Xung quanh sự kiện Thái Lan công bố giống sầu riêng không có mùi sầu riêng

Trước hết cần khẳng định rằng các khoa học gia Thái Lan đã thành công trong thí nghiệm về chọn tạo giống trái cây nói chung và giống sầu riêng nói riêng. Nhà tạo giống cây ăn trái Songpol Somsri đã cho lai hơn 90 giống sầu riêng để tạo ra một giống sầu riêng mới có tên là Chanthaburi 1. Đó là một công trình đồ sộ cả về thời gian (30 năm) và theo “lý thuyết” phải trải qua rất nhiều thí nghiệm lai tạo giống.

Phản ứng nhiều chiều

Trước thông tin giống sầu riêng không mùi, những người yêu thích sầu riêng ngay lập tức có phản ứng. Bob Halliday, nhà báo Thái Lan, bình luận viên về ẩm thực nói: “Làm mất mùi sầu riêng cũng giống như làm hoa hồng mất gai vậy. Thật sự là làm nó (trái sầu riêng) mất hết bản sắc”. Tại Việt Nam, hầu hết người tiêu dùng sầu riêng ở Nam bộ được hỏi tỏ ra “bất bình” giống sầu riêng không mùi, họ nói rằng dù vỏ trái lởm chởm gai nhọn nhưng không ai không ngửi xem trái này có thơm không khi mua sầu riêng. “Không thơm thì không thể mua cho dù giá rẻ!”. Nhóm người tiêu dùng Hà Nội tuy một số không thích mùi sầu riêng nhưng cũng cảm thấy Chanthaburi 1 không mùi sẽ mất khả năng thuyết phục họ. “Phải có mùi thì các múi màu vàng kia mới thực sự thuyết phục khách của chúng tôi, không có mùi khó nhận ra lắm, ế mất”!

Thị hiếu tiêu dùng sầu riêng?

Người tiêu dùng “ăn” sầu riêng khác với các loại trái cây khác. Ăn sầu riêng trước hết “ăn” bằng mũi, kế đến là ăn bằng miệng, sau mới nhìn ngắm cái vỏ dày hay mỏng và tình trạng vỏ dày mỏng, tình trạng gai trái, hộc chứa múi ra sao để có nhiều hay ít cơm... rút kinh nghiệm mua lần sau. Dù ăn tươi, tức xẻ ra ăn trực tiếp hay đem chế biến bánh kẹo, xôi chè v.v... thì mùi vẫn là điểm quan tâm số 1 của đông đảo người tiêu dùng sầu riêng châu Á. Tiếp theo là thị hiếu về độ chắc tay và màu của cơm trái. Cơm sầu riêng cầm nắm được, không dính tay, độ chắc còn thể hiện không nhão, có thể cắn những miếng gọn gàng khi thưởng thức. Độ ngọt, độ béo, trọng lượng phần ăn được của thịt trái cao, ít hột, hột lép hay hột nhỏ, vỏ trái mỏng, trái nở đều, mức trọng lượng trái v.v... được ưa chuộng. Thị hiếu tiêu dùng mỗi ngày cao thêm về các chỉ tiêu chất lượng.

Nói về chất lượng giống Chanthaburi 1, theo ông Suchart Vichitrananda, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật làm vườn tỉnh Chanthaburi: “Vị của giống Chanthaburi 1 chưa thể khẳng định ngon hơn các giống sầu riêng hiện có”. Nếu vậy thì yếu tố cạnh tranh chất lượng không có gì “mới” - mục tiêu nhắm đến của người sản xuất và người tiêu dùng. Không có hương (và chưa bàn đến các tiêu chuẩn chất lượng) có thể không được người tiêu dùng Nam bộ chấp thuận.

Vấn đề dư luận quan tâm: tạo giống sầu riêng không mùi để làm gì?

Mùi sầu riêng không hề có hại, nó chỉ là chuyện thích đối với người này, không thích đối với người khác mà thôi. Việc cho lên máy bay hay không là do hãng máy bay quy định và có thể vì mục đích kinh doanh chuyên chở hành khách - tuyệt đối hóa phản ứng của khách đi máy bay. Tác giả Songpol cho biết, giống sầu riêng mới có mùi “vô hại” như mùi chuối vậy. Ông tin rằng nhờ không mùi, Chanthaburi 1 sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng sang châu Âu và Mỹ, do sầu riêng là trái cây nhiệt đới, khá lạ đối với họ. Theo hướng này, Songpol “có lý”, nhưng phải được kiểm chứng qua việc chào hàng, lấy ý kiến người tiêu dùng trước khi tiến hành sản xuất - việc các doanh nghiệp Thái Lan làm rất giỏi. Trong kế hoạch, ông Songpol cho biết: ông và đồng sự đang tạo giống Chanthaburi 3 chỉ tỏa hương 3 ngày sau khi hái, nhờ vậy có thể “mang lên máy bay hay mang vào khách sạn mà không ai biết” (?). Ông Songpol còn cho hay trong 2 - 3 năm nữa sẽ cho ra đời giống sầu riêng tròn hay dài, bề mặt vỏ không gai. Trước tin này nhà phê bình ẩm thực Halliday thốt lên: “Thế này thì quá lắm, bởi tên sầu riêng (durian) tiếng Mã Lai có gốc từ chữ duri - nghĩa là cái gai - mà không có gai thì ra cái gì!”.

Thái Lan đã từng thành công đối với nhiều giống cây ăn trái thương phẩm như nhãn Ido, chôm chôm Ronrien, sầu riêng Monthong, bòn bon Longkong v.v... đáp ứng nhu cầu chất lượng tiêu dùng của khu vực và toàn cầu. Nhờ vậy, thị trường trái cây xuất khẩu của Thái Lan ở vào dạng phát triển mạnh nhất châu Á. Trái kiwi của New Zealand, vỏ trái màu xanh xám và phủ một lớp lông, dạng trái không “xinh đẹp”, không thơm và không hẳn là ngon như phán đoán của “ai đó” nhưng lại là thứ trái cây đến được nhiều thị phần trên toàn cầu nhờ thương hiệu trái cây sản xuất theo quy trình G.A.P và khả năng bảo quản tươi của công nghệ đi kèm. Châu Mỹ có thanh long tròn không có lá tai nhưng cả thế giới không ưa giống đó. Trái xoài “eo” của Trung Quốc từ trọng lượng giống gốc 500 - 600 g/trái, qua tay nhà tạo giống còn trọng lượng nhỏ 50 - 70 g/trái nhưng giá bán gấp 3 lần. Trên đây là vài ví dụ về sự đa dạng về thị hiếu tiêu dùng.

Thay lời kết

Tạo “giống mới - giống độc quyền” là một yếu tố quan trọng khẳng định vị trí của một loại trái cây hàng hóa của một quốc gia, đặc biệt khi thực hiện hiệp định bảo hộ giống nông nghiệp trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy hành trình còn nhiều gian khó nhưng nhà tạo giống Songpol và Thái Lan có cơ sở hy vọng đi tới thành công trong chiến lược phát triển một kênh xuất khẩu sầu riêng Chanthaburi 1 không mùi sang châu Âu, châu Mỹ hay nhóm tiêu dùng “kỵ” mùi sầu riêng nào đó trong nhiều năm tới.

Theo Báo Khoa Học Phổ Thông

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý