Thực trạng và giải pháp cho nghề nuôi bò ở Bến Tre hiện nay

Bến Tre có tổng đàn bò trên 242.000 con. Trong đó, huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre khoảng trên 170 ngàn con, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao. Nghề nuôi bò ở Ba Tri được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây. Chính vì vậy, nghề nuôi bò được người dân chú trọng, bà con luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.

 

Khi các dự án về cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện, nông dân Ba Tri đã nhanh chóng tiếp cận, áp dụng đại trà. Hiệu quả nhất là dự án “Cải tạo đàn bò vàng Việt Nam” và dự án “Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt Việt Nam giai đoạn 2006-2010” giữa Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre triển khai được nông dân chăn nuôi bò nhiệt tình hưởng ứng, góp phần lai tạo ra những giống bò có giá trị kinh tế cao như hiện nay.

 

Ngày 30/12/2016, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre phối hợp với UBND huyện Ba Tri long trọng tổ chức Lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri” tại UBND huyện. Đây là kết quả mà nhiều năm mong đợi của lãnh đạo các ngành, các cấp và toàn thể người chăn nuôi bò trên huyện cũng như tỉnh nhà. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị con bò Ba Tri (nói riêng) và con bò của Bến Tre (nói chung).

 

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ cho UBND huyện Ba Tri. Ảnh sưu tầm.

 

Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi bò gần đây không còn thuận lợi khi giá bò thịt giảm mạnh suốt mấy tháng liền. Hiện tại giá bò hơi dao động 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá thức ăn hỗn hợp không ngừng tăng cao, từ 170.000 đồng lên 250.000 đồng/bao, giá rơm cuộn từ 25.000 đồng/cuộn tăng lên khoảng 35.000 đồng/cuộn đẩy chi phí chăn nuôi tăng lên đáng kể, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi bò trong tỉnh.


Trao đổi với ông Trà Tấn Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Chánh, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết: hiện nay các xã viên trong HTX gặp không ít khó khăn khi giá bò giảm và giá thức ăn tăng cao. Việc nuôi bò sinh sản còn có lời đôi chút, nhưng nếu nuôi bò thịt vỗ béo thì đồng lời rất mỏng, thậm chí nếu không đảm bảo nguôn thức ăn hoặc mức độ tăng trọng của bò chậm thì có thể lỗ chi phí đầu tư, công nuôi.

 

Ông Trà Tấn Thanh đang trao đổi với khách tham quan.

 

Theo ý kiến của ông Võ Trung Trực, cán bộ kỹ thuật của Tram Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Ba Tri-Giồng Trôm cho biết: mặc dù giá bò đang sụt giảm nhưng vẫn cầm cự được và nuôi có lãi nếu bà con biết cách điều chỉnh cân đối, tận dụng nguồn thức ăn phụ phế phẩm hiện có tại gia đình, địa phương  để giảm chi phí thu mua. Hiện nay còn trong mùa mưa, nguồn thức ăn xanh vẫn dồi dào là điều kiện rất quan trọng để bà con tận dụng chăn nuôi giảm chi phí mua rơm cuộn. Ngoài ra, để đánh giá lợi nhuận, ông Trực còn cho biết thêm: nếu bà con nuôi 02 con bò cái, sau 1 chu kỳ sinh sản cho ra 2 con bê 1 đực và 1 cái thì lợi nhuận thu được khi trừ chi phí là 3 triệu đồng, nếu sinh ra 2 bê đực thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Đối với chăn nuôi 03 con bò vỗ béo, sau 18 tháng lợi nhuận thu được là 17,5 triệu đồng. Phần phân bò thu được sẽ hỗ trợ chi phí công chăm sóc.

 

Với tình hình thực tế hiện nay, giá con bò thịt và bò giống không có dấu hiệu tăng trở lại. Để tiếp tục duy trì đàn bò tại địa phương thì việc cần thiết hiện nay là phải tìm cách giảm giá thành sản xuất, cụ thể là giảm chi phí đầu tư thức ăn nhằm tăng thêm lợi nhuận từ chăn nuôi. Giải pháp hiện nay chính là:

 

Cần chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhằm tránh dịch bệnh xảy ra. Để thực hiện tốt  điều này, người chăn nuôi cần đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thức ăn, nước uống cho vất nuôi.

 

Anh Trực đang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò với bà con đến tham quan học tập.

 

Phải chọn lọc con giống tốt, phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng và đáp ứng được khả năng tăng trọng cao. Trong đó, nhóm bò nuôi sinh sản cần chọn giống bò Lai Sind, lai Brahman. Đối với chọn giống bò nuôi vỗ béo cần chọn giống bò lai Angus, Charolais, BBB, Limosin, … bởi vì nó thích ứng được điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương, khả năng tăng trọng tốt, tiếp nhận được các loại thức ăn/phụ phẩm nông nghiệp hiện có tại địa phương như cỏ xanh, phụ phế phẩm trong nông nghiệp như rau củ quả, xác bia, hèm rượu, bánh dầu dừa,…

 

Đặc biệt cần chuẩn bị nguồn thức ăn đầy đủ và phù hợp cho từng đối tượng, thể trạng của bò trong ở những thời điểm phù hợp. Cụ thể: nên chọn lọc cỏ cho năng suất, chất lượng cao để trồng thay thế cho những giống cỏ kém chất lượng, năng suất thấp. Trong đó cần lưu ý các giống cỏ voi VA06, cỏ Paspalum, cỏ sả lá lớn…. Tích cực áp dụng phương pháp dự trữ thức ăn bằng biện pháp ủ chua để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn cho bò trong những mùa thiếu cỏ nhằm tránh tình trạng thiếu thức ăn và làm tăng chi phí đầu tư mua rơm.

 

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng thức ăn, giảm giá thành và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng góp phần tăng trọng cho bò vỗ béo người chăn nuôi cần áp dụng qui trình “phối trộn khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men cho bò thịt” Thuộc đề tài “Nghiên cứu chế biến khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men (Fermented Total Mixed Ration – FTMR) cho bò thịt từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Bến Tre” do Trung tâm Giống nông nghiệp thực hiện được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đánh giá đạt kết quả cao. Kết quả của đề tải cho thấy nếu người chăn nuôi áp dụng qui trình này để nuôi bò vỗ béo thì đối với bò giai đoạn sinh trưởng sẽ tăng trọng 1,47 kg/ngày và ở giai đoạn vỗ béo sẽ tăng trọng 1,68 kg/ngày, với mức tăng trọng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi bò trong tình hình giá cả như hiện nay.

 

Để thực hiện qui trình ủ này, bà con chuẩn bị các bước thực hiện như sau:

 

Thành phần các loại nguyên liệu:

 

 

Chuẩn bị túi ủ: Túi Biogas loại dày hoặc thùng nhựa.

 

Chuẩn bị cỏ voi: Băm khúc, bỏ gốc quá già, lá khô, trải đều.

 

Chuẩn bị nguyên liệu còn lại: Cân chung các loại nguyện liệu theo công thức và rải đều bề mặt cỏ. Sau đó trộn đều mẻ ủ.

 

Bảo quản: Cho tất cả mẻ trộn vào túi ủ. Ém chặt cho khí ra ngoài. Sau đó dùng dây ruột xe buột chặt, bảo quản nơi thoáng mát. Sau 20 ngày mẻ ủ có thể sử dụng.

 

Lưu ý:

- Nén mẻ ủ càng chặt càng tốt, hạn chế tối đa không khí trong túi ủ như vậy tỷ lệ mẻ ủ thành công càng cao.

 

- Trong quá trình ủ nếu thấy túi ủ sinh nhiệt độ cao thì nên hút (xả) hết toàn bộ lượng khí trong túi ủ ra ngoài, nén chặt lại túi ủ.

 

- Mẻ ủ thành công là mẻ ủ sau 20 ngày có màu vàng nhạt, thơm mùi bia nhẹ, nếm có vị chua nhẹ, không có mùi hôi, không bị đen, rất ít nấm mốc. Mẻ ủ tốt sẽ bảo quản được từ 5 – 6 tháng.

 

Với các giải pháp vừa nêu hy vọng sẽ góp phần vào việc giảm chi phí đầu tư thức ăn cho bò trong thời điểm giá bò đang giảm thấp và giá thức ăn lại tăng cao. Đồng thời, nếu được áp dụng tốt sẽ tạo điều kiện cho người chăn nuôi bò vượt qua những khó khăn hiện tại nhằm tăng hiệu quả kinh tế và giữ ổn định đàn bò của bà con tỉnh nhà.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hội thảo “Giải pháp nuôi vỗ béo nghêu (Meretrix lyrata) và hàu (Malgallana belcheri) và sản xuất thu giống hàu trong ao nuôi vỗ tại tỉnh Bến Tre”
• Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng những lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khai thác hiệu quả nguồn nước trong các giồng cát để cấp nước sinh hoạt vùng ven biển tỉnh Bến Tre và phụ cận”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre và một số tỉnh lân cận”
• Bổ sung trường hợp chỉ dẫn sai trong sở hữu công nghiệp
• Hội thảo xác định hiện trạng sản xuất, tính chất/chất lượng và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của tôm sú và tôm thẻ chân trắng tỉnh Bến Tre
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu biện pháp quản lý sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng góp phần hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp, phát triển sản xuất cây sầu riêng tại Bến Tre hiệu quả, an toàn theo hướng hàng hóa”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các giải pháp quản lý hiện tượng thối quả bưởi da xanh sau thu hoạch tại Bến Tre”
• Kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài khoa học cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre và một số tỉnh lân cận”
• Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp trong quản lý và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất của các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2022 và định hướng đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030”
• Thu hút các nguồn vốn đầu tư và công nghệ hiện đại từ các nhà đầu tư vào tỉnh Bến Tre
• Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm”
• Nghiệm thu dự án “Ứng dụng các hệ thống quản lý sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi da xanh phục vụ xuất khẩu”