Kỹ thuật trồng nấm rơm trên mùn cưa khô và mùn cưa tươi (không phải loại mùn cưa thải sau khi trồng các nấm khác).

Câu hỏi
Xin Ban biên tập hướng dẫn cho tôi kỹ thuật trồng nấm rơm trên mùn cưa khô và mùn cưa tươi (không phải loại mùn cưa thải sau khi trồng các nấm khác).
Chân thành cảm ơn.
thevinhcem@gmail.com

 

Trả lời
Chào bạn,
Bạn không nói rõ là trồng trên giá thể mùn cưa của loại cây nào nên chúng tôi không thể hướng dẫn bạn cụ thể hơn.
Hiện nay có thể trồng nấm rơm trên rất nhiều loại giá thể như: rơm rạ, lục bình, bẹ chuối, mùn cưa sau khi trồng nấm, mùn cưa các loại cây không có chứa tinh dầu đều có thể trồng nấm rơm.
Trồng nấm rơm trên mùn cưa tươi hoặc khô không khác nhau lắm, chủ yếu khác ở lượng nước vôi chỉnh ẩm và thời gian ủ. Trên mùn cưa khô thời gian ủ ngắn hơn mùn cưa tươi khoảng 3-4 ngày. Lượng vôi bổ sung trên mùn cưa khô thì bổ sung nhiều hơn mùn cưa tươi một chút do mùn cưa khô do để lâu hoặc phơi sấy sẽ bị nhiễm khuẩn nhiều hơn. Dưới đây, xin giới thiệu với bạn quy trình trồng nấm rơm trên mùn cưa để bạn tham khảo:

1.Xử lý nguyên liệu trồng:
Mùn cưa được tưới nước vôi 3% cho ướt đều, ẩm độ cơ chất ủ khoảng 75-80% là vừa. Nguyên liệu được chất thành đống rộng khoảng 1,5-2m cao khoảng 1,2m. Nhiệt độ trong đống ủ sau vài ngày phải đạt 60-70oC. Sau 5 ngày thì đảo đống một lần, đảo từ dưới lên trên, trong ra ngoài. Sau 10 ngày thì có thể đem ra chất mô.

2. Chuẩn bị địa điểm:

 Trồng nấm rơm bằng rổ nhựa trong nhà và ngoài trời (nguồn Internet).


Nếu không có nhà trồng nấm thì có thể trồng nấm ngoài trời. Chọn địa điểm sao cho bằng phẳng, cao ráo không bị ngập úng, sạch sẽ. Tránh chọn trồng nấm gần nơi chăn nuôi, khu vực có chứa nước thải, rác thải sinh hoạt.
Khu đất trước khi trồng phải được dọn sạch cỏ, rác. Và rải một lớp vôi mỏng để diệt khuẩn.

3. Chọn meo giống
Là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất trồng nấm. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.
Tiêu chuẩn bịch meo tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, có lốm đốm màu hồng (do bào tử nấm rơm có màu hồng) mở nắp bịch có mùi thơm đặc trưng (mùi nấm rơm). Một bịch meo giống nặng trung bình 120g.
Chú ý: Cần loại bỏ bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại. Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua.

4. Đắp mô nấm:
Có thể dùng khuôn gỗ, rổ nhựa hoặc dùng tay để đắp mô nấm rơm.
Nếu trồng bằng phương pháp đắp mô: rải một lớp mùn cưa dày khoảng 5cm, rộng 30-40cm, rải hai đường meo hai bên luống. Tiếp tục rải lớp bã thải thứ 2, thứ 3, thứ 4 đè thật dẻ sao cho luống cao khoảng 25-30cm. Vuốt mặt ngoài mô cho láng, phủ một lớp rơm mỏng bên ngoài làm áo mô. Rơm chọn làm áo mô phải sạch, không bị nhiễm nấm mốc, nấm dại.
Trồng bằng phương pháp vô khuôn hoặc rổ nhựa: mỗi lớp mùn cưa 5cm cho vô khuôn thì rải một lớp meo giống mỏng. Và trồng theo phương pháp này thì thích hợp trồng phủ bạt kín nếu trồng ngoài trời hoặc trồng trong nhà có kệ. Tuy không cần phải có lớp áo giữ ẩm nhưng chúng ta phải che kín bằng bạt để giữ ẩm và giữ nhiệt nếu thời tiết mát.

5. Chăm sóc và thu hoạch:
Chăm sóc nấm rơm trong thời gian ủ tơ quan trọng nhất là theo dõi ẩm độ và nhiệt độ. Trong đó ẩm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ sẽ tạo nên nhiệt độ thích hợp cho tơ nấm. Nếu ẩm độ dư thì mô sẽ lạnh, ẩm độ thiếu nhiệt độ của mô tăng cao làm tơ nấm chậm phát triển. Ẩm độ thích hợp của cơ chất là khoảng 55-60%, ẩm độ khu vực trồng 80-90%, nhiệt độ thích hợp 32-370C do nấm rơm là nấm ưa nhiệt.
Điều chỉnh ẩm độ của mô bằng cách tưới nước. Tưới nước phải dùng thùng tưới có vòi búp sen có tia nhỏ, vì giọt nước mạnh sẽ làm hư tơ nấm, những nụ nấm nhỏ.
Từ ngày 12-17 sau khi đắp mô các nụ nấm màu trắng bằng đầu đinh ghim bắt đầu xuất hiện. Tùy theo thời tiết, trung bình khoảng 15-20 ngày sau khi cấy meo là có thể thu hoạch. Nấm rơm trồng trồng trên mùn cưa có thời gian ra quả thể lâu hơn trồng trên rơm khoảng 3-7 ngày.
Thu hái nấm: lựa các búp hơi nhọn đầu hái trước, xoay nhẹ tay tách tai nấm ra khỏi mô, không nên để sót lại chân nấm bị đứt trên mô, vì phần này khi thối rữa sẽ làm hư các nụ nấm kế bên, thu hoạch xong đậy kỹ áo mô lại.
Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 7 ngày. Sau khi hái đợt 1 ta ngưng tưới 1 ngày sau đó tiếp tục chăm sóc lại như lúc đầu.
Chúc bạn thành công!

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ