Hội thảo chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho 02 sản phẩm bò và gà của tỉnh Bến Tre

Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ Ciptek - Cty TNHH Luật và Sở hữu trí tuệ Aliat Legal phối hợp với Sở KH&CN Bến Tre tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký 02 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Bến Tre” cho 02 sản phẩm bò và gà của tỉnh Bến Tre.

 

Năm 2022, UBND tỉnh Bến Tre cho phép triển khai xây dựng 02 CDĐL “Bến Tre” cho 02 sản phẩm bò và gà của tỉnh Bến Tre. Đến nay, đơn vị tư vấn, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và sở hữu tí tuệ, Công ty TNHH Luật và Sở hữu trí tuệ Aliat Legal đã triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành hồ sơ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo Tổng quan về CDĐL và sự cần thiết của việc xây dựng CDĐL cho con bò và gà gắn với địa danh “Bến Tre” của tỉnh Bến Tre. Giới thiệu mục tiêu, nội dung và kế hoạch thực hiện Đề tài “Tạo lập, quản lý và phát triển CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm bò và gà Bến Tre; báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh sản phẩm; thảo luận, thống nhất danh mục sản phẩm đăng ký bảo hộ CDĐL, danh mục sản phẩm, dịch vụ đăng ký Logo CDĐL; Giới thiệu, góp ý về bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm bò và gà của tỉnh Bến Tre với những ưu điểm về yếu tố tự nhiên (địa lý) và yếu tố con người qua kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi so với sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác.

 

Bến Tre hiện có tổng đàn gà trên 5,5 triệu con, là một trong các đối tượng nuôi chủ lực của bà con nông dân trong tỉnh. Hầu hết, bà con nuôi theo phương thức thả vườn theo hướng an toàn sinh học. Giống gà Bến Tre nổi tiếng là giống gà Nòi lai với gà Tàu, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương. Bên cạnh thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi gà tại Bến Tre còn tận dụng các nguồn thức ăn như lúa, bắp khô, gạo lứt để bổ sung vào khẩu phần thức ăn hàng ngày của gà ở giai đoạn vỗ béo. Ngoài ra, do chăn thả vườn, gà có thể chủ động tìm kiếm thức ăn từ nguồn tự nhiên như cỏ, rau xanh, côn trùng…

 

Trong quá trình xây dựng CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm gà tỉnh Bến Tre, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá, phân tích về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm thịt gà mang CDĐL “Bến Tre” với sản phẩm thịt gà vùng đối chứng là tỉnh Đồng Nai.

 

Kết quả về cảm quan và thành phần lý hóa, gà và sản phẩm thịt gà của Bến Tre có những ưu điểm nổi trội hơn. Đối với sản phẩm thịt gà sống, gà Bến Tre có màu trắng vàng, cơ thịt chắc. Đối với sản phẩm thịt gà chín có màu vàng nhạt đến vàng nghệ; cấu trúc thịt chắc, mềm, dai, ngọt béo…Về thành phần lý hóa, hàm lượng nước (ẩm độ) thịt gà nòi lai Bến Tre cao hơn so với gà Đồng Nai. Hàm lượng nước trung bình của gà Bến Tre là 69,91%, trong khi gà Đồng Nai là 64,64%. Hàm lượng Protein tổng số của gà Nòi lai Bến Tre cao hơn so với gà Đồng Nai lần lượt giá trị trung bình là 27,58% (Bến Tre) và 22,89% (Đồng Nai). Hàm lượng Lipid tổng số, đối với thịt gà nòi lai Bến Tre có hàm lượng lipid tổng số cao hơn so với thịt gà Đồng Nai, lần lượt đạt giá trị trung bình là 5,13% (Bến Tre) và 3,29% (Đồng Nai)…

 

 

Riêng đối với con bò, Bến Tre hiện có tổng đàn trên 220 ngàn con, cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Ba Tri là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh với trên 100 ngàn con. Bình quân, 5,2 người dân Ba Tri/1 con bò. Nuôi bò đã trở thành một trong những ngành kinh tế chính tại các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm…

 

Từ xưa, bò Bến Tre mà cụ thể là bò Ba Tri nổi tiếng với giống bò vàng. Sau này với đàn bò cái nền, người dân đã cho lai tạo các giống bò thuộc nhóm zebu như  Bhratman, bò Sind. Và từ đó, tiếp tục lai tạo các giống bò chuyên thịt, ngoại nhập như bò Red Angus, bò Banc-Blue-Belgium, hay còn gọi là bò 3B, bò Charolais…

 

Với danh tiếng và có nguồn gốc từ lâu đời, năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp Văn bằng chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri”. Đây là nhãn hiệu chứng nhận bò đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thịt bò Bến Tre được đánh giá thơm ngon bật nhất Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều ưu điểm vượt trội như: thịt bò có độ đàn hồi cao, khô ráo, có mùi thơm đặc trưng, thịt bò có màu đỏ tươi, có vân mỡ xen giữa thịt, khiến cho thịt có độ béo, vừa dai vừa mềm, phù hợp cho chế biến các món ăn gia đình và tại các  nhà hàng.

 

Với quy trình kỹ thuật nuôi cùng với khí hậu, thổ nhưỡng và nhất là kinh nghiệm của nông dân chăn nuôi, sản phẩm thịt bò mang CDĐL “Bến Tre” có tính chất, chất lượng đặc thù riêng biệt so với sản phẩm thịt bò tại khu vực đối chứng là Tây Ninh và Củ Chi (TP HCM).

 

Về cảm quan, so với thịt bò Tây Ninh và Củ Chi thì thịt bò Bến Tre có màu đỏ tươi, màu gần như không biến đổi sau 8 ngày bảo quản; mềm; tỷ lệ mỡ vắt từ trung bình đến khá nhiều; vị ngọt, béo.

 

Kết quả so sánh về thành phần lý hóa, thịt bò tại khu vực CDĐL Bến Tre và khu vực đối chứng (Tây Ninh và Củ Chi – TP HCM) có sự khác biệt cơ bản như: hàm lượng nước (độ ẩm), hàm lượng lipid tổng số thịt bò Bến Tre đều cao hơn so với thịt bò Tây Ninh và Củ Chi – TP HCM.

 

Qua thảo luận, góp ý, các đại biểu đã thống nhất với những nội dung, quy trình thực hiện của đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu góp ý nên bổ sung và đánh giá thêm các chỉ tiêu, tính chất lý, hóa của sản phẩm gà, bò Bến Tre so với các khu vực đối chứng của Đồng Nai, Tây Ninh và Củ Chi – TP HCM; xác định đặc tính và đặc trưng của giống bò nền và bò lai cũng như giống gà Nòi lai của Bến Tre…Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý Logo CDĐL cho 02 sản phẩm bò và gà Bến Tre cần phải mang tính chất.

 

Được biết, CDĐL có ý nghĩa, vai trò và lợi ích, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng; tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường; nâng cao giá trị của đặc sản. Thời gian qua, UBND tỉnh Bến Tre đã quan tâm đến việc Tạo lập, quản lý và phát triển CDĐL cho các nông sản đặc sản của tỉnh. Đến nay, Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN chứng nhận bảo hộ 06 CDĐL là dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, tôm càng xanh, sầu riêng, cua biển và chôm chôm. Bến Tre đã và đang tiếp tục thực hiện 06 CDĐL nữa. Trong đó, có các sản phẩm bò và gà, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về xây dựng CDĐL cho các đặc sản của địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý