Tham tán thương mại đưa ra nhiều khuyến nghị với doanh nghiệp xuất khẩu tôm

Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều ngày 21/7, các tham tán thương mại đã đưa nhiều khuyến nghị để doanh nghiệp xuất khẩu tôm bền vững vào các thị trường lớn. 

 

 

 

Am hiểu thị trường

 

Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Để giữ thị phần, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các đối tác quốc tế nâng cao chất lượng tôm giống;

 

Đồng thời, tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch;

 

Đặc biệt, phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh. Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

 

Với thị trường Liên minh Châu Âu (EU - European Union), bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu, cho hay, người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng tiêu thụ thủy sản bền vững. Gần đây, thỏa thuận xanh châu Âu đã có chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, nhấn mạnh tiềm năng của thủy sản, trong đó có tôm. Do đó, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng thủy sản.

 

Theo bà Thúy, EU đã cho ra đời các quy định mới nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm hữu cơ được bán tại EU có chung 1 tiêu chuẩn. Chính vì vậy, nếu muốn kinh doanh ở các siêu thị ở Bắc Âu doanh nghiệp cần có những chứng chỉ sản xuất an toàn, bền vững, trong đó có 2 chứng nhận được yêu cầu chính là Hội đồng quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council) và Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản (ASC - Aquaculture Stewardship Council) đối với các thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng.

 

Đối với thị trường tiềm năng Trung Quốc, để hạn chế các lô hàng vi phạm khi xuất khẩu sang thị trường này, đại diện Tham tán Việt Nam tại Trung Quốc đưa ra nhiều lưu ý với doanh nghiệp: cần tăng cường kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng; giám sát chặt chẽ khâu sản xuất, xuất khẩu; cần có cán bộ chuyên trách biết tiếng Trung, am hiểu thị trường phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu của doanh nghiệp...

 

Mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD

 

Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, châu Âu là thị trường cao cấp, mỗi năm nhập khẩu 1 - 1,2 triệu tấn tôm. Trong khi các nước Tây Bắc Âu có xu hướng tiêu thụ hàng giá trị gia tăng nhiều hơn, với nguồn cung chủ yếu đến từ châu Á, khu vực Nam Âu có nhu cầu đa dạng hơn và thiên về nhập khẩu tôm nguyên con.

 

“Tôm Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tại châu Âu, tôm thẻ chân trắng Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhờ có công nghệ chế biến cao, tôm thẻ chân trắng Việt Nam đã thâm nhập vào phân khúc thị trường tôm cao cấp ở châu Âu.”- ông Công phân tích.

 

Ngoài những lợi thế nói trên, tôm Việt Nam còn có ưu thế hơn các đối thủ là đã có hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Ông Công nhận định, trong thời gian tới, thị trường tôm ở châu Âu sẽ phục hồi khi tồn kho giảm, nhà nhập khẩu tăng mua cho các lễ hội cuối năm. Điều này sẽ giúp cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu phục hồi trở lại.

 

Để xuất khẩu tôm bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại nông sản ở các nước cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.

 

Đồng thời, đề nghị các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, quy định thị trường để bộ, ngành định hướng phát triển thị trường sản phẩm tôm; tăng cường kết nối giao thương doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

 

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, để ngành tôm phát triển bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP - Vietnamese Good Agricultural Practices), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP - Global Good Agricultural Practice), ASC để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường...

 

Mặc dù xuât khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm mới đạt trên 1,56 tỷ USD, với những giải pháp quyết liệt, cùng với việc các thị trường nhập khẩu có tín hiệu khả quan, ngành tôm vẫn đặt kỳ vọng xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt 4 tỷ USD.

 

Nguồn: haiquanonline.com.vn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• EU thông qua dự luật mới giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
• Chanh leo Việt Nam đang tiến gần hơn đến thị trường Australia
• Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
• Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng
• Dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Thức ăn thủy sản
• Các chất khử trùng dùng để làm sạch thực phẩm
• EU thay đổi quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản
• Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
• Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm
• Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ
• Sản phẩm thịt chế biến
• Thực phẩm đóng gói sẵn
• Sản phẩm thực phẩm