Nếu bị EC rút ‘thẻ đỏ’, xuất khẩu hải sản bị ảnh hưởng ra sao?

Tháng 10 tới đây, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC - European Community) sẽ sang Việt Nam xem xét việc khắc phục các tồn tại trong khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU - Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nhằm đưa ra quyết định mới. Điều gì sẽ xảy ra nếu trường hợp xấu nhất là bị EC rút “thẻ đỏ” với hải sản?


Mất uy tín còn đáng lo hơn!

 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP - Vietnam Association of Seafood Exporters and Producers) cho biết, đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU - European Union), hàng năm Việt Nam xuất khẩu vào đây khoảng 1,2 - 1,4 tỉ đô la Mỹ hàng thủy sản, trong đó, có khoảng 1/3 là thủy sản khai thác, tương đương 400 triệu đô la Mỹ.

 

Theo đó, trường hợp xấu nhất, tức bị EC rút “thẻ đỏ” đối với hải sản của Việt Nam (EC rút “thẻ vàng” hải sản Việt Nam từ năm 2017), thì đồng nghĩa ngành hàng chủ lực này của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU, sẽ mất thị phần 400 triệu đô la Mỹ vào các đối thủ cạnh tranh.

 

Mặt khác, ông Nam dẫn đánh giá của đơn vị này phối hợp cùng với Ngân hàng thế giới (WB: World Bank) thực hiện cho thấy, ngoài thủy sản khai thác, khả năng Việt Nam sẽ mất thêm 10% mặt hàng từ nguồn nuôi, tương đương 80 - 90 triệu đô la Mỹ. Bởi lẽ, các nhà nhập khẩu đến từ EU khi mua hàng của Việt Nam, họ không chỉ kinh doanh mỗi mặt hàng hải sản mà còn cả thủy sản nuôi. “Như vậy, trường hợp bị “thẻ đỏ”, chúng ta sẽ mất đi khoảng 500 triệu đô la Mỹ”, ông Nam nói.

 

Không chỉ bị thiệt hại về kim ngạch xuất khẩu, trường hợp bị rút “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng đến chuỗi việc làm của hơn 60 nhà máy đang hoạt động có liên quan đến chế biến, xuất khẩu hải sản. “Việc lượng hóa số công ăn việc làm bị ảnh hưởng là không dễ, nhưng chắc chắn tác động sẽ ghi nhận được ngay, bao gồm cả chuỗi phía trước, tức công ăn việc làm của ngư dân”, ông Nam nói.

 

Hệ lụy đáng lo ngại hơn, đó là ngành thủy sản Việt Nam sẽ bị mất uy tín. “Chúng ta đã xây dựng được hình ảnh trong 20 năm qua là nguồn cung lớn trong tóp 3 thế giới về thủy hải sản. Như vậy, nếu bị “thẻ đỏ”, rõ ràng chúng ta sẽ bị giới chi phối chuỗi cung ứng là các nhà bán lẻ, họ sẽ đa dạng hóa nguồn cung, kể cả các siêu thị nằm ngoài châu Âu”, ông cho biết.

 

 

Một điều cũng đáng lo, đó là không chỉ EU có quy định và thực thi IUU, mà hiện nay các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản cũng đã có quy định tương tự IUU (7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang Mỹ và Nhật lần lượt đạt 314 và 540 triệu đô la Mỹ). “Rõ ràng, câu chuyện buôn bán trong cùng hệ thống toàn cầu, người ta cũng sẽ có đánh giá, dù không bằng hình thức chính thống là “thẻ đỏ”, nhưng người ta sẽ có điều chỉnh quan hệ thương mại với chúng ta”, ông Nam nói.

 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm ngoái xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU đạt khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, trong đó, riêng hải sản đạt 513 triệu đô la Mỹ. “Nếu bị “thẻ đỏ”, tức dừng xuất khẩu, sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức”, ông nhận xét.

 

Khuyến nghị của EC và những việc đã làm để gỡ “thẻ vàng”

 

Tại buổi làm việc trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương liên quan về việc khắc phục “thẻ vàng” IUU trong tuần rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, có ba vấn đề lớn EC khuyến nghị Việt Nam cần phải khắc phục. Thứ nhất, ngăn chặn không để tàu cá Việt Nam đánh bắt trên vùng biển nước ngoài; thứ hai, không để xảy ra tình trạng vi phạm trong xác nhận nguồn gốc hải sản và cuối cùng là phải xử lý vi phạm “đến nơi, đến chốn”, nếu có.

 

“Chúng ta phải phối hợp mạnh mẽ, kiểm soát chặt, thậm chí có thể dùng máy bay trực thăng để giám sát, kiểm soát việc tuân thủ khai thác hải sản”, ông Quang nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh các giải pháp để khắc phục theo các khuyến nghị của EC. Theo đó, đối với khung pháp lý, đã hoàn tất các thủ tục theo chỉ đạo, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan để tổ chức triển khai trên thực tế, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU.

 

Về quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá, đã thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường độ khai thác. Trong đó, đã ban hành văn bản tạm dừng đóng mới tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên, tạm dừng cấp phép cải hoán tàu dưới 15 mét lên tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên; điều chỉnh giảm số hạn ngạch giấy phép khai thác, cả ở vùng ven bờ và ngoài khơi.

 

Đến ngày 29-8 năm nay, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên, giảm 9.789 tàu so với năm 2019, trong đó, có 30.091 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên, giảm 1.206 chiếc so với năm 2019.

 

Đối với việc theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến ngày 29-8-2023, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho các tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 97,86%. Số lượng chưa lắp đặt VMS cũng được các địa phương lập danh sách theo dõi, quản lý, trong đó, hầu hết là các tàu đang nằm bờ, ngưng hoạt động hoặc thuộc diện chờ xóa đăng ký.

 

Về việc kiểm tra, kiểm soát tàu tại cảng, theo ông Tiến, đang thực hiện theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc và xử lý các hành vi khai thác IUU.

 

Đối với việc xử lý vi phạm, từ năm 2020 đến nay, đã xử phạt trên 4.000 vụ vi phạm khai thác IUU với số tiền trên 110 tỉ đồng. Trong đó, một số địa phương cũng đã tăng cường xử phạt vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về VMS (thiết bị giám sát hành trình tàu cá).

 

Bên cạnh những việc đã làm để khắc phục theo khuyến nghị của EC, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị thành lập tổ liên ngành, bao gồm các thành phần có liên quan để ứng phó, giải quyết từng vấn đề còn gặp khó khăn, vướng mắc.

 

Theo ông Hoan, việc triển khai thực hiện khuyến nghị phải thực chất, lâu dài, không mang tư tưởng đối phó, bởi nếu còn tư tưởng đối phó sẽ còn rủi ro, cho cả ngư dân, doanh nghiệp và cả ngành kinh tế, chứ không chỉ IUU.

 

Nguồn: trungtamwto.vn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• EU thông qua dự luật mới giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
• Chanh leo Việt Nam đang tiến gần hơn đến thị trường Australia
• Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
• Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng
• Dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Thức ăn thủy sản
• Các chất khử trùng dùng để làm sạch thực phẩm
• EU thay đổi quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản
• Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
• Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm
• Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ
• Sản phẩm thịt chế biến
• Thực phẩm đóng gói sẵn
• Sản phẩm thực phẩm