EU hỗ trợ nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản

Dự án do Liên minh Châu ÂU (EU - European Union) tài trợ nhằm phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và xây dựng mô hình chuỗi sản xuất nông sản đáp ứng các yêu cầu để xuất khẩu sang EU.

 

Ngày 10/5, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC - International trade Centre) phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả dự án về tăng cường công tác kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc BVTV tại Việt Nam.

 

Tham dự có bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV; bà Pia Buller, phái đoàn EU tại Việt Nam; bà Margareta Funder, Giám đốc Dự án Cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn (viết tắt là Dự án SYMST), ITC.

 

 

Những năm qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA - European - Vietnam Free Trade Agreement) đã mở ra cơ hội để tăng cường thương mại giữa EU và Việt Nam. Hiện nay, EU đã trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau quả.

 

Với vai trò là cơ quan BVTV quốc gia của Việt Nam, Cục BVTV hiện đang phối hợp với ITC thực hiện Dự án SYMST do EU tài trợ nhằm mục đích nâng cao năng lực quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật trong sản xuất và xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật.

 

Xây dựng trang web về xuất khẩu

 

Đánh giá về Dự án SYMST, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, một trong những hoạt động quan trọng nhất của dự án SYMST tại Việt Nam là tập trung vào phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe thực vật và thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật từ Việt Nam sang EU.

 

Nhằm cung cấp thông tin doanh nghiệp tư nhân, các công ty xuất nhập khẩu, Dự án SYMST đã giới thiệu website sẵn sàng xuất khẩu (www.sansangxuatkhau.ppd.gov.vn) với nền tảng đa chức năng, được xây dựng với mục đích hỗ trợ người dùng kết nối và cung cấp thông tin về quy định xuất - nhập khẩu của các nước.

 

Người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu đầy đủ mã số vùng trồng và cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, phần mềm còn hỗ trợ kết nối với các ứng dụng hoặc cơ sở dữ liệu để hỗ trợ xuất khẩu. Thông qua website, các đơn vị liên quan tạo ra các không gian chia sẻ, khuyến khích và khơi nguồn cảm hứng cho hoạt động xuất khẩu. Tại hội thảo, đại diện các công ty xuất nhập khẩu đánh giá website có giao diện dễ sử dụng, thuận tiện trong các thao tác.

 

Trong thời gian tới, để hỗ trợ tốt nhất cho dự án, Cục BVTV sẽ có thêm những nâng cấp, chỉnh sửa theo đề nghị của phía doanh nghiệp, ví dụ mục hỏi đáp cần thêm một số thông tin hay thường xuyên cập nhật các tin tức, văn bản mới nhất về công tác xuất khẩu, từ đó nâng cấp, hoàn thiện hơn nữa để website trở thành địa chỉ tin cậy, hữu ích cho không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà còn thuận tiện cho các cán bộ địa phương, tổ chức cá nhân quan tâm tới xuất khẩu.

 

Triển khai chuỗi sản phẩm nông sản đạt chuẩn xuất khẩu sang EU

 

Dự án SYMST cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi sản xuất bưởi, thanh long và hồ tiêu xuất khẩu sang EU. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, chuyên gia tư vấn về SPS (Sanitary and Phytosanitary - Các biện pháp bảo vệ sức khoẻ hoặc tính mạng con người, động vật và thực vật), mục đích chính của việc xây dựng thí điểm ba loại sản phẩm trên nhằm giới thiệu kỹ thuật và cách thức tổ chức chuỗi sản để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm an toàn, tuân thủ theo quy định của EU về sức khoẻ thực vật và an toàn thực phẩm.

 

Bên cạnh đó, đây còn là điểm mẫu cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU để áp dụng và nhân rộng tại các địa phương có điều kiện tương tự.

 

Hoạt động của Dự án cung cấp các câu chuyện thành công và hình ảnh “người thực việc thực” để truyền thông về các quy định của EU liên quan tới sức khỏe thực vật và an toàn thực phẩm và cách thức tổ chức chuỗi sản xuất để xuất khẩu sang EU.

 

Để triển khai chuỗi mô hình đạt tiêu chuẩn, ông Hồng cho biết đã tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng và xác định các yếu tố hạn chế, các nguy cơ của vùng sản xuất và nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm các quy định của EU về sức khỏe thực vật và an toàn thực phẩm khi xuất khẩu.

 

Sau khi xác định rõ hướng tổ chức, quản lý, đã tiến hành xây dựng tài liệu tập huấn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất, từ đó triển khai các kế hoạch xây dựng mô hình dưới sự hướng dẫn, huấn luyện thực địa và giám sát của chuyên gia tư vấn. Trong quá trình thực hiện có hình ảnh, video thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến xây dựng mô hình để thuận tiện cho công việc báo cáo, đánh giá hiệu quả, tác động của mô hình.

 

Nguồn: trungtamwto.vn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• EU thông qua dự luật mới giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
• Chanh leo Việt Nam đang tiến gần hơn đến thị trường Australia
• Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
• Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng
• Dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Thức ăn thủy sản
• Các chất khử trùng dùng để làm sạch thực phẩm
• EU thay đổi quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản
• Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
• Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm
• Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ
• Sản phẩm thịt chế biến
• Thực phẩm đóng gói sẵn
• Sản phẩm thực phẩm