Cha đẻ của những cảng biển nước sâu miền Trung

imageTiến sĩ Trương Đình Hiển tám tháng ròng rã lặn lội trên những nỗng cát, với sự giúp đỡ đắc lực của đồng nghiệp và những người dân địa phương, những cơ sở khoa học chắc chắn nhất cho việc lập dự án lựa chọn địa điểm cho cảng nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất đã được hoàn thành. Đây cũng là một kỷ lục về thời gian đối với một chương trình nghiên cứu động lực học ven biển cũng như những điều kiện tự nhiên khác cho đến thời điểm này. Và chi phí cho toàn bộ chương trình khảo sát nghiên cứu này (bao gồm cả việc mua sắm một số trang thiết bị đo đạc), trị giá khoảng 20 lượng vàng, do Tiến sĩ Hiển tự đi vay mượn để thực hiện.

Ở thời điểm cuối năm 1992 đó, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hiển đã kết luận rằng có hai vị trí thích hợp tại miền Trung để xây dựng cảng biển nước sâu. Điều đó có nghĩa là nhóm nghiên cứu cùng lúc khảo sát thực tế cho cả dự án cảng nước sâu Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên nhóm nghiên cứu quyết định chỉ trình dự án Dung Quất vì sợ giới thiệu cả hai cùng một lúc, có thể chính phủ sẽ làm theo thói quen là chọn một bỏ một.

Sinh ra ở Hội An (Quảng Nam) năm 1941, trong kháng chiến chống Pháp Tiến sĩ Hiển theo cha mẹ vào sống và học tập trong vùng giải phóng Liên khu 5. Năm 1954 ông theo gia đình tập kết ra Bắc và học cùng lớp với những con người nổi tiếng như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Lâm Quang Nho, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Minh Nhân… Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được chọn làm nghiên cứu sinh tại Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Có lẽ do sự sắp đặt may mắn của số phận, ngay từ những ngày đầu tiên ông đã được gặp gỡ Giáo sư V.B. Stockman, một nhà khoa học hàng đầu thế giới về động lực học biển và là một người thầy vĩ đại. Năm 1967, khi nghe Tiến sĩ Hiển chọn lựa cho mình đề tài Giải bài toán phi tuyến về dòng chảy biển, Giáo sư Stockman đã góp ý với ông rằng: nếu đi theo hướng này anh có thể nổi tiếng về mặt lý thuyết. Nhưng Việt Nam đang rất cần những nhà khoa học giỏi giải quyết các vấn đề thực tiễn. Những lời tâm huyết đó đã làm thay đổi con đường nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Hiển. Với đề tài Cấu trúc cở trung bình của dòng chảy trong đại dương, Tiến sĩ Hiển đã xác lập cho mình một nền tảng ban đầu cho 140 công trình nghiên cứu về động lực học biển sau này.

Và Tiến sĩ Hiển đã trung thành với con đường lựa chọn của mình. Trước năm 1992, trong lúc đang có một công việc ổn định với mức thu nhập khá cao trong Liên doanh dầu khí Việt Xô, ông đã nói lời chia tay để về làm việc tại Phân viện Vật lý Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ đây, cùng với những cộng sự đầy nhiệt huyết của mình như Bùi Quốc Nghĩa, Trần Văn Sâm, Tiến sĩ Hiển đã lặng lẽ tiến hành những chuyến khảo sát dọc ven biển miền Trung với một câu hỏi day dứt: miền Trung của mình sẽ còn loay hoay với cái nghèo đến bao giờ?

Ban đầu, bản tóm tắt dự án nghiên cứu sơ bộ về cảng nước sâu Dung Quất do Tiến sĩ Hiển gửi đến UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được rất nhiều sự nghi ngờ, phân vân. Ngày xưa, thời Pháp và Mỹ chiếm đóng rồi cả sau này đã có hàng chục đoàn chuyên gia khảo sát thuộc nhiều cơ quan đơn vị khác nhau “quần nát” dải bờ biển miền Trung nhưng tuyệt nhiên chưa có một nhận định nào cho rằng Quảng Ngãi có điều kiện và có chỗ để xây dựng cảng biển nước sâu. Phải đến khi dự án được thẩm định bởi các công ty tư vấn nổi tiếng của Nhật Bản và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994, mọi nghi ngờ mới tan biến. Lập luận của Tiến sĩ Hiển và các cộng sự của ông rất dứt khoát: cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất không chỉ tạo ra bước phát triển chiến lược trong việc hình thành nhanh chóng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế này về phía bắc đến đường 9 Quảng Trị, về phía nam đến đường 19 Quy Nhơn, tiếp sức cho Hành lang Kinh tế Đông Tây đồng thời mở ra khả năng hội nhập cho Tây Nguyên, kể cả trong chiến lược bảo vệ tổ quốc.

Theo yêu cầu của ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng đương nhiệm lúc đó, mùa xuân năm 1996 Tiến sĩ Hiển đã trình bày dự án Chân Mây. Ngay trong năm đó dự án này được Chính phủ phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó đã đánh giá dự án Chân Mây do Tiến sĩ Hiển thực hiện là đã đặt nền móng cho sự ra đời đô thị Chân Mây, với tính chất là thành phố cảng thương mại và du lịch dịch vụ. Chính dự án này đã góp phần tác động đến chủ trương của Chính phủ xếp Thừa Thiên Huế là một trong những hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời thay đổi một cách sâu sắc đến phương hướng phát triển KT-XH của địa phương này. Hai năm sau, Tập đoàn đầu tư quốc tế Scott (Hoa Kỳ) chính thức đăng ký được lập luận chứng khả thi xây dựng cảng biển nước sâu theo hình thức BOT. Đến giữa năm 1999, Tập đoàn này có công văn bổ sung xin được đầu tư Chân Mây thành cảng thương mại tổng hợp phục vụ công nghiệp địa phương cũng như tham gia trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Công trình tiếp theo của Tiến sĩ Hiển và các cộng sự sau Dung Quất và Chân Mây là dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Nhơn Hội, để hoàn tất điểm phía nam của trục phát triển công nghiệp tổng hợp dọc duyên hải miền Trung (gồm Chân Mây – Đà Nẵng – Dung Quất – Nhơn Hội).

Trả lời câu hỏi vì sao miền Trung lại cần nhiều cảng biển nước sâu như thế, Tiến sĩ Hiển cho rằng hàng hóa qua các cảng miền Trung là hàng hóa quốc tế, hàng trung chuyển, không phải hàng khai thác tại chỗ. Trước mặt các tỉnh duyên hải miền Trung là đại dương nối liền Việt Nam với Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Philippines... Còn sau lưng là một kênh đào trên bộ để dẫn đến Lào, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan. Nói đến dải đất hẹp miền Trung, nhiều người cứ nghĩ đó là vùng đất nghèo. Nhưng nếu có những cảng biển nước sâu để hình thành những trung tâm xuất nhập khẩu, những khu công nghiệp và dịch vụ, chắc chắn sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những cảng biển nước sâu của Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông là những minh chứng điển hình.

Và ông nói thêm: Tôi nghĩ rằng việc tìm ra những cảng biển nước sâu cho miền Trung là một mục tiêu hết sức có ý nghĩa đối với những người nghiên cứu khoa học. Điều đó cũng chứng tỏ những người làm khoa học của Việt Nam có đủ khả năng giải quyết những vấn đề chiến lược và những yêu cầu thực tiễn cấp bách của đất nước, nếu được tin tưởng trao trọng trách đó.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022