Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre

Trước đây, khái niệm về công nghiệp chủ lực ở nước ta xuất hiện ở một số văn bản quản lý nhà nước để chỉ những lĩnh vực công nghiệp mà sản phẩm sản xuất ra có khả năng xuất khẩu mạnh, chiếm tỷ trọng kim ngạch cao hoặc có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ở nhiều địa phương khác nhau thì nhận thức về sản phẩm công nghiệp chủ lực là khác nhau và việc lựa chọn cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ cũng khác nhau. Vấn đề quan trọng mà mọi địa phương đều phải công nhận chính là vai trò, lợi ích của việc xác định sản phẩm công nghiệp chủ lực và đề xuất các giải pháp để phát triển, có tác động rất lớn đến việc thúc đẩy tình hình phát triển công nghiệp, kinh tế tỉnh nhà.

 

Để xác định được những ngành công nghiệp chủ lực có tính cạnh tranh, có lợi thế phát triển, đánh giá được thực trạng và tiềm năng để đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre, Sở Công Thương đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre”.

 

image

Họp Hội đồng KH&CN chuyên ngành

tỉnh nghiệm thu đề tài.


 

Theo nhóm thực hiện đề tài, ngành công nghiệp chủ lực là các ngành công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, có tính lan tỏa mạnh đến ngành công nghiệp của tỉnh, có giá trị gia tăng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất có trình độ công nghệ cao, phù hợp với trình độ sản xuất trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo về môi trường; tạo ra mức tăng trưởng cao, ổn định; Hoặc là các ngành công nghiệp thuộc nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng trị giá sản xuất công nghiệp; tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; Là ngành công nghiệp mới, phù hợp, đón đầu xu hướng thị trường, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững”.

 

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã chọn 200 doanh nghiệp đại diện cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiến hành khảo sát, thu thập thông tin. Theo số liệu khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp và nguồn số liệu, thông tin hiện có nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng, tiềm năng của các ngành công nghiệp chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở một số khía cạnh, cụ thể: quy mô và năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp tỉnh Bến Tre so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh trong cả nước; chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các ngành công nghiệp; công nghệ của các ngành công nghiệp; môi trường; phân tích điểm mạnh, điểm yếu cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp tỉnh Bến Tre.

 

Từ kết quả tổng quan các tiêu chí và phương pháp đo lường sản phẩm công nghiệp chủ lực của các tỉnh, nhóm nghiên cứu đã tham khảo bộ tiêu chí, điểm chuẩn của các địa phương, Thông tư 04/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất để đưa ra điểm chuẩn tối đa với từng tiêu chí cụ thể. Từ các yếu tố trên, nhóm thực hiện xây dựng 10 tiêu chí xác định ngành công nghiệp chủ lực (các ngành công nghiệp có tổng điểm từ 60 trở lên theo hệ thống tiêu chí đánh giá xét chọn sẽ được đưa vào danh sách là ngành công nghiệp chủ lực).

 

Nhóm thực hiện đã xác định được các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và hướng đến 2030 là ngành sản xuất chế biến thủy sản và ngành sản xuất chế biến dừa. Ngoài ra, thông qua đề tài còn đánh giá tình hình phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực; đánh giá thế mạnh, lợi thế của ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre so với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân tích, đánh giá xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre; Đề xuất mục tiêu cụ thể phát triển ngành công nghiệp chủ lực đến năm 2025, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng 43,10% so với giá trị sản xuất chung toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 11,82%/năm.

 

Để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các định hướng để phát triển và 10 giải pháp, cơ chế, chính sách đồng thời đưa ra một số kiến nghị như tỉnh cần mạnh dạn bố trí vốn hàng năm; quan tâm các vấn đề về môi trường;… đề xuất bổ sung thêm 02 ngành công nghiệp chủ lực là ngành công nghiệp dệt may-da giày và cơ khí, điện, điện tử vào danh mục các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh khi các ngành này đáp ứng đủ điều kiện.

 

Theo nhóm thực hiện, thành công của đề tài không chỉ góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, định hướng phát triển ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh mà còn giúp cơ quan quản lý xác định cụ thể ngành công nghiệp chủ lực, hiểu rõ hơn về thực trạng, tiềm năng, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng của tỉnh và nâng cao được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài còn tạo cơ sở dữ liệu cho các cơ quan, đơn vị trong quản lý, xây dựng các quyết định, chính sách phát triển ngành công nghiệp chủ lực nói riêng và các ngành công nghiệp khác nói chung,… Việc phát triển ngành công nghiệp chủ lực sẽ có vai trò rất quan trọng, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm, thu ngân sách, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

 

Đề tài đạt mục tiêu, nội dung đề ra được hội đồng thống nhất nghiệm thu. Để hoàn thiện, hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện bổ sung bảng viết tắt, bảng đồ hành chính. Bổ sung phần tổng quan nghiên cứu, về phương pháp nghiên cứu nêu rõ phương pháp thu thập số liệu sơ cấp, thứ cấp,…

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý