Hội thảo thực hiện nội dung Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp Tỉnh

Nhằm lấy ý kiến chuẩn bị cho Hội thảo “Xây dựng các giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020”, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo thực hiện nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại hội trưởng Sở vào ngày 22 tháng 10 năm 2014.


Đến dự hội thảo gồm có ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, bà Võ Thị Thanh Hà – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Văn Vũ – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Việt Dũng đại diện Ban Giám hiệu Đại học Cần Thơ, cùng các thầy cô là giảng viên của trường Đại học Cần Thơ.


Buổi hội thảo đã nêu lên 09 chuyên đề nhằm thực hiện công tác tái cơ cấu Nông nghiệp Bến Tre trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.

image
Hội thảo Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp Tỉnh


Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất dừa và ca cao Tỉnh Bến Tre”, để thực hiện việc chọn lọc và phát triển các giống dừa có hiệu quả kinh tế, áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất và chất lượng của trái dừa, áp dụng các biện pháp cải tạo vườn dừa hiệu quả, các biện pháp xen canh cây dừa với cây ngắn ngày hoặc cây thủy sinh trong vườn dừa. Bên cạnh đó cần phải xây dựng mô hình liên kết chế biến và tiêu thụ dừa, tiếp tục quản lý được mô hình xen canh cây ca cao – vườn dừa, khai thác tốt tài nguyên đất đai và lao động địa phương.


Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất trái cây tại Bến Tre”, tập trung mục tiêu trên 05 loại cây ăn trái là: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt. Nội dung của đề án nhằm tìm kiếm, sưu tập, bảo tồn các giống cây ăn trái đầu dòng bằng việc dự báo dịch bệnh bằng kỹ thuật GIS cũng như viễn thám. Đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt, cùng với việc quản lý và phát triển sản xuất trái cây theo hướng GAP. Quản lý phòng trị một số dịch bệnh trên cây trồng. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm. Nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trái cây.


Chuyên đề “Tái cơ cấu chăn nuôi” đã nêu ra các vấn đề bất cập đang tồn tại trong ngành chăn nuôi ở tỉnh Bến Tre. Ngành chăn nuôi hiện tại ở Bến Tre vẫn còn theo hướng truyền thống, nhỏ lẻ. Đa phần giống và thức ăn cho đến các thiết bị thường được nhập từ nước ngoài làm cho chi phí cho sản phẩm tăng cao, không cạnh tranh được với thị trường. Ngành chăn nuôi của Bến Tre có thế mạnh về heo, gà thả vườn, bò có chất lượng tốt, sản lượng thịt cao có ưu thế so với các tỉnh khác. Tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm yếu như quy mô vừa và nhỏ, quy trình sản xuất chưa đồng bộ, một số sản phẩm có tiếng nhưng chưa tạo được thương hiệu, chỉ dừng ở sản xuất là chính, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật có làm nhưng chưa đồng bộ, chặt chẽ, các đề tài, dự án bị xé nhỏ, chưa có liên kết các ngành, các cơ quan có liên quan về mặt tài chính, nhân sự, quy mô. Để khắc phục những vấn đề trên, trong chuyên đề nêu rõ cần phát triển Bến Tre như một trung tâm cung cấp giống; xây dựng hệ thống chuỗi giá trị trong chăn nuôi, hàng hóa; thay đổi giải pháp, nâng cao chất lượng con giống, đảm bảo khả năng tự cung cấp con giống; nguồn nguyên liệu trong chăn nuôi, nâng cấp cải tiến chuồng trại, cơ sở giết mổ, xây dựng hệ thống chuỗi giá trị để giảm giá thành.


Ở lĩnh vực cây lúa, cần chuyển dịch canh tác theo hướng giảm diện tích canh tác lúa; nghiên cứu chuyển giao giống lúa chất lượng, chịu mặn cao; phát triển cánh đồng lớn và hệ thống thủy lợi đa chức năng. Còn ở lĩnh vực lâm nghiệp cần nghiên cứu xây dựng vườn ươm cây giống; xây dựng mô hình sinh thái kết hợp nông – lâm – ngư nghiệp, du lịch và làng nghề; quản lý dịch hại cây rừng.


Vấn đề thủy sản liên hệ đến hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre, đã có 04 ứng dụng được giới thiệu gồm: phát triển bền vững và hiệu quả các mô hình sản xuất thủy sản thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu – nước biển dâng trong hệ sinh thái mương vườn dừa ở tỉnh Bến Tre; phát triển ổn định và hiệu quả hệ sinh thái ruộng lúa qua mô hình nuôi tôm luân và xen canh nâng cao thu nhập và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu – nước biển dâng ở 03 huyện vùng ven biển tỉnh Bến Tre; ứng dụng và phát triển công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình Biofloc ở tỉnh Bến Tre; phát triển công nghệ nuôi Artemia thu trứng bào xác ở tỉnh Bến Tre.


Chuyên đề “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp” nhằm phát hiện vi sinh vật có hại – phòng ngừa dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, kiểm tra chất lượng sản phẩm; nghiên cứu phả hệ và đa dạng di truyền nhận diện giống cây trồng, xác nhận dòng thuần cây ăn trái, trên các cây sầu riêng, bưởi, cam, măng cụt …; sưu tầm nguồn gen cây lúa và chọn tạo giống lúa kháng rầy nâu năng suất cao, phẩm chất tốt chống chịu phèn mặn; sử dụng enzyme trong chế biến trái cây; sưu tập nguồn gen nấm ăn phát triển ngành trồng nấm.


Giải pháp “Cơ giới hóa và tự động hóa nền nông nghiệp và thủy sản tỉnh Bến Tre” gồm: cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, đổi mới công nghệ để nâng hiệu suất và tự dộng hóa các quá trình chế biến nông – thủy – hải sản cùng các nghề thủ công, tự động hóa trong thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch và nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cơ sở - hệ thống thủy lợi.


“Vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” cần đầu tư công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát môi trường làng nghề; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động sản xuất nông nghiệp; công tác phòng chống thiên tai (lũ lụt, xâm nhập mặn); xây dựng các khu bảo tồn đa dạng sinh học, bãi đẻ của các giống thủy sản.


“Phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở nâng cấp và phát triển chuỗi giá trị” nhằm tận dụng những lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển những ngành nghề ở nông thôn, nhằm cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn và đề xuất chính sách, cơ chế để tận dụng lợi thế sẵn có của tỉnh, nhằm nâng cấp chuỗi giá trị và phát triển ngành nghề nông thôn. Những sản phẩm, dịch vụ, ngành hàng dự kiến nghiên cứu gồm: cây dừa, con bò, kiểng lá và hoa kiểng, trái cây, du lịch sinh thái miệt vườn, và các sản phẩm phi nông nghiệp (quần áo, giày).


Về lĩnh vực “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn để góp phần tái cơ cấu nông nghiệp” nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp; mở rộng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch nông thôn; tăng cường quản lý hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hạn chế các tác động tiêu cực đối với môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.


Buổi hội thảo đã thành công tốt đẹp với những chuyên đề được đưa ra giới thiệu và thảo luận nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Các chuyên đề đã chỉ ra cần phải nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc phát triển một số sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao, nhập nội giống mới và trang thiết bị công nghiệp hiện đại, cơ giới hóa sản xuất; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Trần Lê Duy
Trung tâm Thông tin KH&CN

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý