Kỹ thuật nuôi lươn đồng thương phẩm và lươn giống bán nhân tạo

Câu hỏi:
Xin chào Ban biên tập Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre.
Tôi tên Đạt ở Mỏ Cày Nam - Bến tre.
Xin sở KH&CN hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn đồng thương phẩm và lươn giống bán nhân tạo.

Trả lời:

I. KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN
A. Nuôi có bùn: có thể nuôi trong bể xi măng hay bể lót bạt

1. Cách làm bể: bể có dạng hình vuông hay hình chữ nhật, diện tích lớn hay nhỏ tùy theo điều kiện nuôi của từng hộ, thông thường diện tích bể từ 10 – 50m2/bể, chiều cao 1m, rộng 2 – 4m, dài 5 – 10m, đáy bể nghiêng về một phía và đặt ống xả nước.

* Chọn đất: đất thịt hoặc đất thịt pha sét, không nên chọn đất có lẫn cát hoặc sỏi để khi lươn chui rút không bị xay sát.

* Chuẩn bị đất: nếu chọn đất ở những vùng bị nhiễm các chất độc như hóa chất, thuốc trừ sâu cần phơi ải đất trong 10 – 15 ngày để phóng thích các độc tố, sau đó cho vào bể ở độ cao 70 cm, cho nước vào bể ngập hết phần đất và dùng vôi để xử lý phèn trong đất, lượng vôi xử lý nhiều hay ít tùy theo diện tích bể nuôi. Sau khi xử lý xong có thể trồng cỏ trên bề mặt phần đất cho vào nhằm hạn chế đất bị sạc lở khi lươn chui rút.

2. Chọn giống, thuần dưỡng giống và mật độ thả giống    
2.1 Lươn giống: dựa vào màu sắc của lươn giống thu gom ngoài tự nhiên có thể bắt gặp ba loại sau đây:
+ Loại có màu vàng sẫm: lớn nhanh.
+ Loại có màu vàng xanh: phát triển bình thường.
+ Loại cá màu xám to: chậm lớn.
+ Kích cỡ lươn giống thả nuôi tốt nhất: 40 – 60con/kg.
+ Con giống: kích cỡ đồng đều, không nhiễm bệnh, lươn thường được vận chuyển bằng can nhựa hay thùng mốt.
+ Mật độ thả: 50 con/m2.

2.2 Thuần dưỡng lươn:
Lươn giống trước khi thả vào bể nuôi cần được thuần dưỡng từ 10 – 15 ngày, bể thuần dưỡng được làm bằng bể bạt có diện tích vài mét vuông, có đặt ống xả nước, mực nước cho vào bể khoảng 20cm, dùng dây nylon làm giá thể cho lươn trú ẩn.

Lươn khi vận chuyển về phải được tắm trong dung dịch nước muối 2 – 3% (200g – 300g/10 lít nước) trong 2 – 3 phút tùy theo khả năng chịu đựng của lươn. Sau đó cho vào bể thuần dưỡng, mật độ thả 6kg/m2.

Mỗi ngày thay nước 1- 2 lần (sáng hoặc chiều), nguồn nước thay phải là nước sạch được chứa trong bể hoặc cống phải được xử lý diệt khuẩn hoặc để lắng sau 7 ngày mới sử dụng thay nước.

Trong 5 ngày đầu không cho lươn ăn, sau đó bắt đầu tập cho lươn ăn dần, thức ăn cho lươn ăn giống như thức ăn ở cơ sở cung ứng giống cho ăn nhưng với số lượng ít sau đó tăng dần lên. Sau 10 – 15 ngày chuyển vào bể nuôi.

3. Chăm sóc và quản lý
- Cho ăn: thức ăn cho lươn ăn có thể 30% cá tạp + 70% thức ăn công nghiệp hoặc có thể tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp.
- Hệ số chuyển đổi thức ăn của lươn từ 6-8 kg thức ăn/kg lươn tùy theo cỡ giống và thời gian nuôi.
- Cách cho lươn ăn thực hiện theo 4 định: định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí.
+ Định chất: thức ăn phải luôn tươi, không cho lươn ăn thức ăn bị ương hoặc bị mốc, hạn chế thay đổi thức ăn đột ngột lươn sẽ giảm ăn hoặc bỏ ăn.
+ Định lượng: lượng thức ăn cho lươn ăn phải được điều chỉnh một cách hợp lý, tùy vào khả năng bắt mồi của lươn mà tăng hoặc giảm cho phù hợp. Sau khi cho ăn từ 1 – 2 giờ thì kiểm tra thức ăn nhằm loại bỏ thức ăn dư thừa. Lượng thức ăn cho lươn ăn dao động từ 2 – 15% trọng lượng lươn tùy theo trọng lượng lươn.
+ Định thời gian: cho lươn ăn 1 - 2 lần/ngày, sáng và chiều (sáng 6 - 7 giờ, chiều 17 - 18 giờ).
+ Định vị trí: cho lươn ăn ở vị trí cố định trong bể và làm sàng cho ăn
+ Định kỳ bổ sung vitamine và men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn ăn giúp tăng sức đề kháng nhất là lúc thời tiết thay đổi, giao mùa và giúp lươn tiêu hóa tốt thức ăn.
- Quản lý môi trường nước: Luôn giữ môi trường nước nuôi sạch, mực nước trong bể 0,6m và có thể tiến hành thay nước ngày 1 lần, lượng nước thay 100% lượng nước bể nuôi. Giữ nhiệt độ luôn ổn định, do lươn rất nhạy cảm khi nhiệt độ thay đổi, có thể dùng lưới lan che 2/3 bể nuôi hoặc toàn bộ bể tùy theo mùa.

B. Nuôi không bùn: có thể nuôi trong bể xi măng hay bể lót bạt
1. Cách làm bể:
giống như hình thức nuôi có bùn, thông thường diện tích bể nuôi không bùn khoảng 5 – 20m2 để dễ chăm sóc và quản lý.
Giá thể cho lươn trú ẩn: có thể dùng tre hoặc ống nhựa PVC để làm giá thể cho lươn trú ẩn.

2. Chọn giống, thuần dưỡng giống và mật độ thả giống

+ Cách chọn giống và thuần dưỡng giống: giống như hình thức nuôi có bùn.
+ Mật độ thả: 200 – 400con/m2

3. Chăm sóc và quản lý
Cho ăn: giống hình thức nuôi có bùn
Quản lý môi trường nước: nguồn nước thay cho lươn ở hình thức nuôi này luôn sạch và đảm bảo đủ lượng nước để thay hàng ngày, thay nước từ 1 - 2 lần/ngày sau mỗi lần cho lươn ăn và thay nước sau 2 giờ cho lươn ăn.
Khi thấy thân trước của lươn thẳng đứng trong nước, đầu nhô lên mặt nước để thở chứng tỏ nước bẩn cần nhanh chóng thay nước, và luôn giữ nhiệt độ ổn định vì lươn rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ.

4. Thu hoạch:
- Tuỳ theo kích cỡ lươn giống khi thả nuôi mà quyết định thời gian thu hoạch hợp lý. Thông thường, nếu thả giống cỡ 40-60 con/kg, nuôi sau 4-6 tháng, lươn có thể đạt cỡ 4-6con/kg. Nếu thả giống cỡ lớn (15-20 con/kg), chỉ cần nuôi 2,5-3 tháng cũng có thể đạt cỡ này.

- Khi thu hoạch lươn cần thực hiện các bước sau:
+ Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, dụng cụ đánh bắt, dụng cụ chứa lươn và các phương tiện vận chuyển.
+ Nên chọn thời điểm thu lươn vào lúc sáng sớm hay chiều mát.
+ Rút cạn nước, dọn sạch rong cỏ trong bể nuôi. Bới đất trong bể và chuyển hết ra ngoài. Lươn được thu gom để thu hoạch một cách dễ dàng.
+ Nên bắt từng mẻ, thu gọn và vận chuyển nhanh.

- Không vận chuyển lươn với mật độ quá dày làm lớp lươn bên trên đè lớp lươn bên dưới làm cho lươn dễ bị ngạt và chết. Tránh để khô, nơi gió mạnh hoặc dưới nắng gắt để giữ cho da lươn luôn ẩm.

- Nếu tiêu thụ ngay tại địa phương thì việc vận chuyển rất đơn giản: cho lươn vào xô hoặc thùng lớn có nắp đậy; bên trong có một ít nước lấp xấp để giữ ẩm cho lươn là được (có thể vận chuyển an toàn trong 2-3 giờ).

Nếu vận chuyển đường xa thì không nên chở lươn vừa thu hoạch đi ngay mà phải nuôi tạm lươn trong bể (10 kg lươn/1m3 nước) để lươn bài tiết hết chất thải ra ngoài; tuyệt đối trong thời gian này không cho lươn ăn. Chú ý thay nước 1 ngày/lần.

Năng suất nuôi lươn trong bể đạt 4-8kg/m2/vụ; một năm có thể nuôi 2 vụ lươn.

II. KỸ THUẬT SINH SẢN LƯƠN ĐỒNG
1. Chuẩn bị bể cho lươn đẻ

1.1 Địa điểm:
Chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm làm bể cho lươn đẻ, không chọn những nơi ồn ào hay những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm,... để chọn làm nơi sản xuất giống lươn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của lươn cũng như tỷ lệ sống của lươn.

1.2 Thiết kế bể đẻ:
Bể đẻ thường có dạng hình chữ nhật, diện tích từ 20 trở lên, bể có chiều cao 1m, chiều rộng 2m – 4m, dài 10 m hoặc lớn hơn, có đặt ống xả nước, mực nước duy trì 0,3m.

1.3 Chọn đất: chọn đất thịt hoặc đất thịt pha sét, không nên chọn đát có lẫn cát hoặc sỏi làm xay sát lươn khi chui rút. Nếu đất có nhiễm độc cần phơi ải khoảng 15 ngày để phóng thích chất độc sau đó cho vào bể, đất cho vào có độ cao 0,4m, rộng 0,5 – 0,8m tùy theo chiều rộng của bể, đất cho vào bể có dạng hình chữ U, sau đó dùng vôi xử lý phèn với liều lượng 4kg/20m2 ngâm 3 ngày xả hết nước và được lập lại ba lần sau đó có thể trồng cỏ xung quanh rìa để giữ đất cũng như tạo môi trường giống ngoài tự nhiên, tiến hành thả lươn bố mẹ.

2. Mùa vụ: vào tháng 12 Âl hàng năm.

3. Chọn lươn giống bố mẹ, mật độ thả:
3.1 Lươn bố mẹ:
Chọn lươn bố mẹ có thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng tuổi, lươn bố mẹ có thể được tuyển chọn từ các bể nuôi lươn thịt, cỡ lươn 5 – 10 con/kg, tỷ lệ 30% lươn cỡ lớn (cỡ 3- 5con/kg), 70% lươn nhỏ (cỡ 5-10 con/kg). Lươn vận chuyển về cần phải được thuần dưỡng khoảng 10 ngày trước khi đưa vào bể đẻ.
3.2 Mật độ thả: có thể từ 7 - 10 con/m2.

4. Chăm sóc và quản lý
4.1 Cho ăn:
Sau 5 ngày thả lươn vào bể bắt đầu cho lươn ăn nhưng với lượng ít sau đó tăng dần theo khẩu phần ăn của lươn, ngày cho ăn từ 1 – 2 lần, thức ăn cho lươn sinh sản có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc cho ăn thức ăn có khẩu phần 30% thức ăn công nghiệp + 70% cá tạp, hoặc 100% cá tạp, với lượng thức ăn 3 - 5% tổng khối lượng lươn.

4.2 Quản lý môi trường nước:
Bể đẻ rất ít thay nước chỉ trừ trường hợp nước quá dơ mới tiến hành thay nước, nếu thấy nước bị thất thoát do bốc hơi cấp thêm, còn do mưa nước tự thoát ra theo ống xả.

5. Kiểm tra và vớt trứng, ấp trứng và ương lươn bột
5.1 Kiểm tra và vớt trứng:
Sau khi thả lươn dùng lá chầm đậy kín hết phần đất cho vào bể, để cho lươn làm ổ và để trứng, sau 20 ngày bắt đầu tra xem lươn đẻ chưa, sau đó khoảng 4 ngày tiếp tục kiểm tra nếu lươn đẻ tiến hành vớt trứng (chỉ vớt trứng khi trứng chuyển sang màu đỏ có tượng hình lươn con), không nên vớt trứng vàng vì tỷ lệ nở thấp, trứng vớt lên có lẫn bùn nên được rửa nhiều lần qua nước sạch.

5.2 Ấp trứng và ương lươn bột:
+ Ấp trứng lươn: có thể dùng thau nhựa, thùng nhựa,... để ấp trứng lươn. Mật độ ấp 1.000 – 2.000 trứng/m2 bể hoặc 1.000 trứng/10 lít nước và có sục khí, hàng ngày thay nước từ 50 – 80%, nước sử dụng phải trong sạch, hàng ngày phải loại bỏ trứng ung (trứng có màu trắng đục) hay vỏ trứng. Ở nhiệt độ từ 26-32oC trứng được ấp khoảng 5 – 7 ngày thì trứng nở, thả vào bể ấp một số chùm tua nylon làm nơi trú ẩn cho lươn con khi nở. Sau 7 – 10 ngày tiêu hết noãn hoàng chuyển sang bể ương.
+ Ương từ lươn bột lên lươn giống: có thể ương trong thau nhựa hoặc trong bể lót bạt, tùy theo số lượng nhiều hay ít, có thể ương theo các giai đoạn sau:

Tháng thứ 1: ương với mật độ 3.000con/m2, ương trong bể lót bạt, bể được thiết kế nghiêng về một phía và có đặt ống xả nước, mực nước 20cm, có giá thể là chùm dây nylon, thức ăn cho lươn ăn trong giai đoạn này là trùn chỉ hoặc là trứng nước, ngày cho ăn hai lần sáng và chiều, thay nước sau mỗi lần cho lươn ăn, nguồn nước thay hằng ngày phải trong sạch.

Tháng thứ 2: được ương với mật độ 2.000 con/m2, có để giá thể cho lươn trú ẩn, thức ăn cho lươn ở giai đoạn này có thể tiếp tục cho lươn ăn trùn chỉ hoặc có thể tập cho lươn ăn cá tạp xay nhuyễn, ngày cho ăn 2 lần sáng, chiều và cũng tiến hành thay nước sau mỗi lần cho lươn ăn.

Tháng thứ 3: được ương với mật độ 1.000 con/m2, có để giá thể cho lươn trú ẩn, thức ăn cho lươn ở giai đoạn này là cá tạp thay nhuyễn phối trộn với thức ăn công nghiêp theo tỷ lệ 30% thức ăn công nghiệp + 70% cá tạp hoặc tập cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp, cho ăn ngày 2 lần sáng chiều, thay nước sau mỗi lần cho ăn, thường xuyên trộn men tiêu hóa, vitamine C, premix,... vào thức ăn cho lươn con giúp tăng đề kháng và tiêu hóa tốt thức ăn.

Sau 3 tháng ương nuôi lươn có thể đạt khối lượng 400 – 600 con/kg có thể xuất bán hoặc chuyển sang bể nuôi thịt, nếu tiếp tục ương lên cỡ lươn lớn 40 – 60 con/kg cần phải được sang thưa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ