Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng

Sapô là loại cây ăn trái dễ trồng, ít kén đất, trái có hương vị ngon. Trước kia, nông dân không “mặn mà” lắm với cây Sapô nhưng thời gian sau này cây Sapô  đã được phát triển trở lại. Giống như những cây trồng khác, Sapô bị nhiều loại dịch hại tấn công, nhất là trong mùa nắng nóng xuất hiện sâu đục cành, sâu đục trái và rệp sáp với mật số cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây Sapô.

Thứ nhất, sâu đục cành là loài sâu nguy hiểm nhất đối với cây Sapô. Sâu trưởng thành là một loài xén tóc có tên khoa học là Pachyteria equestris, thuộc họ Cerambycidae, Bộ Coleoptera. Loài này gây hại trên cả cành và thân cây. Trưởng thành có thân mình cứng, màu đen, trên giữa cánh có vệt vàng, dài khoảng 25 - 30mm. Râu đầu dài và cứng. Con cái đẻ trứng rời rạc trên gốc cành và các vết nứt trên vỏ  cây. Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt, tuổi lớn có màu vàng nâu. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm ngay dưới vỏ cây. Khi lớn sâu đục vào trong phần gổ của thân chính hoặc các cành lớn, có thể làm gãy cành khi gió mạnh. Trên các cành nhỏ thì sâu đục bên trong thân, còn các cành lớn sâu chỉ cạp bên ngoài vỏ, làm thành những đường hầm sát vỏ thân, đôi khi đùn phân ra ngoài. Ấu trùng gây hại từ nhánh nhỏ đến nhánh lớn và đi vào thân chính gây chết nhánh hoặc nếu bị nặng có thể làm chết cả cây. Triệu chứng nhận biết khi thấy trên cây có đùn phân màu nâu trên thân, cành hoặc rơi xuống đất là phát hiện có sự xuất hiện của sâu đục cành. Thời gian sâu non sống và phá hại tương đối dài khoảng 2-3 tháng.

 

 

 
 


Để quản lý sâu đục cành nên áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp như: Hàng năm sau thu hoạch nên tỉa cành tạo thông thoáng vườn; cưa bỏ các cành nhánh bị hại đem tiêu hủy để loại bỏ trứng ấu trùng và nhộng của sâu; trên các vườn Sapô tơ, thường xuyên thăm vườn để phát hiện sự hiện diện của sâu (phân và nhựa chảy ra bên ngoài) vì khi quá trễ, ấu trùng chui sâu vào bên trong rất khó phòng trị. Đối với sâu đục cành áp dụng biện pháp thủ công có hiệu quả cao, dùng dao nhỏ khoét ngay lổ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt sâu hoặc phát hiện nhộng phải tiêu diệt. Khi phát hiện lổ đục trong cành, thân có thể dùng dây kẽm hoặc dao mũi nhọn soi lổ đục, dùng bông gòn thấm thuốc (nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi) nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại. Sau khi nhét bông thuốc vào lổ đục trên cành hoặc thân nên quét thuốc gốc đồng để phòng các loại bệnh tấn công qua lổ đục.

Thứ hai, sâu đục trái (Alophia sp.) cũng cần được người trồng Sapô quan tâm vì chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng Sapô. Trưởng thành của sâu đục trái là một loài bướm đêm màu xám trắng, chiều dài thân khoảng 12mm. Sâu non mới nở có màu trắng ngà, tuổi lớn chuyển màu nâu nhạt hoặc nâu vàng sau dần chuyển màu nâu đỏ, trên thân có các đốm đen nhỏ.Thành trùng sâu đục trái đẻ trứng rời rạc trên vỏ trái non, thường đẻ trứng ở gần cuống trái hoặc nơi tiếp giáp giữa các kẻ trái. Sâu non mới nở sống bên dưới lá đài, bắt đầu cạp bên ngoài vỏ trái. Sau đó, sâu đục những đường hầm sát vỏ trái, ăn phần thịt trái.

 

 

 


Sâu tuổi lớn ăn phá mạnh, đục vào trong cả hạt. Sâu phá hại từ khi trái còn nhỏ (khoảng bằng trái nho) đến khi thu hoạch, làm hư hoặc giảm giá trị thương phẩm của trái. Trong quá trình gây hại, sâu tấn công hết trái này sẽ di chuyển sang trái khác trong chùm. Nơi sâu đục có thể phát hiện dễ dàng nhờ lớp tơ kết dính phân sâu thành chùm ở gần cuống hoặc phía dưới trái. Có thể phát hiện sâu đục trái qua những dấu cạp trên vỏ trái hay những lổ đục trên trái chảy nhựa trắng, lúc đó sâu non còn nhỏ chưa chui sâu vào bên trong trái. Nếu thấy phân khô màu nâu kết dính lại ngoài vết đục là sâu đã chui hẳn vào trái rất khó phòng trừ. Sâu có thể hóa nhộng bên ngoài trái nhưng thường hóa nhộng ngay bên trong trái, gần nơi lổ đục. Sâu đục trái gây hại quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất là vào mùa nắng. Loài kiến hôi Dolichodorus thoracius có khả năng khống chế sâu đục trái.

* Biện pháp phòng trừ sâu đục trái
- Tưới nước bằng máy với áp suất mạnh cũng làm giảm đáng kể mật số sâu đục trái.
- Thu gom những trái bị sâu đem chôn để diệt sâu và nhộng.
- Bao trái là biện pháp hiệu quả để ngừa sâu đục trái.
-  Khi phát hiện sự xuất hiện của sâu, sử dụng các loại vi sinh như Vi BT 32000 WP, Biocin 16 WP, Dipel 3,2 WP hoặc chế phẩm sinh học như nấm xanh, nấm trắng. Khi sâu đã lớn chui vào trong trái thì việc phun thuốc kém hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Thứ ba, loài rệp sáp Planococcus lilacinus gây hại phổ biến trên cây Sapô, đặc biệt là trong mùa nắng phát triển rất mạnh. Rệp sáp gây hại trên cành, lá và trái. Cả thành trùng và ấu trùng chích hút nhựa làm cây và trái kém phát triển. Rệp sáp thường sống tập trung với mật số cao trong suốt giai đoạn của trái. Trên lá, rệp chích hút làm lá bị vàng, có thể rụng sớm. Trên trái, rệp thường tập trung ở đầu trái, dưới lá đài, tiếp giáp với cuống trái hoặc tập trung ở những cuống chùm trái, chích hút cả trái non và trái lớn. Ngoài ra mật ngọt do rệp tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận lá, trái, làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây và làm giảm giá trị thương phẩm của trái. Rệp sáp thường gây hại nặng vào mùa nắng cho đến đầu mùa mưa.

 

 


 
Rệp sáp là loài côn trùng đa thực, chúng gây hại trên tất cả các bộ phận của cây Sapô và tấn công trên nhiều cây trồng khác như chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu,… cho nên việc phòng trừ chúng đôi khi gặp khó khăn vì nguồn thức ăn luôn có liên tục trong vườn. Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn.

- Phun nước với áp suất cao, cũng rửa trôi bớt rệp;
- Không nên trồng xen trong vườn những cây dễ nhiễm rệp sáp như sua đũa, bình bát,…
- Trong điều kiện tự nhiên có nhiều loài thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh và nhóm thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa ,…
- Vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây;
- Thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện rệp sáp khi mật số còn thấp và chưa phát tán rộng sẽ dễ xử lý. Sử dụng Dầu khoáng hoặc nhóm thuốc có hoạt chất Spirotetramat ,… Lưu ý vì rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỷ hoặc có thể pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để đạt hiệu quả cao.

Chú ý đảm bảo đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi