Cây đa Đình Tân Hưng và đền thờ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được công nhận là cây di sản Việt Nam

TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa ký công văn số 254/HMTg ngày 9/11/2023 thông báo chính thức cuộc họp Hội đồng Cây Di sản Việt Nam ngày 8/11/2023 tại Hà Nội đã xét duyệt hồ sơ và kết luận Cây Đa tại đình Tân Hưng và Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã đủ các tiêu chí là cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là tin vui lớn đối với nhân dân quê hương kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát mà còn là niềm vui mừng của huyện Bình Đại vì huyện nhà lần đầu tiên có cây Di sản Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Phúc, Chủ tịch UBND xã Châu Hưng đã bày tỏ niềm vui sướng và tự hào khi nhận được thông tin xã nhà có cây Di sản Việt Nam tại một địa chỉ rất đặc biệt là Đình Tân Hưng và Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

 

Cây Đa Đình Tân Hưng và Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Ảnh: nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre.

 

Theo hồ sơ Cây Đa Đình Tân Hưng và Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát do nhóm  giảng viên, sinh viên trường ĐH văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre do nhà nghiên cứu Đỗ Văn Công phụ trách phối hợp xây dựng đã được phê duyệt, cây Đa Đình Tân Hưng khoảng 120 tuổi (ít nhất là 118 tuổi tính theo năm dựng đình làng Tân Hưng thờ ông Huỳnh Văn Thiệu) có chu vi 12 m, đường kính 6 m, chu vi bánh vè 0,5 m. Chiều cao cây 10 m, gồm 6 thân lớn, 4 thân nhỏ, thân nghiêng hướng Đông Tây, gốc nghiêng từ 100 đến 450.

 

Cây Đa Đình Tân Hưng và Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát có nhiều giá trị về mặt văn hóa-lịch sử: gắn liền với Đình Tân Hưng thuộc xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trong suốt quá trình lịch sử, từ những bậc tiền nhân có công khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất này, đến nay nhiều thế hệ con cháu tiếp bước truyền thống chống giặc ngoại xâm qua từng thời kỳ. Trong số những người con, cháu ấy, có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (cháu cố của ông Huỳnh Văn Thiệu) nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

 

Di tích “Đình Tân Hưng và mộ ông Huỳnh Văn Thiệu” là di tích lịch sử-văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 1698/QĐ-UB, ngày 12/4/2001 của UBND tỉnh Bến Tre thuộc loại hình Di tích lưu niệm danh nhân lịch sử. Đến năm 2004, nhân dân xã Châu Hưng và con cháu trong gia đình họ Huỳnh được sự đồng ý của chính quyền địa phương đã xây đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát dưới tán cây Đa (cách đền 12 m); Đền thờ đang được tỉnh Bến Tre xúc tiến xây dựng Hồ sơ Di tích Quốc gia Khu lưu niệm Huỳnh Tấn Phát theo Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 23/2/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. 

 

Hồ sơ cây Đa trước ngày gửi ra Hà Nội. Ảnh: Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre.

 

Ngoài ra, sự tích cây Đa còn liên quan đến các di tích khác trên cùng địa bàn ấp như: Mộ ông Huỳnh Văn Thiệu, mộ bà Phạm Thị Tính-bà Nội KTS Huỳnh Tấn Phát  là  những ngôi mộ cổ trên 100 năm tuổi; Sự kiện cây Đa đình Tân Hưng và Đền thờ KTS Huỳnh Tấn Phát được công nhận là cây Di sản Việt Nam sẽ tạo tiền đề vật chất và tinh thần kết nối các điểm di tích vệ tinh Khu lưu niệm Huỳnh Tấn Phát thành quần thể di tích và trở thành 1 điểm đến du lịch giáo dục lịch sử-văn hoá và sinh thái cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Được biết tỉnh Bến Tre đến nay có 4 cây Di sản Việt Nam (Ba Tri 2 cây, Tp. Bến Tre 1 cây và huyện Mỏ Cày Nam 1 cây), điểm đặc biệt là hồ sơ Cây Đa Đình Tân Hưng và Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát do chuẩn bị đầy đủ và có sự đầu tư công sức, phối hợp sưu tra tư liệu, viết hồ sơ tốt nên chỉ trình một lần được phê duyệt không phải bổ sung, giải trình. Việc xây dựng hồ sơ nằm trong Chương trình nghiên cứu “Bảo tồn di tích Bến Tre theo bóng cây Di sản Việt Nam” do nhóm giảng viên, sinh viên khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, trường ĐH văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre thực hiện từ 2 năm nay.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý