Xuất khẩu thủy sản sang Hà Lan: Cần thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến đáp ứng quy định

Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA - European - Vietnam Free Trade Agreement), xuất khẩu thủy sản sang Hà Lan sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cần thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến đáp ứng quy định của thị trường.

 

Quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, với việc triển khai Hiệp định EVFTA nhiều cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước tiếp tục được mở ra.

 

Hiện nay, Hà Lan là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU - European Union). Trong đó, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục 11,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hà Lan trong 9 tháng năm 2023 đạt gần 7,9 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 7,4 tỷ USD, giảm 5,1% trong khi nhập khẩu từ Hà Lan đạt hơn 487 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Một số mặt hàng/nhóm mặt hàng của Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu cao so với 9 tháng năm 2022 có thể kể đến như: kim loại thường khác và sản phẩm (tăng 216,3%); than (tăng 122,1%); hàng rau quả (tăng 50%); cà phê (tăng 63,3%). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như: hàng thủy sản (giảm 39,8%); sản phẩm từ sắt thép (giảm 59,9%); hóa chất (giảm 51,3%); sản phẩm từ cao su (giảm 47,4%).

 

Riêng với mặt hàng thủy sản, trong năm 2023, theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, sự suy giảm xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là tình cảnh chung của ngành tôm trên toàn thế giới. Đồng thời, tôm của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi tôm của Ecuado và Ấn Độ về giá thành cũng như chất lượng sản phẩm.

 

“Hiện tại cả hai nước này đều có trình độ và công nghệ nuôi tôm rất cao cộng thêm lợi thế về quy mô nuôi trồng và các yếu tố khác như Ecuado có nhiều lợi thế về con giống tốt, giá thức ăn rẻ đến từ Peru (bột cá), Braxin (đậu) nên giá cả thấp hơn Việt Nam” - Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết.

 

Theo số liệu của cơ quan thống kê Hà Lan, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Hà Lan tính đến tháng 7/2023 đạt 1,972 tỷ euro, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu từ Đức đạt 201 triệu euro (tăng 19,6%), từ Bỉ đạt 180 triệu euro (giảm 4,8%), từ Na Uy đạt 148 triệu euro (tăng 21,3%), Iceland đạt 103 triệu euro (giảm 16,9%); Trung Quốc đạt 76 triệu euro (tăng 15,2%); Việt Nam đạt 71 triệu euro (giảm 40,3%).

 

Nhờ các cam kết của Hiệp định EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để tiếp cận thị trường Hà Lan trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, một số quy định, tiêu chuẩn của Hà Lan cũng như EU sẽ có tác động đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

 

Đặc biệt, các yêu cầu đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Đáng lưu ý, đó là số lượng quy định và yêu cầu ngày càng tăng xuất phát từ phản ứng của Ủy ban châu Âu đối với việc dán nhãn sai và gian lận, các tác động môi trường.

 

Theo đó, hiện tại EU đã quy định thêm một số nội dung như: Chứng nhận an toàn thực phẩm; Chứng nhận tuân thủ xã hội (các siêu thị ở châu Âu thường yêu cầu nhà cung cấp của họ phải chứng nhận về tuân thủ xã hội bởi một bên thứ ba, chứng nhận này chủ yếu liên quan đến các cơ sở chế biến). Chương trình công nhận tuân thủ xã hội được chấp nhận rộng rãi nhất là tiêu chuẩn SA8000 (SAI - Social Accountability International) và sáng kiến tuân thủ xã hội của doanh nghiệp (BSCI - Business Social Compliance Initiative). Ngoài ra còn có Chứng nhận bền vững.

 

Vì vậy, bà Vũ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị các doanh nghiệp cần tăng cường rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (HACCP - Hazard Analysis and Critical Control Points) đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu nói chung và vào EU nói riêng.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, như: Thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu, kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU - illegal, unreported and unregulated fishing).

 

Ngoài ra, cần thực hiện đăng ký cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU để được thẩm định, đánh giá bổ sung vào danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU. Đồng thời, cần tích cực tham gia vào các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành, đặc biệt tại Pháp, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha để tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng giao thương với các đối tác nhập khẩu tại thị trường châu Âu. 

 

Nguồn: chongbanphagia.vn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• EU thông qua dự luật mới giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
• Chanh leo Việt Nam đang tiến gần hơn đến thị trường Australia
• Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
• Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng
• Dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Thức ăn thủy sản
• Các chất khử trùng dùng để làm sạch thực phẩm
• EU thay đổi quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản
• Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
• Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm
• Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ
• Sản phẩm thịt chế biến
• Thực phẩm đóng gói sẵn
• Sản phẩm thực phẩm