Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng phát triển kinh tế bền vững trong thế kỷ 21

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống kinh tế được tạo ra để giảm lượng rác thải xuống mức tối thiểu. Khi một sản phẩm không còn sử dụng được nữa, nó vẫn tiếp tục được giữ lại trong nền kinh tế thay vì bị vứt bỏ ra ngoài môi trường. Bằng cách áp dụng các biện pháp như tái chế, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang... những gì thường bị coi là rác thải có thể trở thành nguồn tài nguyên giá trị. Việc này giúp ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và giá cả thị trưởng bất ổn định, giảm thiểu việc phát sinh rác thải và gia tăng việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo bền vững.

 

Ảnh: vneconomy.vn.

 

KTTH đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt, do đó việc phát triển kinh tế tuần hoàn trở nên cấp thiết bởi vấn đề ô nhiễm môi trường, sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa hành tinh Trái đất; các nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận trong khi nhu cầu của con người không hữu hạn; các loại tài nguyên khoáng sản, kim loại vẫn tồn tại trong quá trình sử dụng và có khả năng tái chế cao; chi phí sản xuất, chi phí để xử lý vấn đề khí thải, hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao do phát triển tự động hoá trong sản xuất công nghiệp, trong khi KTTH sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động.

 

Phát triển KTTH đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình KTTH tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

 

Đại hội XIII của Đảng cũng đặt nhiệm vụ trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nhấn mạnh: Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất. Để thực hiện chủ trương trên, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu chung là tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

 

Trên thực tế, Bến Tre đã có một số mô hình thể hiện cách tiếp cận của KTTH, ở một số lĩnh vực. Trong nông nghiệp phổ biến như mô hình VAC (Vườn-Ao Chuồng) đã được áp dụng rộng rãi ở nông thôn; mô hình tận dụng phụ phẩm, phế phẩm từ mụn-xơ-mảnh dừa được khai thác từ vỏ trái dừa để làm giá thể; từ xác bả thực vật, vỏ trái cây, phân chuồng trong chăn nuôi, tro trấu, vỏ trấu… để sản xuất ra các sản phẩm đất sạch, phân hữu cơ, phân vi sinh; sử dụng lại các phụ phẩm như hạt trái cây tạo ra nguồn cung cấp gốc ghép và cành nhánh để làm mắc ghép sản xuất cây giống và hoa kiểng. Đây là những mô hình KTTH khép kín hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa tận dụng, khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất, đảm bảo kinh tế, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong nông nghiệp.

 

Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, KTTH được ứng dụng trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh có 9 dự án điện gió đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin với công suất khoảng 365,9MW.

 

Mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất nâng cao chuỗi giá trị dừa được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp: với công nghệ hiện đại và phương thức tách chiết Dầu dừa đã được sử dụng cho các ngành liên quan khác như mỹ phẩm, y học. Cùng với sự phát triển của các dây chuyền chế biến sử dụng cơm dừa làm nguyên liệu, nước dừa được thu hồi để trở thành nguyên liệu chính cho các cơ sở sản xuất thạch dừa, nước màu dừa. Cơm dừa nâu xấu xí tưởng bỏ đi, đã tạo ra sản phẩm dầu dừa thô, là nguyên liệu chính trong sản xuất dầu dừa tinh luyện cho ra sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Gáo dừa, Chỉ xơ dừa được ứng dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ…

 

Trong tiêu dùng, nhiều mô hình tiêu dùng xanh ra đời theo hướng sử dụng sản phẩm có khả năng tái tạo, tiết kiệm năng lượng như dùng ống hút dừa, không sử dụng túi ni lông, thiết kế nhà xanh...

 

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với tỉnh Bến Tre và  tỉnh Trà Vinh về dự án sản xuất hydro xanh tại Việt Nam (Ảnh: tapchicongthuong.vn).

 

Đặc biệt ngày 10/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh về triển khai dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam. Hydro được nghiên cứu, sử dụng là một nguồn năng lượng được đánh giá là nhiên liệu lý tưởng thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng trong tương lai gần, là chìa khóa cho chiến lược chuyển đổi năng lượng của thế giới theo xu hướng bền vững và thân thiện với môi trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch cũng như cắt giảm tác động của khí thải các-bon.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý