Bệnh thối đọt, phấn trắng, đuông dừa, thân và lá đều bị vàng... trên dừa

Câu hỏi

 

Kính chào Ban biên tập: Vườn dừa nhà tôi trồng hơn 600 cây dừa, mỗi cây cách nhau hơn 3m, trước khi trồng dừa vườn nhà tôi có trồng chuối và hiện tại vẫn chưa đốn bỏ chuối, vài tháng trở lại đây dừa xuất hiện nhiều bệnh như: thối đọt, phấn trắng, đuông dừa,  thân và lá đều bị vàng, ..xin Ban biên tập hướng dẫn cách trị và phòng bệnh, cách bón phân hợp lý, và vườn dừa nhà tôi có cần cải tạo lại không?

 

     
     

 

 

Xin cám ơn
fjrjlfg@gmail.com

 

Trả lời:

 

Chào bạn! Trước hết, tôi xin trả lời vườn bạn rất cần cải tạo lại vì mật độ trồng quá dày, nếu bạn không đốn tỉa thưa thì sau này cây dừa sẽ cho trái rất ít. Mật độ trồng hợp lý được khuyến cáo như sau: nhóm dừa lấy dầu (dừa cao) khoảng 160-180 cây/ha, nhóm dừa uống nước (dừa lùn) khoảng 240 cây/ha. Có thể trồng xen chuối hoặc các cây trồng khác (lấy ngắn nuôi dài) trong thời gian dừa còn nhỏ.


Về sâu bệnh: hình bạn chụp không điển hình về triệu chứng. Tuy nhiên, tôi xin nêu biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại mà bạn hỏi:


1- Biện pháp phòng trừ đuông dừa:
- Phòng ngừa sự phá hại của Kiến Vương cũng là phòng ngừa sâu đuông vì sâu đuông là côn trùng xâm nhập thứ cấp. Nhằm ngăn cản sự tấn công của sâu đuông cần tránh những tổn thương trên thân dừa, tạo chổ đẻ cho đuông.
- Dọn vệ sinh thông thoáng tán dừa và trong vườn dừa. Trong khâu làm đất chuẩn bị trồng mới cần quan tâm đặc biệt khâu dọn sạch và loại bỏ xác cây dừa non, gốc dừa đã chết, nơi có thể trở thành chổ đẻ trứng của đuông.
- Đối với các cây dừa bị sâu đuông phá hại nặng nên đốn xuống và đem tiêu huỷ để hạn chế lây lan
- Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông lúc mới bắt đầu xuất hiện thì việc phòng trừ mới mang lại hiệu quả. Có thể tiến hành phòng trừ bằng cách khoan sâu vào trong thân ( gần vùng sâu đuông gây hại), sau đó cho thuốc trừ sâu  Basudin 10H hoặc Basudin 40EC ( nếu thuốc dạng nước thì tẩm vào bông gòn ) vào lổ khoan và bịt kín lại bằng đất sét. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc hóa học ở giai đoạn dừa đang mang trái thì phải chú ý đảm bảo thời gian cách ly vì thuốc có thể gây mùi trong nước dừa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

2- Biện pháp phòng trừ bệnh thối đọt
- Tránh trồng nơi ẩm thấp, vườn trồng dừa phải cao ráo, thoát nước tốt. Không trồng quá dày, thiếu ánh sáng.
- Thường xuyên vệ sinh vườn dừa, phá hết lùm bụi, làm cỏ để tạo thông thoáng vườn dừa.
- Tránh gây vết thương nhất là những lá non, tích cực tiêu diệt các tác nhân gây vết thương như kiến vương, chuột,…để hạn chế con đường xâm nhập của bào tử nấm vào cây.
- Phát hiện trong vườn dừa có cây bệnh nặng ( không thể cứu được) thì nên đốn bỏ ngay và tiêu hủy để mầm bệnh không phát tán sang những cây khác.
- Tăng cường bón phân hữu cơ cho dừa.
- Thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm khi cây vừa chớm bệnh (những lá trên hơi vàng trong khi những lá dưới vẫn xanh) dùng  thuốc hóa học phun kỹ ở giữa đọt lá và nách lá. Sử dụng một trong những loại thuốc sau: Aliette 80WP, Ridomil – MZ 72 WP, Mataxyl 500WP ,…phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.


3- Bón phân cho dừa
Loại phân :
Để tăng hiệu quả sử dụng phân bón cần dựa vào tính chất hóa học của đất mà lựa chọn loại phân thích hợp.
+ Trên vùng đất phèn, nhiễm phèn, chua mặn nên sử dụng loại phân Ure, apatit, KCL, vôi.
+ Trên các vùng đất mặn, chịu ảnh hưởng của nước ngọt, nước lợ nên sử dụng loại phân SA, Super lân, KCL.
Lượng phân:
Cây nhỏ từ 7 năm tuổi trở xuống ( cây/năm)
+ Đạm : 0,2kg Ure.
+ Lân: 0,1-0,3 kg super lân.
+ Kali: 0,3 –0,5kg KCL.
Cây từ 7 tuổi trở lên ( cây/năm).
+ Đạm : 0,5 kg Ure.
+ Lân : 0,5- 1,2 kg super lân.
+ Kali: 1,5 –2 kg KCL.
Vì dừa là loại cây sinh trưởng liên tục nên chia phân ra bón nhiều lần/năm sẽ hiệu quả hơn


Cách bón: có 2 cách bón:
- Làm cỏ kết hợp xới xáo ở khu vực bán kính xung quanh gốc và bón phân.
- Đào hốc dài 1- 1,5m , sâu 15-20cm, cách gốc 0,5-2m tuỳ theo tuổi cây. Phân trộn và rãi đều vào trong hốc, sau đó lấp đất lại.

Chúc bạn thành công.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ