogen theo chuỗi giá trị gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế hydrogen. Ngày 18/02/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 897/UBND-KT triển khai Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt các nội dung có liên quan theo Quyết định nêu trên.

 

Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

 

Về sản xuất năng lượng hydrogen


Giai đoạn đến năm 2030: triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong thu giữ/sử dụng các-bon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí,…). Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 100 – 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.

 

Đến năm 2050: tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong thu giữ/sử dụng các-bon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí,…). Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

 

Về sử dụng năng lượng hydrogen


Đến năm 2030: từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen phù hợp và đồng bộ với lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, xi măng, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), thương mại và dân dụng. Triển khai áp dụng thử nghiệm năng lượng có nguồn gốc hydrogen trong một số lĩnh vực có khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý, cụ thể:

 

Sản xuất điện: Nghiên cứu triển khai thí điểm đồng đốt khí với hydrogen và than với ammoniac tại các nhà máy điện khí, điện than để chuẩn bị cho việc thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng có nguồn gốc hydrogen.

 

Giao thông vận tải: Nghiên cứu triển khai thí điểm áp dụng năng lượng hydrogen cho các phương tiện giao thông vận tải công cộng và vận tải đường dài.

 

Công nghiệp: Nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng năng lượng hydrogen xanh thay thế hydrogen xám trong sản xuất phân bón, lọc hóa dầu; thí điểm sử dụng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen trong sản xuất thép xanh, xi măng,… ít phát thải.

 

Định hướng đến năm 2050: Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử các-bon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050, trong đó: Sản xuất điện: Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện khí và điện LNG sang sử dụng hydrogen, các nhà máy điện than sang sử dụng ammoniac theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công nghiệp: Thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydrogen trong sản xuất phân bón, công nghiệp lọc hóa dầu, thép và xi măng để khử các- bon lĩnh vực công nghiệp. Giao thông vận tải: Thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen cho các phương tiện giao thông vận tải phù hợp với lộ trình chuyển đổi xanh ngành giao thông vận tải. Hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các dạng năng lượng khác. Phấn đấu tỷ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.

 

Về tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen


Giai đoạn đến năm 2030: Nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng phục vụ tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý. Nghiên cứu xây dựng thí điểm các trung tâm/cơ sở sản xuất thiết bị chuyên dụng phục vụ vận chuyển, tồn trữ, phân phối năng lượng hydrogen. Nghiên cứu xây dựng thí điểm các hệ thống phân phối năng lượng hydrogen cho lĩnh vực giao thông ở các tuyến đường và khu vực có điều kiện thuận lợi.

 

Định hướng đến năm 2050: Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng tồn trữ, phân phối và sử dụng hydrogen với quy mô thị trường khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm. Triển khai mở rộng và hoàn thiện các hệ thống phân phối hydrogen cho lĩnh vực giao thông trong phạm vi cả nước phù hợp với xu thế chung của thế giới.

 

Về xuất khẩu năng lượng hydrogen


Giai đoạn đến năm 2030: Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,…) và lợi thế về vị trí địa lý, khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh và hiệu quả kinh tế.

 

Định hướng đến năm 2050: Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.

 

Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại Bến Tre


Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã qui định: Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tập trung đầu tư phát triển dự án điện gió, khí hóa lỏng (LNG); nghiên cứu các dự án điện rác và điện sinh khối; phát triển nguồn năng lượng hydro xanh; xây dựng, cải tạo nâng cấp và phát triển mới hạ tầng lưới điện.

 

Công nghiệp sản xuất và phân phối điện: Đẩy mạnh triển khai các dự án điện gió, phấn đấu đến năm 2030 công suất của các nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6.400 MW (gồm cả các dự án không đấu lưới phục vụ sản xuất hydro xanh). Thực hiện xúc tiến đầu tư dự án điện khí hóa lỏng (LNG); nghiên cứu các dự án điện rác và điện sinh khối.

 

Xây dựng, cải tạo nâng cấp, phát triển mới hạ tầng lưới điện phù hợp với quy hoạch điện quốc gia, vùng, tỉnh, đảm bảo truyền tải và cung cấp nguồn điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội nhất là phục vụ sản xuất công nghiệp và các khu đô thị.

 

Công nghiệp sản xuất Hydro xanh, Amoniac xanh: Từng bước thu hút đầu tư, nghiên cứu xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nguồn năng lượng hydro xanh, Amoniac xanh trên địa bàn tỉnh; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến sản xuất hydro xanh, amoniac xanh từ quá trình điện phân nước; sản xuất hydro từ các nguồn nguyên liệu sinh khối nhằm góp phần hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nguồn năng lượng này và đảm bảo các vấn đề về môi trường sinh thái.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022
• Thạnh Phú phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022