Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng

Ớt là một loại rau ăn trái, không chỉ là gia vị tươi mà còn được sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm và dược liệu. Cây ớt được trồng phổ biến vì chúng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong mùa mưa giá ớt thường cao hơn trong mùa nắng rất nhiều. Tuy nhiên, trong mùa mưa mặc dù ít tốn công tưới nhưng rất khó đạt năng suất cao, thậm chí có khi mất trắng vì bệnh hại phát triển mạnh nếu không quản lý tốt. Vì thế, trồng ớt trong mùa mưa là một thách thức không nhỏ đối với nông dân. Để đạt hiệu quả cao, khi trồng bà con cần chú ý kỹ thuật canh tác hợp lý tạo điều kiện cho ớt nhận được lượng ánh sáng tốí đa, hấp thu dinh dưỡng đầy đủ và quản lý tốt một số bệnh hại như bệnh héo xanh, sương mai, thán thư và đặc biệt là bệnh virus ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất ớt.

 

Cây ớt thích hợp với đất ít chua (pH 6-6,5), tơi xốp, nhiều mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt.Về mật độ trồng, không nên trồng quá dày, cây sẽ không cho năng suất cao và sâu bệnh phát triển nhiều. Nếu trồng hàng đôi, khoảng cách 50cm x 40cm; nếu hàng đơn cây cách cây 40cm. Lượng hạt giống tùy chọn giống ớt mà lượng hạt giống khác nhau (từ 15g – 25g/1.000m2).

 

Cây ớt có nhu cầu dinh dưỡng cao, cần nhiều đạm, kali, kế đến lân, ma-nhê và canxi. Đặc biệt giai đoạn mang trái cây ớt cần lượng đạm và kali cao hơn so với giai đoạn sinh trưởng phát triển để tăng khả năng chống chịu bệnh, phân Kali làm tăng vị cay nồng của ớt. Phân gia cầm hoai mục rất thích hợp cho ớt sinh trưởng, phát triển, năng suất cao, chất lượng tốt. Tùy theo đất tốt hay xấu lượng phân bón trung bình cho 1.000m2 như sau: Phân hữu cơ hoai mục 500-1.000kg, vôi 80-100kg, NPK (20-20-15) 20 kg, Urea 20 kg, Lân nung chảy 60kg, , KCL 20kg, Canxi Nitrat (Ca(NO3)2) 12 kg. Vôi được xử lý khoảng một tuần trước khi lên liếp chuẩn bị trồng. Lượng phân được chia làm nhiều lần bón. Bón lót toàn bộ phân hữu cơ và lân nung chảy +  1/8 Urea + 1/8 NPK +  1/4 Kali. Bón thúc chia làm 4 lần:

 

 + Lần 1: ( 20-25 ngày sau khi trồng)  1/4 Urea + 1/8 NPK + 1/4 Kali.

+ Lần 2: (Cây ra hoa đều, đậu trái) 1/4  Urea + 1/2 Super lân  + 1/4 NPK + 1/2 Ca(NO3)2+ 1/4 Kali.

+ Lần 3: (Bắt đầu thu trái lần 1) 1/8 Urea +1/4 NPK + 1/4 Ca(NO3)2+ 1/8 Kali.

 + Lần 4: (Thu hoạch rộ) 1/4 Urea + 1/8 Kali + 1/4 NPK + 1/4 Ca(NO3)2.

 

Trong giai đoạn  nuôi trái, có thể phun bổ sung phân bón lá có Magie để tạo trái vỏ dày, nặng cân, mẫu mã đẹp, ít thối trái.

Chăm sóc là khâu quan trọng tạo điều kiện cho ớt ra nhiều hoa, nhiều trái. Sau trồng 20 ngày tiến hành vun gốc, tỉa bỏ cành lá dưới để cây ớt phân tán rộng , tạo gốc thông thoáng. Nên làm giàn để giữ cây đứng vững, cành lá và trái không chạm đất, hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm, tăng năng suất giúp kéo dài thời gian thu trái. Ớt có thời gian ra hoa và tạo trái khá dài nên thời gian thu hoạch cũng kéo dài.

 

Dịch hại nguy hiểm nhất trên ớt là bệnh héo xanh, bệnh lây lan nhanh, có thể làm chết cây hàng loạt trên ruộng ớt, gây hại hầu hết các giai đoạn của cây.  Bệnh héo xanh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Triệu chứng điển hình là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo thường xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại, sau 2-3 ngày cây chết hẳn. Cắt ngang gốc cây bệnh sẽ thấy mạch dẫn bị thâm nâu, ấn mạnh vào chổ gần mặt cắt sẽ có chất dịch màu trắng đục tiết ra, đó chính là dịch vi khuẩn. Bệnh do vi khuẩn vết bệnh thường mềm nhũn, có mùi hôi, mạch dẫn có màu đen, cây chết nhanh. Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước, dinh dưỡng làm cây bị héo và chết. Bệnh héo xanh phát triển nhanh trên nền đất ẩm ướt, thoát nước kém. Vi khuẩn có thể tồn dư trong tàn dư cây bệnh và trong đất thời gian dài, đây chính là nguồn lây truyền bệnh cho vụ sau.

 

Bệnh héo xanh gây hại trên ớt giai đoạn mang trái.

 

Bên cạnh, bệnh thán thư rất phổ biến trên ớt. Bệnh do nấm Colletotrichum  lagenarium. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá và trái. Trên lá, bệnh xuất hiện các lá già bên dưới trước, đốm bệnh lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, dần biến màu nâu, có các đường vòng đồng tâm, trên vết bệnh có những thể nhỏ li ti màu đen, vết bệnh khô và rách. Trên trái, triệu chứng bệnh rất đặc trưng, vết bệnh hình tròn,  hơi lõm xuống, tâm vết bệnh có màu nâu đen, bên trong có nhiều vòng đồng tâm,  nếu bệnh nặng các vết bệnh liên kết nhau tạo những lõm to nhưng vẫn thấy rõ những vòng đồng tâm, trái bị thối. Bệnh nặng, có thể làm thối trái hàng loạt, thất thu năng suất nghiêm trọng. Bệnh thường gây hại từ trái ớt già đến trái chín, trên giống nhiễm, bệnh hại cả trái non. Bệnh cũng gây hại trên cuống hoa làm hoa rụng sớm. Bệnh thường gây hại trong điều kiện mưa nhiều hoặc ẩm độ không khí cao. Bệnh lây lan bằng bào tử nấm, tồn tại trên tàn dư cây bệnh vụ trước và qua hạt giống để truyền bệnh sang năm sau.

 

Triệu chứng bệnh thán thư trên trái.

 

Trong mùa mưa, bệnh sương mai cũng thường xuất hiện trên cây ớt. Bệnh do nấm Phytophthora capsici. Bệnh gây hại trên hầu hết các bộ phận của cây. Khi nấm gây hại trên thân sẽ xuất hiện những đốm bệnh màu nâu xám, nhánh trên thân nhiễm bệnh bị héo. Trên lá, vết bệnh là những đốm màu xanh xám, hình dạng bất định, sau dần chuyển màu nâu nhạt. Triệu chứng trên trái, đầu tiên có vết  màu xanh sậm  hơi nhũng ướt, sau đó vết bệnh chuyển màu nâu đen, lan dần cả trái, làm trái thối mềm, nhăn nheo và rụng sớm. Bệnh xuất hiện trên trái gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng trái, đôi khi toàn bộ trái trên cây bị thối. Bào tử nấm di chuyển dễ dàng nhờ gió, nước mưa và nước tưới. Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh và hạt giống để lan truyền gây bệnh cho cây vụ sau. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều. 

 

Triệu chứng bệnh sương mai gây hại trên trái ớt.

 

Ngoài các bệnh trên, virus bệnh khảm là một thách thức đối với nông dân trồng ớt. Triệu chứng bệnh thể hiện trên lá và toàn cây. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, mép lá cong lên, lá nhỏ hẵn, từng mãng biến vàng nhạt xen với mãng xanh làm lá loang lổ, các đốt thân co ngắn, trái nhỏ, méo mó. Bệnh thường gây hại từ giai đoạn ra hoa kết trái trở về sau. Virus lây lan chủ yếu qua côn trùng môi giới là bọ trỉ và bọ phấn trắng, chúng mang virus  từ cây bệnh rồi truyền sang cây khỏe. Bệnh không tồn tại lan truyền qua hạt giống và qua đất. Bệnh khảm không có thuốc trị nhưng trừ côn trùng môi giới (bọ trỉ, bọ phấn,...) là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

 

Triệu chứng bệnh virus trên ớt.

 

Để quản lý tốt các bệnh trên nên áp dụng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ: Thu dọn và tiêu hủy tàn dư cây bệnh trên đồng sau thu hoạch; Trước khi trồng nên bón phân vôi khử trùng liếp; Bón lót phân hữu cơ hoai mục kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma; Lên luống cao, thoát nước tốt; Khi trong ruộng có cây bị bệnh nên tiêu huỷ và khử trùng bằng vôi để tránh lây lan; Hạn chế tưới nước vào lúc chiều tối; Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá phía dưới gốc để vườn cây thông thoáng hạn chế nơi ẩn nấp của các côn trùng môi giới truyền bệnh virus. Đối với bệnh thán thư, sử dụng một trong các nhóm thuốc có hoạt chất Azoxystrobin; Difenoconazole hoặc Propineb… Nếu bệnh sương mai sử dụng nhóm thuốc hoạt chất Fosetyl Aluminium hoặc Metalaxyl,... Trường hợp xác định là bệnh héo xanh nên nhổ bỏ và tiêu hủy các cây ớt nhiễm bệnh; phun thuốc có hoạt chất Oxolinic acid (Starner 20WP) hoặc thuốc gốc đồng. Riêng đối với bệnh khảm do virus không có thuốc trị chỉ có biện pháp ngừa là phun thuốc tiêu diệt côn trùng môi giới như bọ trỉ, bọ phấn, đồng thời khi phát hiện cây bị nhiễm virus thì nên nhổ bỏ để hạn chế lây lan.

 

Ớt là loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

 

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi